"Một triệu USD nhuộm đen" bị bắt ở Tân Sơn Nhất là tiền giả

Sự kiện: Tin pháp luật

TP HCM - Tòa chấp nhận kết luận giám định của cơ quan công an, tuyên Nguyễn Khắc Việt và Trần Cẩm Tú vận chuyển 12 cọc "USD nhuộm đen" là "tiền giả" chứ không phải giấy.

Ngày 29/2, TAND TP HCM tuyên phạt Việt, 48 tuổi, mức án 16 năm tù; Tú, 52 tuổi, 17 năm tù về tội Vận chuyển tiền giả.

Theo HĐXX, lời khai ban đầu của Việt và Tú tại cơ quan điều tra thể hiện các bị cáo biết 12 cọc "USD nhuộm đen" là tiền giả nhưng vì lòng tham nên đem bán kiếm lời. Tòa không chấp nhận lời khai tại tòa của các bị cáo, cho rằng số USD trên "chỉ là giấy". Đồng thời, kết quả giám định của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an TP HCM xác định số giấy bạc này được hiểu là "tiền giả", nên tòa cho rằng việc truy tố các bị cáo là có căn cứ.

Bị cáo Nguyễn Khắc Việt (phải) và Trần Cẩm Tú tại tòa hôm nay. Ảnh: Hải Duyên

Bị cáo Nguyễn Khắc Việt (phải) và Trần Cẩm Tú tại tòa hôm nay. Ảnh: Hải Duyên

Bản án xác định, tháng 9/2021, Việt mua 12 cọc USD màu đen (mỗi cọc khoảng 100 tờ mệnh giá 100 USD, được cho là hơn một triệu USD) của người đàn ông tên Hùng (không rõ lai lịch) tại quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, với giá 30 triệu đồng. Hùng hứa sẽ đưa cho Việt hóa chất tẩy rửa chất nhuộm màu đen trên các "tờ tiền" thành tờ 100 USD hoàn chỉnh để tiêu thụ.

Việt sau đó liên lạc với Hùng để lấy hóa chất nhưng không được. Sau khi mang về nhà, Việt thử ngâm nước để tẩy trắng cũng không được nên cất đi. Khoảng một tháng sau, khi Tú đến nhà chơi, Việt cho bạn xem số đôla trên, và nhờ tìm chỗ bán. Những tờ USD này không có số seri, Tú biết là tiền giả, nói "không biết có ai cần mua".

Đầu tháng 9 năm 2022, Tú đến nhà nói với Việt "có người tên Kim Hen đang ở Thái Lan tìm mua tiền đôla Mỹ giả" với giá cao. Cả hai bàn cách mang 12 cọc USD nhuộm đen đang cất giữ đến Thái Lan để bán cho Kim Hen, lợi nhuận chia đôi.

Ngày 15/9/2022, khi Tú và Việt mang 12 cọc tiền có tổng cộng gần 10.500 tờ mệnh giá 100 USD giả qua Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, làm thủ tục xuất cảnh đi Thái Lan để bán, thì bị phát hiện, bắt giữ.

Các cọc USD bị nhuộm hóa chất. Ảnh: Hải quan TP HCM

Các cọc USD bị nhuộm hóa chất. Ảnh: Hải quan TP HCM

Hồi tháng 11/2023, tòa đã đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ kết luận của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP HCM, về số "giấy bạc" vật chứng thu giữ là tiền giả hay giấy; xác minh lai lịch của người phụ nữ Kim Hen để làm rõ mục đích của các bị cáo.

Quá trình điều tra bổ sung, Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP HCM kết luận gần 10.500 tờ giấy bạc mang giám định "là tiền giả". Đối với Kim Hen, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM xác định người này ở Singapore (thay vì Thái Lan như lời khai của các bị cáo) và đã gửi văn bản tương trợ tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước này, song chưa có kết quả.

Tại tòa hôm nay, các bị cáo đều thừa nhận có động cơ mang số cọc giấy có in mệnh giá 100 USD nhuộm đen này ra nước ngoài bán thu lợi. Tuy nhiên, thực chất số vật chứng này là giấy bạc, không phải là tiền vì không có số seri, khi ngâm nước không còn nhìn rõ. Do đó, hai bị cáo đề nghị tòa xem xét lại một cách toàn diện.

Đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm như phiên tòa trước, cho rằng các bị cáo biết "một triệu USD" là tiền giả nhưng vẫn mang đi bán nhằm mục đích thu lợi. Các bị cáo cũng thừa nhận động cơ mang số tiền đi bán kiếm lời nên đủ căn cứ xác định tội danh truy tố là "đúng người đúng tội", đề nghị tòa tuyên phạt các bị cáo 18-20 năm tù.

Luật sư bào chữa cho Việt cho rằng thân chủ phạm tội chưa đạt, chưa gây hậu quả. Việc các cơ quan tố tụng áp dụng tỷ giá USD đối với số tiền giả này để định khung hình phạt đối với thân chủ là quá nặng.

Còn luật sư của Tú cho rằng, căn cứ buộc tội thân chủ chưa vững chắc. Việc xác định số "USD nhuộm đen" này có phải là tiền giả hay giấy cần được cơ quan chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước giám định và kết luận mới đảm bảo khách quan. Do đó, luật sư tiếp tục đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng không được chấp nhận.

Nguồn: [Link nguồn]

Khi ra nước ngoài để du lịch, chữa bệnh, học tập, công tác…nhiều người thường mang theo nhiều tiền mặt để tiện giải quyết công việc và sinh hoạt. Điều khiến họ băn khoăn là được mang tối đa bao nhiêu tiền khi ra nước ngoài?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Duyên ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN