“Người rừng” trở về và… trở bệnh
Sau gần nửa tháng từ trong rừng sâu trở về làng, cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) vẫn chưa thật sự hòa nhập với cuộc sống hiện tại. “Người rừng" cha (tức ông Thanh) vẫn phải sống trong bệnh viện từ lúc rời rừng đến nay.
Sau rừng sâu… là bệnh viện
Bác sĩ Châu Nguyễn Thương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Từ lúc cha con ông Thanh ra khỏi rừng, ông Thanh được đưa vào Trung tâm Y tế huyện chăm sóc, nhưng vì bệnh tình ngày một nặng, các bác sĩ phải đưa ông xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi để tiếp tục chữa trị. Ông Thanh được chẩn đoán bị nan thận và suy nhược nặng.
Ông Thương kể, hôm đưa ông Thanh xuống bệnh viện tỉnh, “người rừng” Hồ Văn Lang (con ông Thanh) nằng nặc đòi đi theo cùng thì mới cho đưa cha mình đi. Ông Thanh cũng đòi phải có Lang đi cùng thì mới chịu chuyển viện. Vậy là Trung tâm Y tế huyện Tây Trà đành chấp nhận đưa cả hai cha con xuống bệnh viện tỉnh, nằm ở khoa Ngoại Tổng hợp.
Cha con “người rừng” đang ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận cha con ông Thanh và có chế độ chăm sóc đặc biệt đối với cha con “người rừng”.
“Bệnh viện đang nhanh chóng làm tất cả các xét nghiệm cần thiết, thường xuyên thăm khám để kiểm tra bệnh tình của ông Thanh”, ông Mến nói.
Từ khi rời rừng, ông Thanh chỉ sống trong bệnh viện, điều mà có lẽ lúc ở rừng ông chưa bao giờ biết đến. Hơn 40 năm trong rừng, ông nào biết đến thuốc men, cũng đâu được truyền dịch. Nhưng hiện giờ, thuốc men, dịch truyền cứ “tấp” liên tục vào người ông.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, bệnh nan thận của “người rừng” Hồ Văn Thanh chưa đến mức phải phẫu thuật. Riêng “người rừng” Hồ Văn Lang vẫn còn yếu, ho liên tục, bác sĩ phải truyền nước.
“Người rừng” con tự ăn cơm
“Người rừng” Hồ Văn Thanh vẫn không hiểu “tiền là cái chi chi” khi nhận phong bì tiền được tặng
Sống ở bệnh viện nơi phố thị (TP.Quảng Ngãi), cha con người rừng giờ đã dạn dĩ hơn. Dù không nói nhưng khi người lạ tiếp xúc, cảm giác sợ sệt đã giảm đi rất nhiều so với lúc trước, khi mới vừa từ rừng sâu về làng. Cha con “người rừng” đã biết tự cầm chén, đũa, muỗng để ăn cơm, Lang còn biết lấy tăm để xỉa răng.
Thực hư chuyện đốt lều cha con “người rừng”
Mặc dù anh Hồ Minh Lâm (cháu ruột ông Thanh) quả quyết rằng, chính tay anh đã đốt cháy túp lều trên cây mà cha con “người rừng” ở trong suốt 40 năm qua, nhưng chưa ai xác định được thông tin chính xác. Anh Lâm bức xúc nói: “Tôi đốt hết rồi. Chòi ở trong đó tôi đốt rồi, từ nay đừng có nhắc đến núi rừng, người rừng, đừng nhắc đến những căn lều trong rừng đó nữa. Tôi tức nên tôi đốt. Báo chí nói lung tung, bảo tôi đem cha con chú Thanh ra kinh doanh, đòi tiền này nọ, tức không chịu được”.
Anh Hồ Văn Tri, con trai ông Thanh nói, anh Hồ Minh Lâm không dám đốt nhà của cha và anh mình trong rừng vì đó là điều cấm kỵ của làng
Ông Hồ Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Phong, huyện Tây Trà cũng xác nhận anh Thanh nói với địa phương đã đốt nhà của cha con “người rừng” nhưng không biết là có đốt thật hay không. Xã cũng chưa cử người vào kiểm tra. Còn anh Hồ Văn Tri (40 tuổi), con ruột “người rừng” Thanh khẳng định chắc nịch, anh Lâm nói thế chứ không dám đốt. Anh Tri giải thích, tục lệ của người đồng bào Cor rất cấm kỵ chuyện đốt nhà. “Ai mà tự ý đốt nhà là Giàng sẽ bắt. Nếu dân làng biết anh Lâm làm vậy sẽ bắt phạt anh Lâm bằng heo, gà cúng tạ tội với thần rừng và đãi làng ăn để chuộc lỗi”, anh Tri nói.
Liên quan đến việc xây nhà, làm chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu cho cha con “người rừng”, ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho hay, huyện đã hoàn tất thủ tục, phối hợp với công an tiến hành cấp chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu cho cha con ông Thanh vào gia đình ông Hồ Văn Tri (con ông Thanh) ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong. Huyện Tây Trà còn cấp 100m2 đất cùng với khoản tiền của cơ quan chức năng, đoàn thể hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng để xây nhà ở cho cha con “người rừng”.