Người dân có thể đăng ký kết hôn, khai sinh, chứng thực... online

TP Hà Nội từ 31-7 đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường giúp cho người dân 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm đã có thể khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ... qua mạng.

Người dân có thể đăng ký kết hôn, khai sinh, chứng thực... online - 1

Lễ khai trương dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường ở Hà Nội. Ảnh: MT.

Sáng nay, 31-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) TP Hà Nội; Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT-TT) Nguyễn Thành Phúc và Giám đốc Sở TT-TT Phan Lan Tú đã bấm nút lễ khai trương hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường.

Đáng chú ý, với việc đưa vào sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường của TP Hà Nội, người dân tại 24 phường của 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm đã có thể truy cập vào cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của TP Hà Nội (địa chỉ www.egov.hanoi.gov.vn) để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức 3 thuộc lĩnh vực tư pháp như: đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn; trích lục đăng ký khai sinh; chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.

Cụ thể, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là dịch vụ cho phép người sử dụng dịch vụ có thể tải, điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Theo UBND TP Hà Nội, dự kiến đến ngày 10-8-2016 sẽ chính thức đưa vào sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường tại 144 phường thuộc 10 quận còn lại của Hà Nội. Theo kế hoạch, đến hết năm 2016, hệ thống dịch vụ công trực tuyến sẽ được triển khai tại tất cả 584 xã/phường trên địa bàn Hà Nội.

TP Hà Nội sẽ tập trung cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thành ủy Hà Nội cũng đã đặt ra chỉ tiêu đến cuối năm 2017 cung cấp 40 - 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và đến năm 2020 cung cấp 70 - 80% dich vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tại tất cả các Sở, ban, ngành, cấp huyện và cả cấp xã.

Từ đầu năm 2016, UBND TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo để triển khai theo định hướng xây dựng hệ thống nền tảng thống nhất bao gồm cổng dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến kết nối với hệ thống một cửa điện tử và xử lý chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, chọn 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm để triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp phường, trước tiên cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực tư pháp, liên thông thủ tục hành chính với Công an và Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Đến đầu tháng 7-2016, Sở TT-TT Hà Nội đã hoàn thành kết nối đường truyền mạng WAN tại 584 xã/phường; cài đặt phần mềm và phối hợp với Công an Thành phố bàn giao, kết nối mạng WAN cho 96 máy tính tại 24 phường thuộc 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm; đang tiếp tục bàn giao 288 bộ máy tính, kết nối mạng WAN và cài đặt phần mềm cho 144/144 phường thuộc UBND 10 Quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Hà Đông.

Tiến hành cài đặt ứng dụng tên miền egov.hanoi.gov.vn và triển khai thử nghiệm phần mềm dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực khai sinh, khai tử và kết nối với Bảo hiểm xã hội để liên thông theo Thông tư liên tịch số 05/2015 của các Bộ Tư pháp, Công an và Y tế tới 168/168 phường thuộc UBND các quận nói trên; đặc biệt tạo tài khoản người dùng trên hệ thống phần mềm cho 24 phường thuộc 2 Quận Nam Từ Liêm và Long Biên.

Hệ thống dịch vụ công cấp phường, xã vừa được khai trương sẽ tạo nhiều thuận lợi cho công dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính: công dân có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi và được hỗ trợ, thông tin trực tuyến (hệ thống tổng đài tin nhắn, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật…).

Với việc khai thác tối đa dữ liệu dân cư trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến công dân, doanh nghiệp, đã giảm bớt các thông tin, dữ liệu mà công dân, doanh nghiệp cần phải cung cấp khi làm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho công dân, doanh nghiệp.

Cũng nhờ việc ứng dụng phần mềm để liên thông giữa các ngành như Công an, BHXH nên rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ (như thủ tục liên thông theo Thông tư liên tịch 05/2015 rút ngắn từ 20 ngày theo quy định xuống còn 5 ngày làm việc).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo B.Trân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN