Nhà khoa học được cấp kinh phí gấp 500 lần lương

Nhà khoa học đầu ngành trong các cơ sở giáo dục đại học được cấp một khoản kinh phí hằng năm không nhỏ hơn 500 lần mức lương tối thiểu/tháng của giảng viên đại học để nghiên cứu khoa học.

Đây là một trong những chính sách trọng dụng nhân tài được đưa ra tại dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định về đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Cùng với khoản kinh phí gấp 500 lần mức lương tối thiểu, nhà khoa học còn được hưởng phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo quy định của Chính phủ hoặc thỏa thuận với cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ; tự quyết định và được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế thuộc các lĩnh vực chuyên môn.

Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học được: Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập từ hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm;

Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ hợp đồng khoa học và công nghệ thực hiện tại vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.  

Nhà khoa học được cấp kinh phí gấp 500 lần lương - 1

Các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài tại ĐH Bách Khoa Hà Nội

Với nhà khoa học trẻ tài năng, Chính phủ cũng có chính sách ưu tiên cấp học bổng để đi học nâng cao trình độ ở trong nước, ngoài nước; hỗ trợ kinh phí tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Nghị định này áp dụng đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư phát triển khoa học và công nghệ.

Chính sách tài chính và đảm bảo đầu tư tại Nghị định:

Doanh nghiệp nhà nước hàng năm dành 5% lợi nhuận trước thuế cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Số kinh phí này không chịu thuế thu nhập của doanh nghiệp. Kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ được tính vào giá thành sản phẩm.

Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư khi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN