Ngôi nhà "sáu bà một ông"

"Tôi lấy vợ chỉ vì tình thương chứ không có yêu đương gì. Họ tình nguyện thì tôi chấp nhận chứ không có chuyện ép buộc ai ở đây cả".

Đó là lời trần tình của ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1959), trú bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An) - người được cho là đào hoa nhất miền Tây tỉnh Nghệ An khi cưới được đến... 6 người phụ nữ. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, các bà vợ đã lần lượt phải tự ra đi vì không thể chịu được cảnh chung chồng. Họ đành sống cô đơn với nỗi ân hận vì đã từng lú lẫn vì tưởng đó là tình yêu.

Yêu là... cưới

Ông Nguyễn Văn Tiến là người đàn ông cường tráng với dáng người cao, khuôn mặt chữ điền, đặc biệt ánh mắt đa tình khiến ông trẻ hơn nhiều so với độ tuổi 60 của mình. Thêm vào đó, cách nói chuyện hóm hỉnh với nụ cười có lúm đồng tiền trên má là một điểm cộng của người đàn ông đào hoa nổi tiếng nhất miền Tây Nghệ An này. Chia sẻ về chuyện đưa 6 người phụ nữ đến về ở chung một nhà với mình, ông nói: "Tôi lấy vợ chỉ vì tình thương chứ không có yêu đương gì. Họ thương yêu mình thì mình chấp nhận chứ tôi cũng không ép buộc gì".

Hiện nay, gia đình ông Tiến thuộc dạng khá giả nhất bản Cam. Ngoài làm nương rẫy, ông còn kiêm thêm nghề bốc thuốc chữa bệnh và buôn bán, do vậy cuộc sống luôn đầy đủ, sung túc. Ông vốn sinh ra trên mảnh đất nghèo của huyện Tương Dương (Nghệ An), lớn lên phiêu dạt khắp nơi với nghề buôn bán. Cho đến một ngày khi đi qua huyện Quỳ Hợp ông đã có tình cảm với bà Lý Thị Hoan (SN 1961). Không lâu sau đó họ nên duyên vợ chồng rồi cùng nhau lên huyện Con Cuông lập nghiệp. Mặc dù khi lên đây chỉ với hai bàn tay trắng nhưng với kinh nghiệm buôn bán từ trước nên cuộc sống của hai vợ chồng nhanh chóng ổn định. Hai người có chung với nhau ba mặt con, gia đình lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.

Ngôi nhà "sáu bà một ông" - 1

Ông Nguyễn Văn Tiến - Người đàn ông có 6 người vợ

Mặc dù đã có gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả, thế nhưng nhờ cách nói chuyện hóm hỉnh, cộng với sự đào hoa nên không lâu sau thời gian sống với người vợ đầu tiên, ông Tiến đã khiến một người phụ nữ khác là bà Lô Thị Xuyên say như điếu đổ. Năm 1992, người đàn ông này quyết định cưới thêm bà Xuyên về làm vợ. Mặc dù, đã cố gắng khuyên bảo nhưng do yếu thế không cản được chồng, bà Hoan đành lặng lẽ chấp nhận cảnh chung chồng. Sống kiếp chồng chung, lúc đầu hai bà có nhiều xích mích, ghen tỵ trong cuộc sống nhưng sau đó ông Tiến đã dàn xếp ổn thỏa. Một số người làng còn kể lại: "Mỗi bà một công việc, không ai tị nạnh ai, không những vậy họ còn xem nhau như chị em ruột trong nhà".

Cuộc sống của đại gia đình cứ thế êm đềm trôi qua cho đến một ngày, ông Tiến trở về thăm quê ở huyện Tương Dương. Lần này, ông phải lòng một cô gái mới lớn tên là Lô Thị Phượng. Và cũng như lần trước, sau khi "tán" đổ cô gái này ông về nhà đòi cưới thêm vợ ba. Hai người vợ trước kịch liệt phản đối nhưng cuối cùng đã không thắng được chồng mình. Một đám cưới lại được tổ chức linh đình dưới sự chứng kiến của hai người vợ trước và bà con bản làng. Vậy là, một lúc ông Tiến cùng chung sống với ba người vợ trong một mái nhà. "Thời gian đầu, các bà cãi nhau chí choé nhưng sau một thời gian họ lại thương yêu nhau như chị em trong nhà. Người dân trong bản ai cũng ngạc nhiên về cách đối xử của ba người vợ ông Tiến. Đặc biệt những đứa con chung được các bà yêu thương chăm sóc như con của mình vậy", anh Lô Văn Nộ, một người hàng xóm kể.

Tưởng chừng cưới đến ba vợ đã là quá lắm nhưng sau đó ông lại tiếp tục "chiêu" cũ lấy thêm... ba bà nữa. Nói về sự "quá đáng" này, ông Tiến trần tình: "Tôi biết cưới nhiều vợ là vi phạm luật hôn nhân gia đình. Nhưng tất cả những người vợ của tôi đều đem lòng yêu thương tôi, muốn chung sống cùng tôi, tôi cũng không ép buộc họ điều gì cả. Họ thương mình thì mình thương lại thôi". Im lặng một lát ông còn nói thêm: "Tôi biết đời con gái chỉ có một lần trong đời được lên xe hoa nên phải tổ chức đám cưới linh đình cho họ đỡ tủi thân".

Ngôi nhà "sáu bà một ông" - 2

Lô Thị Lý - 1 trong 6 người phụ nữ tình nguyện làm vợ người đàn ông đào hoa

Bi kịch "chồng chung"

Bà Xuyến, người vợ thứ hai tâm sự: "Tôi cũng không hiểu vì sao lại yêu và quyết định lấy ông ấy nữa, mặc dù biết ông đã có vợ con nhưng từ khi gặp mặt, đêm nào tôi cũng thấy nhớ ông ấy. Nhiều lần tôi đã hạ quyết tâm sẽ yêu và lấy người đàn ông khác chưa có gia đình, nhưng tôi không thể nào làm được điều đó. Vẫn biết làm vợ bé sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nhưng không hiểu vì sao tôi vẫn chọn ông ấy". "Ngày xưa tôi vẫn thầm ước ao, mình sẽ lấy một người chồng trẻ, rồi ra thị trấn hoặc một nơi giao thông thuận tiện, đời sống khá hơn để có một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng từ khi yêu ông ấy, tôi như người mộng mị, chỉ muốn lên miền núi để được sống với ông ấy", bà Xuyên ngậm ngùi nói.

Chính quyền bó tay?

Ông Lô Văn Duy, trưởng bản Cam trình bày: "Chúng tôi đã nhiều lần khuyên can và sau đó là xử phạt nhưng vẫn không được. Ông ấy cứ tự cưới chứ có đăng ký gì đâu. Xử phạt thì ông ấy nhận nhưng rồi rồi lại tiếp tục tái phạm. Do vậy số vợ của ông ngày càng nhiều".

Cũng theo bà Xuyến thì ông Tiến là một người ăn nói nhỏ nhẹ, trong sinh hoạt hằng ngày ít khi ông to tiếng với bà nào hay tỏ ra thiên vị ai quá mức. Nếu có xích mích giữa các bà vợ, người ông lại khéo léo vào cuộc để giải quyết những xung đột. Thời gian đầu, đặc biệt khi vợ còn... chưa quá nhiều, cuộc sống gia đình cũng chưa phát sinh những mẫu thuẫn quá lớn. Đối với những người phụ nữ khi đã chấp nhận số phận sống chung chồng, họ sẽ không dám tị nạnh ai, bởi lẽ việc làm của họ là tự nguyện. Hơn nữa, họ nghĩ rằng nếu muốn làm lại cuộc đời thì cũng đã quá muộn, vì vậy chỉ còn cách chấp nhận sống "kiếp chồng chung" như vậy mà thôi.

Tuy nhiên, khi ông Tiến lấy đến bà vợ... thứ sáu thì cuộc sống gia đình đã trở thành địa ngục. Ông Tiến chia nhà mình thành nhiều buồng, ngăn cách bởi những chiếc ri đô mỏng tanh cho mỗi bà vợ một "vương quốc riêng". Lịch sinh hoạt vợ chồng được ông chia đều theo một lịch có sẵn. Tuy mỗi bà đã có một "vương quốc" nhưng "biên giới" chỉ là những bức ri-đô mỏng nên hàng đêm, khi ông "thăm" một bà thì năm bà còn lại đành phải ra ngoài cho đến khi "xong việc" mới vào nhà vì không thể chịu nổi. Sau một thời gian như vậy, 4 bà vợ của ông Tiến đã tự nguyện ra đi ở riêng. Hiện giờ, ông sống cùng với bà vợ cả và vợ thứ năm cùng con của những người vợ đó. Thỉnh thoảng ông Tiến cũng có ghé qua mấy bà vợ đã ra ở riêng để thăm hỏi, động viên. "Hôn nhân là do duyên số cả, số tôi đào hoa nên các bà cứ tình nguyện theo nên tôi chấp nhận. Hết duyên thì họ bỏ đi, tôi cũng không muốn níu kéo thêm. Nếu cảm thấy không sống được thì nên giải thoát cho nhau, đó là cách tốt nhất", ông Tiến lý giải.

Bà Xuyến, người vợ thứ hai của ông Tiến ân hận nói: "Tôi cũng không hiểu ông lấy nhiều vợ như vậy để làm gì nữa. Đúng là lòng tham con người vô đáy. Không chịu đựợc cảnh chung chồng với các bà khác, tôi đã rời xa ngôi nhà đó để về quê nhà". Sau khi rời xa ngôi nhà ấy, vì phong tục của bản làng nên bà Xuyên không đi thêm bước nữa mà cam chịu sống cuộc sống cô đơn. "Không chồng, không có con cái sau này già cả tôi cũng không biết nương tựa vào ai nhưng đành chấp nhận chứ tôi không chịu được cảnh chung chạ mãi", người đàn bà này nói với giọng cứng rắn. Cùng tâm sự như những người vợ đầu, bà Nguyễn Thị Thậm, người vợ thứ 6 cũng rơi vào hoàn cảnh chán nản vì kiếp chung chồng. Đối với bà, sau lần gặp đầu tiên, mặc dù biết rõ lai lịch của người đàn ông này nhưng như ma xui quỷ khiến bà vẫn chấp nhận lấy ông làm chồng để rồi sau đó bà đã hiểu ra mọi chuyện. "Lúc đầu, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản, chỉ cần yêu ông ấy tôi sẽ vượt qua tất cả. Nhưng sống chung một thời gian tôi mới biết được nỗi khổ vô bờ bến đó. Hơn nữa, hôn nhân mà không có đứa con gắn kết thì khó mà chung sống được với nhau. Khi đã hết tình cảm thì không còn gì để vương vấn, nên đành chấp nhận ra đi".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Hằng - Kim Long (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN