Người dân có quyền thoải mái đặt tên con

Ủy ban Pháp luật của QH không tán thành quy định về việc đặt tên tại Bộ luật dân sự (sửa đổi), mà ủng hộ người dân thoái mái đặt tên dài, bằng số hay ký tự...

Người dân có quyền thoải mái đặt tên con - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: "Không nhất thiết hạn chế độ dài của tên" - Ảnh chụp qua màn hình

Sáng nay 9.6, Quốc hội (QH) nghe báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật của QH do Chủ nhiệm Ủy ban Phan Trung Lý trình bày.

Có thể đặt tên bằng số hay ký tự

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết Ủy ban pháp luật không tán thành quy định tại đoạn thứ 2 khoản 3 Điều 26 của Bộ luật dân sự (sửa đổi) “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”.

Theo ông Lý, quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết. Hơn nữa, việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ những nội dung này để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Việc đặt tên chỉ bị hạn chế trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc cho phép các em dưới 14 tuổi quyền được thay đổi tên và chữ đệm trong bất kỳ trường hợp nào. Bởi trẻ em dưới 14 tuổi là độ tuổi đang phát triển, chưa định hình về mặt tính cách, tâm lý. Hơn nữa, quy định này cũng không phù hợp với Luật hộ tịch.

Thận trọng thừa nhận việc chuyển đổi giới tính

Đối với quy định “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác”, Ủy ban Pháp luật cho rằng việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam... Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

Ông Lý cho biết đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình rõ quy định này.

Lần đầu tiên QH nghỉ sớm

Đáng lý, sau khi Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2016 sáng thì Quốc hội sẽ thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2016.

Tuy nhiên, đã không có ý kiến thảo luận nào của đại biểu về chương trình giám sát. Đây có lẽ là phiên họp hy hữu của QH từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong khi đó, tại các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp có rất nhiều đại biểu đăng ký thảo luận. Phiên họp của QH sáng 9-6 kết thúc lúc 9 giờ 20.

Người dân có quyền thoải mái đặt tên con - 2

Phiên họp QH sáng 9-6 lần đầu tiên từ đầu nhiệm kỳ kết thúc sớm

Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban thường vụ QH đề nghị QH xem xét, quyết định 1 trong 2 nội dung: việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 -2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015; định hướng phát triển khoa học, công nghệ để đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015-2025.

Năm 2016 là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; là năm cuối nhiệm kỳ QH khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tổ chức bầu cử đại biểu QH nhiệm kỳ khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; là năm tiếp tục triển khai thực hiện Hiến pháp mới, với bộ máy của nhiều cơ quan nhà nước có sự điều chỉnh, nhiệm vụ được chuyển giao giữa hai giai đoạn, một số chính sách được định hướng mới. Bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của mình, các cơ quan phải dành thời gian cho công tác tổ chức, nhân sự; do vậy, việc dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2016 của QH, các cơ quan của QH cũng phải được lựa chọn một cách phù hợp, đảm bảo tính khả thi của chương trình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ph.Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN