Nên buộc xưng hô "anh – em" nơi công sở

“Trong mức độ nào đó, người lớn tuổi phải chấp nhận cách xưng hô 'anh - em' với đồng nghiệp trẻ”.

Xưng hô thân mật như trong gia đình theo kiểu "bác bác – cháu cháu"... là chuyện thường tại công sở. Nhiều ý kiến cho rằng, cách xưng hô “gia đình hóa” giúp đồng nghiệp nhanh chóng gần gũi nhau hơn. Nhưng cũng có người cho rằng, “chú chú – cháu cháu” nơi công sở tiêu diệt tính độc lập của con người khi nêu ý kiến, triệt tiêu sự tranh luận, đối thoại.

Nhân chuyện này, chúng tôi xin gửi tới độc giả những ý kiến về cách xưng hô nơi công sở.

Xưng hô “anh – em” đang là xu hướng

Chuyên gia Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho rằng, trong ngôn ngữ Việt có hệ thống từ ngữ xưng hô khá phức tạp. Bởi cách phân tầng, chia sắc thái thang độ tình cảm rạch ròi nên tương đương với đó là hệ thống từ xưng hô đi theo.

Trong quan hệ gia đình của người Việt có sự phân ngôi thứ rất rõ ràng, các từ xưng hô cũng chỉ đích danh quan hệ giữa các đối tượng giao tiếp. Ví dụ, “chú” là em trai của bố, “thím” là vợ của chú; “cậu” là em trai mẹ, “mợ” là vợ của cậu....

Hệ thống từ ngữ xưng hô của Việt Nam tương đối phức tạp như vậy đã chi phối cách xưng hô chung trong xã hội. Bởi người Việt lấy chuẩn về mặt gia đình, tuổi tác để lựa chọn từ ngữ xưng hô như: chú, bác, anh, cô...

Ngay cả giao tiếp nơi công sở, nếu người giao tiếp không lấy “tiêu chuẩn tuổi tác, gia đình” để xưng hô thì dễ bị cho là không hòa nhập, xách mé, hỗn hào... Ví dụ, khi đến cơ quan công quyền, nói chuyện với cán bộ hơn mình nhiều tuổi mà xưng hô “ông ông – tôi tôi” dễ bị coi là hỗn hào, công việc khó thuận lợi.

Nên buộc xưng hô "anh – em" nơi công sở - 1

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, nên xưng hô chuẩn theo xã giao, bỏ yếu tố gia tộc hóa

PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng, nên xưng hô chuẩn theo xã giao (bỏ yếu tố gia tộc hóa) nhưng phải có quá trình và sự đồng thuận chung của mọi người. Ngay lập tức chuyển hướng theo lối xưng hô “ngang hàng” ngay sẽ thất bại.

"Theo kinh nghiệm của tôi, trong công vụ, công việc nên sử dụng cách "xưng hô không đầy đủ". Nghĩa là không nhất thiết phải sử dụng cặp xưng hô ngôi thứ: cháu - bác; cháu cô; anh - em; chị - em...

Chẳng hạn, khi cần đưa cho người ta thì dùng: "Gửi chị". Không cần "Em gửi chị ạ" hoặc là: "Dạ, gửi bác" hoặc "Xin gửi bác" mà không cần "Cháu gửi bác".

GS Nguyễn Hữu Khiển - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM).

Ông Phạm Văn Tình cho hay, hiện nay, trong công sở có xu hướng xưng hô “anh – em”. Quan sát có thể thấy, những người chênh lệch nhau nhiều tuổi vẫn gọi nhau là “anh- em”, “chị - em”. Đây là xu hướng tốt, đơn giản hóa xưng hô và tạo ra các cặp từ xưng hô thoáng đạt, tạo điều kiện cho người tham gia giao tiếp thoải mái hơn.

Ủng hộ cách xưng hô “anh – em”, nhưng PGS. TS Phạm Văn Tình băn khoăn trường hợp hai đồng nghiệp chênh nhau quá nhiều tuổi. Ví dụ như sinh viên mới ra trường đi làm rất khó gọi "anh" xưng "em” với nguời sắp về hưu. Do vậy, PGS. TS Phạm Văn Tình cho rằng, trường hợp trên nên xưng hô “bác – em” để đỡ sốc, dễ nói chuyện với nhau hơn.

“Anh – em” gần gũi, thuận lợi

Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, cách xưng hô “gia đình hóa” không tạo ra môi trường làm việc bình đẳng. Do vậy, nên hạn chế lối xưng hô này, thay vào đó là cách xưng hô tạo sự bình đẳng.

Ví dụ, trong tiếng Anh có cách xưng hô rất bình đẳng là “I" và "You”. Mặc dù vậy, điều này rất khó thực hiện bởi văn hóa Việt trọng tuổi tác, thứ bậc trên dưới. Do vậy, nên có cách xưng hô dung hòa, không tạo nên khoảng cách quá lớn giữa những người đồng nghiệp.

“Xưng hô 'anh – em' hoặc 'chị – em' trong công sở có thể là một giải pháp”, ông Long đề xuất.

Ông Long nói: “Ví dụ, đúng ra với người hơn nhiều tuổi phải gọi bằng 'chú' hoặc 'bác' xưng cháu. Nhưng trong môi trường công việc không cần câu nệ thế, có thể gọi nhau là 'anh – em'. Cách xưng hô này dễ trao đổi công việc mà vẫn tạo ra sự tôn kính, tôn trọng thứ bậc tuổi tác”.

Lúc đầu sẽ hơi khó nghe khi người nói chuyện ít hơn tuổi con mình, nhưng trong mức độ nào đó, người lớn tuổi phải chấp nhận cách xưng hô “anh – em”, “chị - em”.  Không nên xưng hô là “chú – cháu” vì nó dễ tạo tâm lý tự ti ở người trẻ và “kẻ cả” ở người nhiều tuổi hơn.

Nên buộc xưng hô "anh – em" nơi công sở - 2

Ông Phan Đăng Long: Tại công sở, không nên xưng hô “chú – cháu”, vì dễ tạo tâm lý tự ti ở người trẻ và “kẻ cả” ở người nhiều tuổi hơn.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm - Trưởng Bộ môn Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM - cho rằng, xưng hô “chú - cháu” nơi công sở không thuận tiện cho giải quyết công việc chung. Cách xưng hô này làm người ít tuổi hơn cảm thấy mình thấp bé, không có đủ sự tự tin. Tuy nhiên, rất khó để thay đổi ngay cách xưng hô này theo hướng “ngang hàng”.

Theo ông, lẽ ra đại từ nhân xưng “tôi” phải được dùng nhiều nhất. Nhưng ít khi có người xưng “tôi” khi giao tiếp. Ví dụ, ở cơ quan, một nhân viên xưng là “tôi” với giám đốc, thủ trưởng, chắc chắn sẽ sớm phải ra khỏi cơ quan vì “mình không giống ai”.

Giáo sư nói: “Muốn tránh trường hợp xưng hô “bác bác –  cháu cháu” làm người dưới thấy mình nhỏ bé, có thể xưng hô “anh - em”. Cách gọi này đã làm khoảng cách rút được nhiều lắm rồi”.

_____________________

Mời độc giả đón đọc bài 4: Không gọi "thằng, con" nơi công sở vào 0h05 ngày 10/5.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Đề xuất bỏ xưng hô chú-cháu nơi công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN