Người không được phép chết
“Chế (chị) cũng có hoàn cảnh nợ nần đầm đìa vì cho con đi học như Mỹ Nhân. Chế cũng đã một lần tìm đến cái chết để giải thoát, nhưng mà không chết được…” - bà Nguyễn Thị Tùng - 52 tuổi, ở phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau - tâm sự. Ở Cà Mau, bi kịch mang tên “cho con học đại học” như chị Nhân không phải là hiếm.
Không nhớ hết nợ
Tìm đến nhà không gặp, xin được số điện thoại thì gọi năm lần bảy lượt bà Tùng vẫn không chịu thưa máy. Tìm đến chợ phường 4, thành phố Cà Mau - nơi bà Tùng đang bán cá hằng sáng - hỏi thăm “ai là bà Sáu Tùng bán cá” thì từ đầu đến cuối chợ, ai cũng nhìn tôi từ đầu tới chân rồi lắc đầu nói “không biết”. Rồi tôi cũng gặp được bà Tùng ở nhà riêng tại phường Tân Xuyên.
Sau khi biết tôi là nhà báo, một chị tên Linh - xưng là một trong những chủ nợ của bà Tùng, đang chờ lấy lãi của số tiền cho vay 50 triệu - nãy giờ mặt mày dò xét căng thẳng mới thở phào: “Hồi sáng anh hỏi tui ngoài chợ, tui nghĩ anh đang tìm bà Tùng để... đòi nợ nên nói không biết vì tội bả”. Bà Tùng cười xởi lởi: “Chế bị nợ vây dữ lắm. Toàn tiền vay mượn cho mấy đứa con đi học đại học, rồi lãi mẹ đẻ lãi con suốt 10 năm nay. Sáng cưng (em) điện, thấy số lạ nên chế không dám nghe”. Hỏi chính xác chị nợ người ta bao nhiêu tiền? Bà ngồi thừ một lúc rồi cười: “Từng người một thì chế nhớ, nhưng gộp lại thì chế không nhớ chính xác là bao nhiêu. Chỉ biết là nhiều lắm, làm mấy cũng không đủ trả lãi”.
“Cũng vì nghèo, vì nợ mà chế mất con dâu, con trai chế mất vợ”. Bà kể cách đây 2 tháng, con dâu đầu của bà đã ôm đứa con sau mới 12 tháng tuổi về nhà mẹ đẻ, để lại cho gia đình bà đứa con gái đầu mới hơn 2 tuổi. “Nó chê nhà chế nghèo, lại nợ nần đầm đìa, ngày nào cũng có người tới đòi, không đòi được thì chửi mắng. Nó bắt chế phải cất nhà riêng cho nó, nhưng tình cảnh chế thế này, lấy đâu ra tiền mà cất nhà riêng cho con?” - bà Tùng thở dài.
Chị Linh – một trong những chủ nợ của bà Tùng - ảnh: H.V.M
Cũng như chị Nhân, bà Tùng có ba con trai, và con đường nợ nần của bà cũng bắt đầu từ giấc mơ cho các con đi học đại học để được đổi đời, bất chấp sự dè bỉu, khinh rẻ vì “thân ốc mà bày đặt mang mai rùa” của bà con xóm giềng. Bà khoe: “Trong ba đứa con của chế, chỉ có đứa đầu Trần Quốc Tỏn học xong 12 là không học nữa vì thấy chế khổ quá, ở nhà đi làm hồ để nhường cho hai em đi học. Còn lại con gái thứ Trần Huyền Kha đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM chuyên ngành tin học, hiện đã đi làm cho một công ty giày da trên đó. Và con trai út Trần Tiến Anh, hiện đang học năm thứ 3 Trường Đại học Cơ khí Cửu Long.
“Đó là tháng 6/2010”, bà nhớ lại thời điểm mình tìm đến cái chết để giải thoát nợ nần. Lúc đó con trai út Trần Tiến Anh vừa thi đỗ đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh ở Cần Thơ. “Thời điểm đó chế đang nợ lớn vì lo cho con gái đi học 4 năm ở Sài Gòn, ngày nào cũng có người tìm đến nhà chửi bới, đòi nợ. Giờ thêm đứa nữa, chế không biết phải xoay xở làm sao. Chế cũng đã ra phường để xin được làm hộ nghèo, nhưng người ta nói vợ chồng chế có 3 công đất nuôi tôm, chế còn buôn cá ở chợ, nhà chế là nhà xây... nên nghèo thế nào được.
Cùng đường, chế nghĩ thôi uống thuốc tự vẫn để thoát nợ tiền, nợ đời...”. Nói là làm, bà Tùng đi mua mười mấy vỉ thuốc an thần, về đóng cửa phòng lại. “Nhưng chế mới uống có mấy viên thì không hiểu sao thằng Tiến Anh phát hiện được. Hắn gào thét, đạp cửa, nói má mà không mở cửa, má mà chết thì con sẽ chết theo má, con sẽ không đi học đại học nữa... Hắn khóc lóc, gào thét một hồi làm chế bừng tỉnh. Chế nghĩ giờ mình chết đi thì để chồng, để con, để nợ lại cho ai? Rồi các con mình sẽ ra sao nếu không được tiếp tục ăn học? Nghĩ đến đó, chế quyết định thôi không chết nữa. Chế nghĩ mình không được phép chết”.
Sau đận đó, Tiến Anh nghỉ học và xin đi bộ đội. Ngày Tiến Anh gần xuất ngũ, bà Tùng đã “hợp lực” cùng con gái Huyền Kha viết một bức thư gửi đến Đài Truyền hình Việt Nam để nhờ chuyển đến... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thư viết đại ý: Bà là con mẹ Việt Nam anh hùng, trong kháng chiến chống Mỹ, nhà bà có đến 11 liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho tổ quốc. Nay bà có thằng con út tên là Trần Tiến Anh đang nhập ngũ, rất ham học nhưng do nhà nghèo quá, không có tiền cho con đi học nên nhờ Thủ tướng can thiệp để... con bà được ở lại vĩnh viễn trong quân đội...
Lạy trời cho con của con… thi rớt
Xuất ngũ, Tiến Anh xin má tiền mua 3 cuốn sách về tự ôn thi để tiếp tục giấc mơ đại học. Thấy con ôn thi, tối nào bà Tùng cũng lẳng lặng thắp nhang vái ông bà, trời đất “cầu mong cho thằng Tiến Anh... thi rớt”. Bà còn hứa “nếu Tiến Anh rớt thì con sẽ ăn chay 5 ngày”. Đến ngày đi thi, Tiến Anh thủ thỉ: “Nếu con đậu thì má có cho con đi học không?”. Vì khấn vái lâu nay rồi nên bà cười tự tin: “Nếu mày đậu thì má cho mày học”. Bỗng nhiên bà cười lớn: “Ai ngờ trời thương con nít. Năm đó hắn lại thi đậu và khi nghe kết quả, chân tay chế cứ run bần bật vì không biết lấy tiền đâu ra cho con học...”.
Bà Nguyễn Thị Tùng
Không chết được, lại lỡ hứa với con rồi, không còn cách nào khác, bà Tùng lại phải tìm mọi cách, làm đủ nghề để có tiền, từ giấu gia đình đi lượm bọc nylon trong bãi rác nhưng “ngụy trang” thành mót củi; đi ăn trộm bồn bồn trong vuông người ta về bán; đi nói dóc gạt hết người này đến người khác để vay nợ. Bà cười nhưng nước mắt cứ liên tục ứa ra trên hai hốc mắt sâu hoắm: “Chế nói dóc hay lắm. Nói hồi là người ta đưa tiền hà”.
Và “chế nói dóc hay lắm” chính là nguyên nhân dẫn đến việc bà Tùng nợ không nhớ hết như hôm nay. Bà bảo mới lần đầu vỡ nợ, người ta đến đòi rồi nói tiếng to, bà xấu hổ với chồng con lắm. Nhưng đến khi vỡ nợ lần hai, lần ba, rồi đến lần... không nhớ hết, “chế đâm ra chai lỳ. Chế mặc cho ai chửi bới, mắng nhiếc chế kiểu gì cũng được, miễn là đừng chửi trước mặt các con chế. Buồn quá thì chế tới chùa ngồi”. Nhắc tới chuyện không chửi trước mặt các con, bà kể một chuyện mà bà cho là vui. Chuyện là bà nợ một bà tên Linh 25 triệu đồng tiền mua cá. Bà Linh xiết nợ bà cái xe máy rồi chửi bới đủ điều ngay giữa chợ.
