Mỹ: Mẹ con trùng phùng sau hơn 30 năm ly biệt

Nhờ một cơ duyên tình cờ, 2 mẹ con ở Mỹ đã tìm thấy nhau sau hơn 30 năm trời bị chia cắt.

Ngày 24/11, một phụ nữ ở bang Wisconsin, Mỹ cuối cùng cũng đã gặp lại đứa con trai đã thất lạc sau khi chồng bà mang con của họ trốn tới Mexico cách đây hơn 30 năm.

Đó là một cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt ở sân bay San Diego, và không khí càng xúc động hơn nữa khi hai mẹ con không thể nói với nhau một lời nào, bởi đứa con 37 tuổi của bà chỉ có thể nói được tiếng Tây Ban Nha.

Mỹ: Mẹ con trùng phùng sau hơn 30 năm ly biệt - 1

Cuộc trùng phùng tại sân bay của hai mẹ con sau 30 năm xa cách

Anh David Amaya Barrick bị bố mang theo và vượt biên sang Mexico khi mới 2 tuổi, và hơn 30 năm sau, anh chỉ biết cắn móng tay khi đứng trước người mẹ Kathy Amaya 60 tuổi tại sân bay.

Hai mẹ con nức nở ôm chầm lấy nhau trong lần đầu tiên họ được nhìn thấy nhau trong suốt quãng thời gian gần 35 năm đằng đẵng. Người con thốt lên bằng tiếng Tây Ban Nha: “Con yêu mẹ và nhó mẹ rất nhiều. Chào mừng mẹ đến với cuộc đời của con.”

Còn người mẹ trả lời bằng tiếng Anh: “Mẹ yêu con và rất hạnh phúc khi gặp lại con. Mẹ sẽ không để con đi nữa đâu.” Người con trai lúc này không thể thốt lên được một lời nào nữa, trong khi bà mẹ nhận xét: “Con trai tôi giờ đã lớn thật rồi.”

Sau khi dành vài ngày để “tái hòa nhập” tại San Diego, hai mẹ con sẽ quay trở về ngôi nhà cũ ở Chippewa Falls, bang Winconsin, nơi họ đón lễ Tạ ơn cùng với nhau cùng với 4 chị em cùng mẹ khác cha khác của David.

Cuộc chia ly của mẹ và con trai kéo dài gần 3000 km về không gian và hơn 30 năm về thời gian. Cuộc trùng phùng này diễn ra từ một biến cố rất ngẫu nhiên: David Amaya bị cảnh sát Mỹ bắt giữ khi đang vượt biên trái phép vào bang California hôm 30/10.

Mỹ: Mẹ con trùng phùng sau hơn 30 năm ly biệt - 2

Hai mẹ con nói chuyện với nhau phải thông qua người phiên dịch

Họ bị bắt khi đang tìm cách vượt qua một đường hầm xuyên biên giới tràn ngập rác rưởi do những kẻ buôn lậu ma túy bỏ lại. Trước đó David đã bị bọn cướp trấn sạch tiền bạc và điện thoại, tất cả những gì anh còn lại là bộ quần áo mặc trên người.

Lúc bị bắt, David thậm chí còn không có tấm chứng minh thư nào trong người. Ban đầu anh khai với biên phòng Mỹ rằng anh là người Mexico, tuy nhiên sau một lúc nhớ lại những ký ức xa xôi, anh khẳng định với họ rằng anh là công dân Mỹ sinh ra ở Chicago.

Cảnh sát biên phòng Mỹ đã kiểm tra lại hồ sơ và quả thật đã tìm thấy giấy khai sinh cũng như người mẹ thực sự của anh ở Wisconsin. Sau khi xác minh được anh đích thực là công dân Mỹ, lực lượng biên phòng đã trả tự do cho David.

Khi họ liên hệ với bà Kathy Amaya, bà gần như vỡ òa vì hạnh phúc. Bà cho biết chồng bà đã đưa con trai của hai vợ chồng sang Mexico khi chưa có sự đồng ý của bà và sau đó không mang đứa bé về cho bà. Bà đã nhiều lần viết thư sang Mexico đòi con song không bao giờ được hồi âm.

Gần đây, bà đã nhiều lần tìm kiếm cái tên “David Amaya” trên các mạng xã hội với hy vọng sẽ tìm thấy con, nhưng bà không ngờ rằng con trai mình đang dùng tên đệm “Barrick” giống như những người châu Mỹ Latinh khác.

Mỹ: Mẹ con trùng phùng sau hơn 30 năm ly biệt - 3

Ảnh hai mẹ con lúc David chưa tròn 2 tuổi

Đã có lúc bà mẹ tưởng chừng như mất hết hy vọng vào việc tìm lại đứa con thất lạc của mình. Khi vợ chồng bà ly hôn vào năm 1986, họ không dàn xếp chuyện ai sẽ nuôi con, thế nên cảnh sát cũng không thể giúp được bà.

Trong khi đó, ở Mexico, bố của David nói với anh rằng mẹ của anh đã bỏ rơi anh tại một trại trẻ mồ côi vì bà không yêu thương anh. Thế nhưng anh cho biết khi ông này bỏ anh lại cho ông bà ở Mexico chăm sóc, ông ta gần như không bao giờ dành thời gian cho anh.  

Sau khi hai mẹ con đoàn tụ, David dự định sẽ trải qua lễ Giáng sinh cùng mẹ ở Wiscosin, và anh hy vọng sẽ nói chuyện với bố mình ở Mexico để hiểu rõ hơn điều gì đã thực sự xảy ra với mình khi anh mới 2 hoặc 3 tuổi.

Sau đó David sẽ quay trở lại San Diego để xây dựng một cuộc đời mới. Anh là tay trống trong một ban nhạc ở Mexico và anh hy vọng sẽ hòa nhập tốt ở San Diego, bởi nơi này rất gần với Mexico và có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Ngoài ra, anh cũng muốn trả ơn một mục sư ở đây, người đã giúp đỡ anh rất nhiều sau khi được biên phòng Mỹ trả tự do hồi đầu tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN