Nguyên Phó CT Tiên Lãng nói gì trước khi bị bắt?
Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Văn Khanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vụ cưỡng chế ngày 5/1/2012.
“Tôi không chỉ đạo phá nhà ông Quý”
Nói về việc giải quyết kiến nghị của ông Vươn, theo ông Khanh, đến khi ông Lê Văn Hiền (khi đó là Chủ tịch huyện Tiên Lãng) tiếp tục ra công văn thu hồi đầm của ông Vươn, ông đã có ý kiến bằng văn bản ngày 18/10/2011 đề nghị tiếp tục cho ông Vươn thuê đất nhưng họ (UBND huyện Tiên Lãng - PV) cho rằng, ông Khanh quanh co, không ủng hộ Chủ tịch huyện.
Sau đó, Báo cáo số 111 (khoảng tháng 7/2011) của UBND huyện gửi cơ quan chức năng TP. Hải Phòng không đúng sự thật ở chỗ cho rằng ông Vươn và ông Vũ Văn Luân (Thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng) cố tình xin giao đất chứ không chịu thuê đất...
Về xây dựng kế hoạch chuẩn bị cưỡng chế khu đầm nhà ông Vươn, ông Khanh cho biết, khi UBND huyện bàn về cưỡng chế, ông gần như không được tham dự buổi nào. Đơn cử, ngày 25/11/2011, Thường vụ huyện họp về việc cưỡng chế, có giấy mời nhưng ông lại bị cử đi làm việc khác. Đối với hậu quả xảy ra ngày 5/1, ông Khanh thừa nhận có 2 sơ suất là trong kế hoạch do ông ký có nội dung tháo dỡ 2 lều khu đầm ông Vươn.
Ông Nguyễn Văn Khanh tại buổi công bố quyết định đình chỉ công tác tổ chức ngày 11/2/2012
Nhưng theo ông, kế hoạch này đều đưa ra bàn bạc ở huyện và trong ngày cưỡng chế cũng có phương án đắp bờ ngăn giữa 2 diện tích nằm trong khu vực cưỡng chế và không nằm trong khu vực cưỡng chế. Trong việc này, xã gọi máy đắp bờ không được nên nhờ ông Khanh gọi. Tiếp đó, sau khi cưỡng chế, ông Khanh cùng đoàn công tác đã lập biên bản bàn giao 19,3ha đất cho xã Vinh Quang quản lý, kiểm kê tài sản đầm, bảo vệ sau cưỡng chế.
Ông Khanh thừa nhận, trong quá trình thực hiện công vụ cũng có những sai sót nhất định, nhưng ngày 6/1, ông không chỉ đạo phá nhà ông Quý.
“Lỗi của ông Khanh do cơ chế “đẻ” ra”
Ông Lương Văn Trong - Phó Chủ tịch Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cho biết, ông Khanh là người từng phản đối việc thu hồi đầm của các chủ đầm huyện Tiên Lãng. “Nếu trong vụ việc này ông Khanh phải chịu trách nhiệm hình sự thì cũng phải xem xét những người đứng đầu huyện Tiên Lãng, cụ thể là ông Bùi Thế Nghĩa - Bí thư Huyện ủy và ông Lê Văn Hiền - nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, do việc làm sai xuất phát từ chủ trương và quyết định của ông Hiền” - ông Trong bày tỏ.
Ông Vũ Văn Luân cho rằng, ông Khanh không phải không có lỗi, nhưng cái lỗi này do cơ chế “đẻ” ra. Biểu hiện là ngày 8/10/2010, sau khi lắng nghe ý kiến của người dân và Liên chi hội, ông Khanh đã phát hiện bất cập trong việc thu hồi và lên tiếng phản đối việc cưỡng chế đầm. |
Ông Vũ Văn Luận nhận định: “Với những gì ông Khanh đã làm cho thấy ông ấy không đáng phải chịu tội và chúng tôi không trách nhiều gì ông ấy”.
“Ngày 5/1 là hệ lụy của ngày 8/10/2010, bởi do ông Khanh là người phản đối, nên dù không phải là Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp, nhưng ông Khanh vẫn được giao làm trưởng đoàn cưỡng chế. Ông Khanh bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan từ chủ trương của Thường vụ và UBND huyện Tiên Lãng” - ông Luân nói.
Về trách nhiệm của ông Khanh trong vụ cưỡng chế, ông Luân cho biết, ông Khanh có cái sai do không bảo vệ được quan điểm tới cùng của mình để xảy ra hậu quả nói trên. Ông Vũ Văn Luận nhận định: “Với những gì ông Khanh đã làm cho thấy ông ấy không đáng phải chịu tội và chúng tôi không trách nhiều gì ông ấy”.
Chiều 23/10, tiếp xúc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) chia sẻ: Ông Khanh đã ủng hộ chủ trương có lợi cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Ông Khanh là trưởng đoàn cưỡng chế nên ngày 5/1, ông ấy không có mặt không thể được. Gia đình chúng tôi đã có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại trách nhiệm của ông Khanh và chúng tôi luôn giữ nguyên quan điểm ấy.