Bà van xin: “Mày chửi tao thế nào cũng được, nhưng đừng chửi khi có con gái tao”. Bà Linh nghe vậy không chửi nữa, nhưng khi Huyền Kha - con gái bà Tùng - ra thì bà Linh lại chạy qua tiếp tục mắng nhiếc. Điên quá bà cự lại: “Tại tao thấy mày giàu quá nên tao lấy tài sản của mày để chia cho con tau có tiền đi học. Tao thấy vậy còn có ích hơn là để cho mấy đứa con thất học của mày đi phá”. Nói ngang ngược vậy, nhưng bà Linh lại thấy chột dạ và từ đó không mắng chửi bà Tùng nữa, dù đến giờ, số nợ 25 triệu bà vẫn chưa trả hết.
“Nói chuyện ngang ngược và... chậm tiêu là đặc sản của bà Tùng” - chị Linh - chủ nợ của bà Tùng - lên tiếng góp chuyện. Chị kể có lần bà Tùng ra Ngân hàng Chính sách Cà Mau xin vay tiền cho con đi học, nhưng ngân hàng không cho vay vì bà không phải là hộ nghèo. Quay về gần tới nhà, không hiểu sao bà quay xe lại ngân hàng, vào gặp cán bộ tín dụng vừa từ chối cho bà vay tiền, vỗ vai nói “bữa ni chú khỏe rồi he, suốt ngày ngồi chơi đến tháng nhận lương”.
Cán bộ tín dụng ngớ người, hỏi “sao bà nói vậy?”. Bà Tùng nói: “Thì người nghèo theo tiêu chuẩn của Nhà nước có ai cho con đi học đại học nên chẳng ai tới đây vay tiền. Chỉ có loại không được nghèo như tui mới cho con đi học và cần vay nhưng chú không cho vay. Thế thì chú còn việc chi nữa mà làm?”.
Trong những ngày lang thang ở Cà Mau, nghe về cái chết của chị Nhân, về chuyện nợ nần suýt tìm đến cái chết của bà Tùng, rồi nghe bà Nguyễn Thị Tiến - Hội phó Hội Phụ nữ ấp 5, xã An Xuyên - nói rằng “ở xứ này, những hoàn cảnh và bi kịch như chị Nhân, chị Tùng vì lý do cho con đi học đại học không phải là hiếm”.
Một lần nữa, tôi lại hỏi cái câu rất cũ với bà Tùng, rằng vì sao khổ và bế tắc đến mức có thể tìm đến cái chết, nhưng chị vẫn cương quyết cho con đi học mà không để ở nhà đi làm kiếm tiền như hàng trăm, hàng ngàn gia đình khác đang là số đông? Bà lại vừa cười vừa khóc: “Chế chỉ nghĩ đơn giản rằng để con thất học đi làm kiếm tiền thì có lợi, nhưng là lợi trước mắt. Chế cho các con chế đi học, dù ra trường không xin được việc làm hay làm trái nghề như Huyền Kha con gái chế, nhưng dù làm gì thì có kiến thức vẫn hơn, vẫn có cơ hội để sống và làm người đàng hoàng...”.
Nghe bà Tùng nói, tôi lại nhớ đến cái chết tức tưởi của chị Nhân và câu nói “thân ốc mà bày đặt muốn mang mai rùa” của người hàng xóm chị Nhân trong cuộc họp xét hộ nghèo cho gia đình chị sau khi chị chết. Những bà Tùng, chị Nhân và nhiều phụ nữ khác ở đây, họ đã trả giá bằng cả cuộc đời, thậm chí là cái chết của mình để làm người tiên phong cho ước mơ thay đổi tâm lý “thân ốc – mai rùa” vốn đã ăn sâu vào máu thịt của người dân hàng trăm năm nay. Nhưng liệu cuộc đời của bà Tùng, cái chết của chị Nhân có đủ để trở thành một lời cảnh tỉnh?