Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Học phổ thông 11 năm là vừa đủ”
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, Việt Nam cần phải đổi mới toàn diện chương trình phổ thông và nên áp dụng hệ học phổ thông 11 năm.
Chiều 11/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trước Quốc hội, đại biểu Trịnh Ngọc Phương, tỉnh Tây Ninh, cho biết, nhiều nhà khoa học nhận định hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm như hiện nay không phù hợp, cần rút ngắn. Đã đến lúc Việt Nam phải đổi mới toàn diện chương trình phổ thông nên theo cơ cấu 9+2 thay vì 12 năm.
Sau khi đưa ra ý kiến trên, phần lớn chuyên gia giáo dục phản đối nhưng cũng có người đồng tình.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Ảnh: Infonet.vn
Học phổ thông 11 năm sẽ giảm chi phí
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết, ông đồng tình với đề xuất áp dụng học hệ phổ thông 11 năm. Bởi vì, trẻ em bây giờ rất thông minh, giỏi hơn so với ngày trước. Do vậy, có thể dựa vào điều kiện khoa học công nghệ, tâm sinh lý của các em để rút ngắn chương trình học.
PGS Nhĩ cho biết thêm, học sinh hiện nay được học rất nhiều thứ, nhưng toàn cái chung chung. Nội dung cần đưa vào giảng dạy thì không đưa, không cần thì học dồn rồi nhồi nhét. Nhiều em học hết cấp 3 nhưng khi đi lao động lại không áp dụng được nhiều kiến thức.
Đất nước Việt Nam còn nghèo, Nhà nước dành 20% ngân sách cho giáo dục. Mọi hoạt động cho giáo dục đang “thắt lưng buộc bụng”. Đáng lẽ học 1 giờ, 2 giờ, giờ lại phải học 15 đến 30 phút. Như vậy, nếu hệ học phổ thông 11 năm sẽ giảm chi phí và đầu tư cho nhiều hoạt động giáo dục như bồi dưỡng giáo viên, hoạt động ngoại khóa.
Thêm nữa, nhiều sinh Việt Nam hiện nay ra nước ngoài theo học hệ giáo dục phổ thông 11 năm. Các em vẫn theo kịp chương trình học, thậm chí học khá tốt.
“Từ những nội dung trên, tôi cho rằng hệ giáo dục phổ thông của Việt Nam chỉ cần học 11 năm là vừa đủ”, PSG.TS Nhĩ nói.
Theo PGS.TS Nhĩ, khi thực hiện hệ giáo dục phổ thông 11 năm, sẽ thay đổi khung, sau khi có khung thì lồng ghép, sắp xếp, thay đổi nội dung… Như vậy có thể tiết kiệm chi phí cho giáo dục.
Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng hệ học phổ thông 12 năm. Tuy nhiên, mình vẫn có thể điều chỉnh bằng cách học hỏi cách phân ban từ sớm ở một số nước tiên tiến như: Anh, Đức, hay Pháp. Khi học sinh lên lớp 10, sẽ bắt đầu phân ban, em nào theo các môn khối tự nhiên, em nào theo môn khối xã hội. Như vậy, nội dung chương trình học sẽ tập trung, trọng tâm hơn.
PGS.TS Nhĩ dẫn chứng, ở nước ngoài rất chú trọng đến chuyện phân ban từ sớm. Ngay như ở một số nước như Anh, khi học sinh lên lớp 10 sẽ được phân ban. Họ sẽ chia ra làm nhiều trường để học sinh lựa chọn theo hướng học tiếp lên đại học hay đi học nghề.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2014
Việt Nam kém về Ngoại ngữ
PGS.TS Nhĩ cho hay, sách giáo khoa của Việt Nam dạy theo dạng kiến thức tổng thể, chương trình học rất nặng nề. Do đó, những người làm giáo dục cần phải rà soát lại xem nội dung gì tốt, nội dung nào cần bỏ, nội dung nào cần phải thêm. Khi thay đổi nội dung gì cũng chỉ một vài năm, chứ thay đổi lại toàn bộ sẽ rất lâu, không hiệu quả.
Ví dụ, trong môn Sinh học, nội dung dạy về sinh vật quá chi tiết, bắt các em phải nhớ quá nhiều thứ. Hay như môn Văn học cũng phải xem xét lại xem nội dung nào cần phải bỏ, bớt.
Thầy cô cũng phải thay đổi cách dạy học. Đơn cử khi dạy cho các em học sinh bài học lịch sử về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, thầy cô không nhất thiết phải dạy hết mọi thứ mà dạy cơ bản sau đó ra những câu hỏi để học sinh tự tìm tòi, tự trình bày đối với nhau. Như vậy, khi thầy cô thay đổi phương pháp dạy thì học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu.
PGS.TS Nhĩ cho biết thêm, trong số các nước ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang là nước kém về Ngoại ngữ và việc hội nhập với các nước trên thế giới cũng còn khó khăn. Môn Ngoại ngữ, Việt Nam quá chú trọng đến văn phạm trong khi đó ở nước ngoài lại chú trọng đến việc giao tiếp.
Do đó, để khắc phục điểm yếu về môn Ngoại ngữ, Việt Nam có thể dành hẳn 1 năm để học sinh học Ngoại ngữ (trong hệ phổ thông 12 năm). Tức là học sinh sẽ làm quen với Ngoại ngữ ngay từ mầm non, bậc tiểu học và tập trung mạnh nhất bắt đầu từ trung học cơ sở. Như vậy, sau khi học sinh học hết bậc trung học cơ sở, các em đã đạt một trình độ Ngoại ngữ tương đối.
“Khi đã thực hiện việc phân ban ngay từ lớp 10 rồi thì chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến phương án để học sinh học phổ thông khoảng 2 năm, còn năm cuối cùng dành để cho các em học Ngoại ngữ. Như vậy, chương trình nhẹ nhàng, học sinh cảm thấy hứng thú hơn”, PGS.TS Nhĩ chia sẻ.