Người Việt có thể tăng thêm chiều cao không?

PGS. Đỗ Thị Kim Liên nhận định, nếu không có được sự chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng và thể dục thể thao, người Việt sẽ khó theo kịp tầm vóc của các nước trong khu vực.

LTS: Chiều cao trung bình của đàn ông Việt Nam là 1,62 mét, của phụ nữ là 1,468 mét, đứng gần áp chót trong khu vực ASEAN. Vì vậy các chuyên gia đã biên soạn ra đề án  nâng cao tầm vóc người Việt với chiều cao trung bình  sẽ tăng thêm 2,5 – 3,5cm vào năm 2030 rất đáng quan tâm.

Đề án hơn 6.000 tỷ nâng cao tầm vóc người Việt vừa được phát động bởi Ban điều phối Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030. Một trong những mục tiêu rất được quan tâm của Đề án là chiều cao trung bình của người Việt sẽ tăng thêm 2,5 – 3,5cm vào năm 2030.

Theo PGS. Đỗ Thị Kim Liên (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) – thành viên biên soạn Đề án, cho rằng, nếu không có được sự chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng và thể dục thể thao, người Việt sẽ khó theo kịp tầm vóc của các nước trong khu vực. Bằng chứng từ nhiều công trình khảo sát cho thấy chiều cao của người Việt thấp nhất châu Á.

Người Việt có thể tăng thêm chiều cao không? - 1 

Chiều cao trung bình của người Việt Nam xếp gần áp chót trong khu vực ASEAN

Theo bà, chiều cao của con người ảnh hưởng 30% bởi yếu tố di truyền, 70% còn lại từ môi trường sống như dinh dưỡng, giáo dục, luyện tập thể chất...

Do vậy, bà Liên cho rằng, người Việt “thấp bé nhẹ cân” không phải do di truyền. Nếu có chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục thể thao tốt, tầm vóc người Việt sẽ nâng cao dần qua từng thế hệ. Mục tiêu đến năm 2030, chiều cao trung bình của người Việt sẽ tăng thêm 2,5 – 3,5cm là hoàn toàn có thể.

Nữ PGS cũng chỉ ra rằng, con người có 3 giai đoạn ảnh hưởng đến phát triển chiều cao gồm thời kỳ bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 5 tuổi và giai đoạn dậy thì (con gái từ 10-16 tuổi, con trai từ 12-18 tuổi). Nếu giai đoạn này được chăm sóc đầy đủ, khoa học, có chế độ dinh dưỡng hợp lý trẻ sẽ tăng thêm chiều cao đáng kể.

Vì vậy, Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam xác định chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe như tiêm chủng, chăm sóc trẻ em, chăm sóc bà mẹ mang thai... là một trong những chương trình trọng tâm giúp phát triển chiều cao.

Chương trình này sẽ đưa ra chuẩn thực đơn dinh dưỡng để giúp người dân ở mỗi độ tuổi có chế độ ăn uống hợp lý, có lợi có chiếu cao nhất. Đồng thời tránh thực phẩm, chế độ ăn uống có hại cho sức khỏe như bia rượu, nước uống có gas...

Người Việt có thể tăng thêm chiều cao không? - 2 

  Đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam có thể đạt 1,68cm hoặc 1,69cm và 1,55cm đối với nữ

PGS. Đỗ Thị Kim Liên nêu kinh nghiệm từ Nhật Bản – đất nước đã thực hiện chiến lược nâng cao tầm vóc cho người dân. Theo bà, không phải ngẫu nhiên mà đàn ông Nhật Bản hiện nay có chiều cao trung bình 1m70 và có sức khỏe dẻo dai, có thể làm việc với cường độ cao.

Qua khảo sát thực tế, bà Liên cho biết, ngay từ mẫu giáo học sinh Nhật Bản đã được dạy rất kỹ tác dụng của các thực phẩm hàng ngày như quả táo, cà chua, vì sao ăn cá, tôm...

Ở Nhật, bữa ăn học đường rất được quan tâm. Họ tính toán khẩu phần ăn rất chi tiết cho từng đối tượng.

“Khảo sát ở một trường mẫu giáo và cấp 1 cho thấy, bữa ăn của học sinh từ đầu năm đến cuối năm không có bữa nào trùng nhau”, bà Liên cho hay.

PGS. Đỗ Thị Kim Liên mong muốn ở Việt Nam triển khai tốt chương trình “sữa học đường” đối với trẻ em mẫu giáo và tiểu học. Bởi hiện nay, nhiều trẻ em ở nông thôn, các vùng quê chưa có đủ sữa.

“Để làm được điều này, có thể học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản, gia đình nào khá giả tự lo sữa  học đường cho con em mình, nhà nào còn khó khăn thì nhà nước hỗ trợ thêm”, chuyên gia dinh dưỡng Đỗ Thị Kim Liên đề xuất.

Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm cho rằng, nhiều người không được chăm sóc tốt khi mang thai. Gây nên thai nhi dễ bị bệnh, suy dinh dưỡng hoặc giảm hấp thụ dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt nhiều dưỡng chất quan trọng như protein, vitamin, khoáng chất... Khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn gây bệnh, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ cơ xương khớp. Đó là những lý do làm nhiều người Việt Nam “thấp bé nhẹ cân”.

Bà Lâm nêu thực tế, bữa ăn truyền thống của người Việt đã thay đổi, đầy đủ hơn nhưng không cân đối. Trong đó việc sử dụng nước ngọt, nước có ga nhiều trong bữa ăn cũng ảnh hưởng đến việc tăng trưởng chiều cao.

Bà Lâm cho biết thêm, chiều cao của người Việt Nam thấp là do lười vận động. Vận động đúng cách sẽ giúp trẻ ăn ngon, ngủ sâu, tăng cân, kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương.

 
Một trong những mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030  là nâng chiều cao của người Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ từ nay đến năm 2030 cao hơn từ 2,5-3,5cm.  

Đối với nam 18 tuổi: Năm 2020 chiều cao trung bình 167 cm; năm 2030 chiều cao trung bình 168,5 cm. Đối với nữ 18 tuổi: Năm 2020 chiều cao trung bình 156 cm; năm 2030 chiều cao trung bình 157,5 cm.

-------------------------------

Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo "Cao thêm 3,5 cm, người Việt sẽ hết “lùn” nhất châu Á ?" vào 10h00 thứ Bảy, 3.1.2015.

Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao cho rằng, cao thêm 3,5 cm vào năm 2030 nhờ chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể thao hợp lý, người Việt sẽ không còn “lùn” nhất châu Á. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H. Yến – D. Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN