Nghệ nhân tiết lộ bí quyết “biến” 1 chỉ vàng ra 490 lá vàng

Sự kiện: Tin ngắn

Những nghệ nhân, thợ giỏi ở làng Kiêu Kỵ có thể dàn mỏng 1 chỉ vàng thành tấm lá vàng dài 1m, rộng 0,8cm.

Làng nghề Kiêu Kỵ, nơi luyện quỳ vàng, quỳ bạc lớn nhất nhì miền Bắc

Làng nghề Kiêu Kỵ, nơi luyện quỳ vàng, quỳ bạc lớn nhất nhì miền Bắc

Làng Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội là ngôi làng luyện quỳ vàng, quỳ bạc (những miếng vàng, bạc đã được cán mỏng trên giấy quỳ) lớn nhất nhì miền Bắc. Trải qua gần 400 năm lịch sử, đến nay nhiều công trình kiến trúc, đến những bức tượng Phật, hoành phi câu đối dát vàng bạc lấp lánh trên khắp cả nước đã in dấu bàn tay tài hoa của những người thợ ở làng nghề này.

20 công đoạn thủ công

Trong ngày hè oi ả giữa tháng 7, chúng tôi có dịp trở lại làng Kiêu Kỵ tìm hiểu về nghề dát vàng, làm vàng quỳ truyền thống. Từ quốc lộ 5B đi vào làng Kiêu Kỵ chỉ vài trăm mét. Mới bước chân vào cổng làng, từ xa đã nghe thấy những tiếng búa rộn rã của các cơ sở chế tác vàng quỳ.

Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Vòng, một trong những người có tuổi nghề cao nhất trong làng Kiêu Kỵ cho biết, công việc luyện vàng quỳ truyền thống đòi hỏi sự cầu kì và kiên nhẫn cao. “Trước đây, nếu làm theo cách thủ công, để làm ra một quỳ vàng hay quỳ bạc, người thợ phải trải qua tất cả 40 công đoạn. Còn hiện nay, có thêm máy móc hỗ trợ, người thợ hoàn thành sản phẩm cũng phải mất 20 công đoạn, trong đó có những công đoạn đòi hỏi sự kiên trì cao độ”, nghệ nhân Vòng nói.

Nhóm thợ thực hiện đem thỏi vàng hay bạc đã được bọc vải để lên đe, rồi lấy búa đập (hay còn gọi là đập diệp) dài ra, càng dài càng tốt.

Nhóm thợ thực hiện đem thỏi vàng hay bạc đã được bọc vải để lên đe, rồi lấy búa đập (hay còn gọi là đập diệp) dài ra, càng dài càng tốt.

Theo nghệ nhân Vòng, công đoạn đầu tiên của luyện quỳ vàng là chế tạo giấy quỳ, người thợ sẽ mua giấy dó từ vùng khác đem về luộc với nước để tạo độ ẩm. Sau đó, thợ sẽ dùng búa giã nhiều lần đến khi tờ giấy phẳng và mịn bóng. Giấy dó sau khi làm mịn sẽ được quét một loại mực làm từ bồ hóng của nhựa thông đốt cháy, hồ và keo da trâu. Quét mực rồi phơi khô, làm đi làm lại như vậy ba lần sẽ tạo thành giấy quỳ.

Tiếp đến là công đoạn cán, vàng nguyên chất sẽ được nấu chảy ở nhiệt độ cao, đổ vào khuôn tráng thành phiến mỏng. Sợi vàng sau đó sẽ được cắt thành từng miếng vuông nhỏ khoảng 1cm2, xếp lên các mảnh giấy quỳ đã cắt sẵn rộng 4 cm2.

Người thợ sau đó sẽ dùng vải mịn bọc chặt chồng giấy quỳ và vàng để cố định vị trí. Sau đó, đặt miếng vàng đã được bọc vải lên phiến đá lớn (dày 25cm, rộng 20cm) dùng búa giã cho những miếng vàng trong đó mỏng ra, trung bình, một người thợ sẽ mất 40 – 45 phút để hoàn thành xong lần giã thứ nhất này.

Giấy quỳ màu đen được xếp lại thành các xếp

Giấy quỳ màu đen được xếp lại thành các xếp

Tiếp đó, những lá vàng đã giã mỏng sẽ được thợ đem cắt thành 16 miếng bằng nhau, sau đó lại được xếp xen kẽ từng miếng với giấy quỳ để giã lần thứ 2, công đoạn này gọi là “trại” (công đoạn lấy lá vàng ở giấy quỳ ra).

Công đoạn cuối cùng là “long quỳ”, nghĩa là lấy từng lá vàng sau khi “trại” xếp xen kẽ với giấy, buộc ngay ngắn thành từng quỳ. Mỗi quỳ vàng, bạc theo đúng tiêu chuẩn sẽ có 490 lá (tương đương với nửa chỉ vàng). Tiền công hoàn thiện làm 1 chỉ nguyên khối ra lá vàng mỏng dao động từ 100-120.000 đồng.

Công đoạn tách các lá vàng ra khỏi giấy quỳ

Công đoạn tách các lá vàng ra khỏi giấy quỳ

Cán 1 chỉ vàng ra 490 lá vàng mỏng

Nghệ nhân Lê Bá Chung ở làng Kiêu Kỵ cho hay, một người thợ giỏi có thể cán 1 chỉ vàng thành một lá vàng dài khoảng 1m, rộng 0,8 cm. “Mới đầu khi đập diệp người thợ sẽ gập miếng vàng lại làm đôi nhưng lần sau sẽ gập lại làm 3 hoặc 4 và cứ thực hiện như vậy nhiều lần cho đến khi lá vàng dài và mỏng. Khi đập diệp phải đều tay, tập trung. Thông thường, người thợ sẽ mất khoảng một ngày để hoàn thiện xong các công đoạn cán 1 chỉ vàng ra 490 lá vàng mỏng”, nghệ nhân Chung chia sẻ.

Nghệ nhân tiết lộ bí quyết “biến” 1 chỉ vàng ra 490 lá vàng - 5

Mỗi quỳ gồm có 10 buộc giấy, mỗi buộc có 40-50 tờ giấy tương ứng với chừng ấy lá vàng.

Mỗi quỳ gồm có 10 buộc giấy, mỗi buộc có 40-50 tờ giấy tương ứng với chừng ấy lá vàng.

Nghệ nhân tiết lộ bí quyết “biến” 1 chỉ vàng ra 490 lá vàng - 7

Một người thợ giỏi có thể cán 1 chỉ vàng thành một lá vàng dài khoảng 1m, rộng 0,8 cm

Một người thợ giỏi có thể cán 1 chỉ vàng thành một lá vàng dài khoảng 1m, rộng 0,8 cm

Theo nghệ nhân Chung, trong các công đoạn, công đoạn “trại” yêu cầu người thợ phải tập trung rất cao. Yêu cầu khó nhất trong bước này đòi hỏi người thợ phải giã đều tay, liên tục, giữ được nhiệt độ ổn định của bọc quỳ và có như vậy lá vàng mới mỏng đều, bóng và không bị gãy. Ngoài ra, màu mực và độ mịn của giấy quỳ cũng sẽ ảnh hưởng đến màu sắc, độ bóng của lá vàng. Chính vì tầm quan trọng này mà những hộ gia đình ở Kiêu Kỵ đều có bí quyết riêng chế tạo giấy quỳ.

“Công đoạn thu sản phẩm (hay còn gọi là long quỳ) tuy là công đoạn nhẹ nhàng nhất nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao. Khi thực hiện công đoạn này, người thợ phải làm ở nơi kín gió, ngồi trong phòng kín đóng toàn bộ cửa lại để tránh việc lá vàng bay ra ngoài, hao hụt sản phẩm. Quỳ vàng, quỳ bạc sau khi hoàn thiện sẽ được các nghệ nhân dát mỏng lên các bức tượng, câu đối, đồ vật mạ vàng, mạ bạc hoặc bán cho người có nhu cầu”, ông Chung nói thêm.

Đôi cá chép được người thợ tài hoa dát vàng trông rất đẹp, hút hồn người xem

Đôi cá chép được người thợ tài hoa dát vàng trông rất đẹp, hút hồn người xem

Bộ đôi câu đối được dát bằng vàng

Bộ đôi câu đối được dát bằng vàng

Rùa đá nặng 20 tấn, 600 triệu không bán của nghệ nhân Đồng Nai

Tảng đá nặng 20 tấn được điêu khắc thành hình ảnh cụ rùa Hồ Gươm đẹp mắt và rất có hồn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN