Người Anh "hoảng" với "ma trận" xưng hô ở VN

Mở đầu bài báo, tờ The Guardian đã nhận định: “Những quy ước nghiêm ngặt trong giao tiếp của người Việt khiến cho các cuộc họp mặt đại gia đình, nơi tuổi tác là một vấn đề lớn, trở nên rất khó khăn”.

Tác giả bài báo là người có vợ là người Việt Nam. Sau một vài buổi họp mặt đại gia đình bên vợ, ông đã chào thua sự rắc rối trong xưng hô của người Việt. “Vào ngày giỗ dì ruột của cô vợ người Hà Nội của tôi ở thành phố Hồ Chí Minh, hai bên gia đình họ hàng xa đã sum họp lại với nhau để cùng nhau thống nhất cách xưng hô theo đúng phong tục Việt Nam”, tác giả Connla Stokes viết trên tờ Guardian Weekly.

Ông đã cố gắng sử dụng hiểu biết của mình về phong tục xưng hô trong họ hàng của người Việt để giải thích cho độc giả nước ngoài hiểu. Theo nhận định của Stokes, trong giao tiếp, gia tộc người Việt rất cứng nhắc về nguyên tắc xưng hô giữa các thành viên trong họ hàng.

Người Anh "hoảng" với "ma trận" xưng hô ở VN - 1

Một gia đình Việt Nam trên đường phố. Ảnh: The Guardian.

“Mọi người phải biết tất cả về các thế hệ (trong gia tộc) và những người phải rửa bát (trong các lễ lạt, thường là những người phụ nữ trưởng thành trẻ tuổi nhất). Tuy nhiên, sự liên kết giữa các thế hệ có thể có nhiều nút thắt liên quan, đặc biệt là các cuộc hôn nhân ở đời thứ hai trở đi trong một họ tộc.

Nhân dịp này, tôi được giới thiệu với con riêng của chồng người chị cùng mẹ khác cha của mẹ vợ tôi. Trong đôi mắt của người mới 38 tuổi như tôi, bà ấy trông như một ‘người bác’ (dì lớn tuổi) hoặc thậm chí là ‘bà’ (bà nội/bà cố). Nhưng tôi phải gọi bà ấy là ‘chị’ (chị gái) và người chồng đáng tuổi ông lão của bà là ‘anh’ (anh trai).

Chồng ‘chị’ là người đàn ông lớn tuổi nhất trong phòng, đang thưởng thức ly rượu vang đỏ trên một chiếc ghế đá. Nhưng theo luật lệ gia đình bên vợ, ông thậm chí còn không được ngồi cùng mâm với những người có vai vế cao nhất trong họ tộc nhà vợ. Đang ngắm nghía lồng chim cảnh là bố vợ tôi, người mà ‘ông anh cụ lão’ phải gọi bằng ‘chú’.

Đám giỗ bắt đầu, rắc rối liên quan đến chủ đề xưng hô lại tiếp diễn khi một người đàn ông 35 tuổi, hình như là ‘cháu trai’ của tôi, bế khênh cô con gái 10 tuổi của mình lên và yêu cầu cô bé chào tôi là ‘ông’ và chào cậu con trai 4 tuổi của tôi là ‘chú’. Tuy nhiên, cậu nhóc của tôi đang mải mê chui dưới gầm bàn và không để ý đến lời chào đó.

Vì vợ tôi là con cả trong gia đình, con trai của cô em gái vợ tôi cũng phải gọi con tôi là ‘anh’, mặc dù cậu bé lớn tuổi hơn nhiều so với con trai tôi”.

Tuy đặt ra những mô tả có vẻ rắc rối, nhưng tác giả Connla Stokes cũng nhận định rằng, trong một số trường hợp, chuyện tên tuổi trở nên dễ dàng hơn nhiều với cách xưng hô ở ngôi thứ ba của người Việt Nam.

“Thường người Việt Nam hay nói chuyện ở ngôi thứ ba, phân cấp vai vế thường trở thành đặc điểm nhận biết khi bàn luận các vấn đề trong gia đình. Ví dụ, một người mẹ sẽ thường xưng là ‘mẹ’ khi nói chuyện với đứa con của mình.

Điều này rất hữu ích khi lâu ngày mới gặp lại những người họ hàng xa. Một lần, tại một dịp lễ lớn của gia đình, vợ tôi bảo tôi phải tỏ lòng kính trọng với một người phụ nữ trung niên. Bà là người đứng đầu họ tộc bên đằng nhà bố vợ tôi. Vậy thì, tôi hỏi vợ, xưng hô với bà như thế nào? Vợ tôi nhún vai. Cô ấy không tài nào nhớ nổi tên, bảo tôi điều đó không quan trọng. Chỉ cần nói ‘chào bác’ là được”.

Thói quen tuân thủ luật lệ của họ tộc cũng được tác giả ghi nhận khi trải nghiệm là một anh rể trong một gia đình người Việt.

“Không chỉ trong gia đình, người Việt còn thích sử dụng các luật lệ xưng hô với xung quanh. Trong lần đầu tiên hai người Việt cùng độ tuổi, cùng thế hệ gặp nhau, thường họ nhìn vẻ bề ngoài hoặc hoàn cảnh nói chuyện để đoán xem ai lớn tuổi hơn và xưng hô theo đó. Tuy nhiên họ có thể đã nhận định sai. Vợ tôi từng khó chịu ra mặt khi phát hiện người mà cô ấy gọi là ‘chị’ trong nhiều năm qua thực tế lại nhỏ tuổi hơn mình.

Vấn đề già hơn trẻ hơn cũng trở nên phức tạp với những người không thông thạo tiếng Việt. Khi cố gắng thể hiện sự tôn trọng đối với khách quen của mình, chủ một tiệm bánh ở Hà Nội, 40 tuổi, đã đón tiếp tôi bằng câu ‘chào anh’. Nhưng trong trường hợp này, nó khiến tôi hiểu là ‘chào anh, chàng trai trẻ’. Tuy nhiên, ban đầu (khi chưa hiểu rõ câu chào), tôi đã trả lời lại: ‘Chào em’.

Một cách diễn tả không sát sao lắm về phản ứng của ông chủ tiệm bánh có thể khiến Tiến sĩ Seuss (một nhà văn thiếu nhi của Mỹ) cảm thấy tự hào: ‘Này anh, anh không thể gọi tôi là em được. Vì anh trai của anh trẻ hơn rất nhiều, vậy hãy cũng xưng anh với tôi’.

Với việc tự đề cao mình lên như vậy, ngay lập tức tôi được ‘nâng hạng’ tuổi tác. Ông chủ đã mặc định cách xưng hô giữa chúng tôi bất chấp tuổi thực. Kể từ đó, có vẻ tôi dễ dàng gọi một ly cà phê từ các ‘em’ hơn. Như các bạn đã thấy đấy, vì tôi là một ông ‘anh’”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Sương (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN