Năm giải pháp cấp bách chặn TNGT nghiêm trọng

Ngay sau các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Khánh Hòa, Quảng Nam và Bà Rịa- Vũng Tàu, chiều 10/6, Bộ trưởng, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, các cơ quan tham mưu của Bộ bàn các giải pháp quản lý hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn tai nạn.

Tham dự buổi họp có các Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Lê Đình Thọ, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp.

Tai nạn nghiêm trọng chủ yếu do xe khách, xe tải

Trong 5 tháng đầu năm, cả hệ thống chính trị từ TƯ đến các địa phương đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài, từ hoàn thiện văn bản pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng đến tăng cường tuần tra kiểm soát… TNGT đã giảm về số vụ, số người bị thương duy chỉ có số người chết tăng nhẹ (0,6%) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu tháng 6, lại liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ tính riêng ngày từ 7- 9/6 đã xảy ra 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng tại Khánh Hoà, Quảng Nam và Bà Rịa – Vũng Tàu, làm 16 người chết, 45 người bị thương.

Thứ trưởng Lê Đình  Thọ:  Giải quyết tận gốc tai nạn xe khách, xe tải... phải đi từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp vận tải phải quản lý lái xe, không sử dụng lái xe thường xuyên vi phạm quy tắc giao thông; nhất là vi phạm tốc độ. Các địa phương phải kiểm tra nghiêm tại các đầu bến, phối hợp chặt chẽ với ngành công an tuần tra xử lý vi phạm, ngăn chặn ngay từ đầu những nguy cơ xảy ra tai nạn.

Báo cáo Bộ trưởng, các đơn vị cho biết thông tin mới nhất về kết quả điều tra tai nạn giữa Trung tâm Đăng kiểm Bà Rịa – Vũng Tàu và Phòng CSGT công an tỉnh thì vụ TNGT xảy ra đối với xe tải 72L-2354 do xe này và 1 xe tải khác chạy cùng chiều đã đua tốc độ, khi thấy xe máy ngược chiều thì tài xế đánh tay lái, phanh gấp làm xe xoay ngang lao vào 2 xe máy chạy ngược chiều, làm 6 người chết.

Vụ xe khách Mai Linh bị lật làm 3 người chết, 23 người bị thương tại đường tránh Vĩnh Điện (Quảng Nam) vào ngày 9/6, cơ quan điều tra tỉnh đã tiến hành kiểm tra đối với chiếc xe bị lật, phát hiện bulông bắt định vị ở trục trước theo hướng dọc bên phải một cái đã mất, cái còn lại bị cọ sát lâu ngày đã đứt, nên bánh xe bị đẩy ra sau dẫn đến không thể điều khiển xe. Có thể đó là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.

Còn đối với xe khách 43S-6420 đâm vào vách núi  trên đèo Khánh Lê (Khánh Hoà), cơ quan chức năng cho biết xe mới đi được 22km, trên đường đèo, nhiều khả năng tài xế đưa xe về số MO (số 0) để tiết kiệm nhiên liệu và rà phanh liên tục dẫn đến cháy má phanh, mất phanh, tài xế lại không sử dụng phanh tay hỗ trợ. Thêm vào đó, thiết bị giám sát hành trình của xe không hoạt động, ngày xảy ra tai nạn cũng là thời hạn xe đến kỳ đăng kiểm. 15 ngày trước đó,  Trung tâm đăng kiểm Đà Nẵng đã gửi thông báo cho chủ xe tới hạn kiểm định. Trong hồ sơ lưu tại trung tâm, xe đã phải kiểm định 2 lần mới đạt tiêu chuẩn do “dây kéo phanh tay bị chùng”.

Năm giải pháp cấp bách chặn TNGT nghiêm trọng - 1

Xử phạt nghiêm vi phạm là một trong những giải pháp quan trọng phòng ngừa tai nạn xe khách

Rút giấy phép kinh doanh đối với DN vận tải có nhiều xe vi phạm

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Lê Đình Thọ chậm nhất đến 25/6 phải tổ chức họp với Bộ Công an và các địa phương để có giải pháp ngăn chặn ngay những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, lái xe cũng như phân cấp quản lý về ATGT nhiệm vụ nào thuộc Bộ GTVT, nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của địa phương  là các Sở GTVT. "Nếu địa phương nào không triển khai thực hiện sẽ báo cáo UBND tỉnh, nếu tỉnh không làm sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý, chấn chỉnh không  thể thờ ơ vô cảm trước thực trạng đang diễn ra."- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát lại các giải pháp kiềm chế TNGT đang thực hiện đã trúng, hiệu quả và quyết liệt chưa? Tìm được nguyên nhân chính phải xử lý trước. Bộ trưởng giao Vụ pháp chế rà soát lại văn bản pháp luật, sửa đổi quy định sao cho đảm bảo an toàn cao nhất nhưng không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện. Trong khi chờ sửa đổi, phải tổ chức điều hành, siết chặt quản lý điều kiện kinh doanh vận tải tốt hơn nữa.

Bên cạnh đó, các công trình đang thi công ngoài đảm bảo chất lượng, còn phải đảm bảo đúng tiến độ để nhanh chóng đưa vào sử dụng, lắp ngay dải phân cách cứng, biển báo đối với những đoạn đã hoàn thành. Những đường ngang đấu nối ra đường chính  phải làm gờ giảm tốc, biển báo, đèn tín hiệu hoàn chỉnh. Đối với những đoạn đường đèo dốc phải lập các đường cứu nạn.

Bộ trưởng cũng giao Vụ Khoa học công nghệ cùng với nhà cung cấp khẩn trương hoàn thiện việc lắp đặt phần mềm chắt lọc thông tin thông qua thiết bị giám sát hành trình xong trước ngày  25/6 để đến ngày 1/7 các cơ quan chức năng có thể tra cứu ngay thông tin vi phạm và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm cảnh báo. Đồng thời, tiến hành rút giấy phép kinh doanh với doanh nghiệp nhiều vi phạm. Yêu cầu dừng  hoạt động vĩnh viễn các trung tâm đào tạo sát hạch cấp GPLX không đủ điều kiện.

Bộ trưởng cũng giao các cơ quan tham mưu đề xuất để Bộ ra quy định tuổi lái xe và các điều kiện được phép vận tải khách ban đêm với các doanh nghiệp vận tải. Bộ trưởng cũng yêu cầu Văn phòng Uỷ ban ATGTQG tăng cường tuyên truyền 3 tháng thực hiện cao điểm về xử lý vi phạm về tốc độ để người dân, doanh nghiệp, lái xe biết để thực hiện góp phần ngăn chặn, kéo giảm TNGT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Lê (Báo Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN