Nhà máy xử lý rác... ngập rác

Sự kiện: Thời sự

Hơn 1.000 tấn rác ùn ứ, không được phủ kín bạt ngay tại Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) gây ô nhiễm môi trường trầm trọng

Năm 2007, Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương đi vào hoạt động. Đây là nhà máy xử lý rác lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, được đầu tư bởi Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, công suất xử lý 200 tấn rác/ngày.

Rác chất như núi

Theo quy trình xử lý của Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương, rác thải sinh hoạt trên địa bàn do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế thu gom, vận chuyển đưa về đây. Sau khi phun hóa chất diệt ruồi, muỗi, chế phẩm khử mùi, rác được phân loại, ủ thành phân và đốt. Phần còn lại chủ yếu là rác trơ được đổ vào bãi chôn lấp Thủy Phương ở cạnh đó do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế quản lý với tỉ lệ nhỏ hơn 10%.

Thế nhưng, sau một thời gian nhà máy hoạt động, người dân sống quanh khu vực này rất bức xúc và nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết việc ô nhiễm tại đây.

Nhà máy xử lý rác... ngập rác - 1

Bãi rác khổng lồ không được che chắn tại Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương

“Nhà máy tiếp nhận rác nhưng không xử lý, chất đống ngoài trời nhiều năm nay, khối lượng lên đến hàng chục ngàn khối, làm ô nhiễm nguồn nước, không khí. Năm 2015, nhà máy cam kết sẽ đầu tư thêm lò đốt rác để xử lý hết rác trong khu vực nhà máy nhưng đến nay, lượng rác tồn đọng quá nhiều” - ông Lê Nga, một cư dân địa phương, bày tỏ.

Tiếp nhận phản ánh của người dân, phóng viên đã đến khu vực nhà máy tìm hiểu vụ việc. Còn cách xa hơn 2 km nhưng chúng tôi có thể thấy bãi rác khổng lồ nằm lộ thiên, chỉ được phủ bạt đơn sơ. Dù được xây tường bao chắn nhưng do lượng rác quá lớn nên mùi hôi thối vẫn bốc ra nồng nặc. Nước rỉ rác đen ngòm chảy ra ngoài, theo các mương nước trôi đi.

Một hộ dân sống cách nhà máy không xa bức xúc: “Khi trời mưa còn đỡ chứ trời nắng thì bốc mùi không ai chịu nổi, chúng tôi phải lánh đi nơi khác. Việc này xảy ra đã nhiều năm nhưng không thấy ai xử lý”.

Chờ xây lò đốt mới

Ông Phạm Văn Hiệp, Phó Giám đốc Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương, thừa nhận hiện nhà máy tồn đọng khoảng 1.000 tấn rác từ đầu năm 2016 đến nay chưa thể xử lý hết được. Mỗi ngày, nhà máy tiếp nhận khoảng 200 tấn rác, sau khi phân loại, khoảng 20 tấn đưa vào bãi chôn lấp, số còn lại sẽ được đốt. Trước đây, nhà máy có 2 lò đốt rác nhưng hiện một lò đã bị tháo dỡ để xây dựng lò mới có công suất lớn hơn.

“Chúng tôi chỉ còn 1 lò đốt rác với công suất khoảng 100 tấn/ngày nên lượng rác tồn đọng khá lớn. Theo kế hoạch, chúng tôi xây dựng thêm 2 lò đốt mới nhưng hiện chỉ làm một lò, dự kiến vào đầu năm 2017 lắp đặt xong và lượng rác tồn đọng sẽ được xử lý” - ông Hiệp khẳng định.

Ông Lê Bá Phúc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết trong 2 năm 2015 và 2016, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, đoàn kiểm tra liên ngành của sở cùng UBND thị xã Hương Thủy và các cơ quan liên quan đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra.

“Đoàn phát hiện nhiều vị trí dọc tường bao quanh nhà máy có hiện tượng rò rỉ nước, nước rỉ rác chảy ra ngoài môi trường và đã lấy mẫu kiểm tra. Đoàn đã lập biên bản và yêu cầu nhà máy có văn bản cam kết xử lý dứt điểm rác tồn đọng, phải thực hiện theo đúng các quy định trong quản lý rác thải sinh hoạt” - ông Phúc cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Nhật (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN