Người Việt ít sáng tạo do ngân sách chưa "bơm" đủ 2%?

Xét về mặt tỷ lệ, 2% ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này không phải là thấp. Nguồn tiền đầu tư cho lĩnh vực này không chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước mà đó là khoản đầu tư của toàn xã hội.

Mới đây, một đại biểu quốc hội tiết lộ thông tin gây “sốc”: Việt Nam chưa có sản phẩm khoa học nào đạt thương hiệu được quốc tế biết đến. Mỗi năm chúng ta chỉ có 1 hoặc 2 sáng chế khoa học được đăng ký tại các quốc gia trên thế giới và chỉ 7% người Việt được đánh giá sáng tạo.

Người Việt ít sáng tạo do ngân sách chưa "bơm" đủ 2%? - 1

Ông Lê Bộ LĩnhPhó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Bộ Lĩnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội về vấn đề này.

Ông nghĩ sao về những con số “biết nói” mà đại biểu nêu trên?

Tôi chưa có số liệu chính xác cũng như nguồn tin về các thông số người ta nêu ra, chưa biết độ tin cậy của chúng tới đâu do vậy chưa thể bình luận sâu.

Tuy nhiên, từ thực tế tôi thấy đúng là các chỉ số về sáng tạo công nghệ, trình độ công nghệ của ta còn đang ở mức hết sức khiêm tốn. Những sáng chế, phát minh được đăng ký, thừa nhận nhất là ở chuẩn mực quốc tế cũng như khả năng sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế của người Việt còn đang ở mức rất thấp.

Theo ông vì sao lại có thực trạng đó?

Có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết do nguồn tiền chúng ta đầu tư cho khoa học công nghệ so với các nước còn rất thấp. Không chỉ nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế, đầu tư của xã hội cho lĩnh vực này cũng chưa cao. Do vậy, chúng ta thiếu nguồn lực để kích thích, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ.

Thứ hai, tính cạnh tranh dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp Việt còn thấp nên doanh nghiệp ít đầu tư vào khoa học công nghệ, ít khuyến khích sự sáng tạo.

Ngoài ra, cơ chế tổ chức hoạt động khoa học công nghệ của ta còn mang nặng tính hành chính nên việc sáng tạo ở lĩnh vực này bị hạn chế.

Người Việt ít sáng tạo do ngân sách chưa "bơm" đủ 2%? - 2

Năng suất lao động chưa cao một phần là do người Việt chưa quan tâm tới việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. 

Ai cũng biết đầu tư cho khoa học công nghệ 1 đồng, thu lợi 5 đến 6 đồng. Thế nhưng, với tình hình hiện nay, Chính phủ chỉ có thể dành chi ngân sách 2% cho lĩnh vực này. Theo ông mức đầu tư như trên đã hợp lý chưa?

Xét về mặt tỷ lệ, 2% ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này không phải là thấp, nhưng vì ngân sách của chúng ta ít nên số tuyệt đối lại rất nhỏ - chưa đến 1 tỷ USD/năm. Hơn nữa trong điều kiện ngân sách căng thẳng như hiện nay, vài năm trở lại đây chúng ta còn chưa đảm bảo đủ 2% như kế hoạch đề ra.

Nguồn tiền đầu tư cho lĩnh vực này không chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước mà đó là khoản đầu tư của toàn xã hội. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao nếu đầu tư cho lĩnh vực này thì theo mức bình quân trên thế giới phải dành hơn 4% doanh thu của họ. Hiện tại, đầu tư của doanh nghiệp Việt cho lĩnh vực này thấp hơn mức 4% rất nhiều.

Tổng mức đầu tư của xã hội cho các hoạt động khoa học công nghệ của ta cũng chưa đến 1% GDP. Nói cách khác, khoản đầu tư đó chưa đạt ngưỡng để Việt Nam có thể ứng dụng khoa học công nghệ ở mức tốt, chưa nói đến công nghệ cao.

Giờ mà nói đầu tư bao nhiêu tiền cho đủ thì rất khó vì cần phải có thước đo cho từng lĩnh vực, từng ngành. Chẳng hạn, ngành dược phải đầu tư cho lĩnh vực này khoảng 10% doanh thu…

Nguồn tiền đầu tư xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước cho lĩnh vực này còn ít có phải do người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều tới khoa học công nghệ không thưa ông?

Những doanh nghiệp chưa đầu tư cho lĩnh vực này tôi nghĩ họ chưa thực sự quan tâm tới việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Cũng có những doanh nghiệp chưa đầu tư được bởi năng lực của họ còn hạn chế, chẳng hạn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh thu thấp.

Nhiều người dân do chưa thấy được sức ép của việc dựa vào khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình nên cũng chưa tha thiết đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN