Mía tím “đắt khách” chiều cuối năm

Nhiều người dân ở Hà Nội lựa chọn mua 2 cây mía còn nguyên lá, gốc, rễ… về dựng hai bên bàn thờ tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Theo quan niệm của người xưa, cây mía giống như một biểu tượng của sự giao hòa trời - đất, kết nối hai thế giới âm - dương. Việc thờ cúng cây mía trong ngày tết của người Việt là "sự nối kết" ấy.

Vì vậy, mỗi khi tết đến xuân về, bên cạnh mâm ngũ quả tượng trưng cho âm dương - ngũ hành, các gia đình người Việt thường tìm và chọn mua hai cây mía về dựng hai bên bàn thờ tổ tiên.

Mía tím “đắt khách” chiều cuối năm - 1

Trên vỉa hè đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm) bày bán rất nhiều mía.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội, trên một số tuyến đường như Lê Đức Thọ, Trần Vĩ… bày bán rất nhiều mía tím phục vụ người dân dịp Tết.

Tại vỉa hè đường Lê Đức Thọ đoạn giao với đường Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm), rất nhiều bó mía được bày bán. Anh Tạ Thanh Chung (35 tuổi, quê Hòa Bình) cho biết, anh chở hơn 1.000 cây mía tím từ Hòa Bình lên Hà Nội để bán trong dịp Tết Nguyên đán.

“Mấy hôm trước, lượng hàng bán ra chậm nhưng đến chiều nay (29 Tết), người dân đến mua đông hơn hẳn”, anh Chung nói.

Chị Nguyễn Thị Tình – bán mía ở vỉa hè đường Trần Vĩ (quận Cầu Giấy) cho biết, mía được chọn bán cho người dân chưng Tết thường là những cây còn nguyên ngọn, lá, gốc, rễ… và quan trọng nhất là phải không bị sâu.

Vừa mua xong 2 cây mía, bà Dương Thanh Nga (50 tuổi, Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết, năm nào bà cũng mua 2 cây mía về để dựng bên bàn thờ tổ tiên.

Bà chia sẻ: “Tôi thường chọn mua những cây mía to, thẳng và đủ lá, rễ về để chưng trong nhà. Bởi, theo tôi được biết, tán lá mía tượng trưng cho mây, trời. Gốc rễ tượng trưng cho đất, cho nguồn cội gia đình. Những gióng mía như những nấc thang nối liền đất - trời, âm - dương dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trên trời trở về hạ giới sum vầy cùng cháu con trong những ngày đầu tiên của năm mới”.

Giá bán của mía tím chiều cuối năm là 30.000 đồng/2 cây. Nhiều người bán còn buộc thắt cả nơ đỏ cho cây mía để người dân mua về chưng trong nhà được đẹp hơn.

Mía tím “đắt khách” chiều cuối năm - 2

Những bó mía vừa được vận chuyển từ Hòa Bình lên Hà Nội bán để phục vụ người dân chưng Tết.

Mía tím “đắt khách” chiều cuối năm - 3

 Mía ở đây hầu hết là loại mía tím, thân to, thẳng, còn đủ lá và rễ…

Mía tím “đắt khách” chiều cuối năm - 4

 Anh Chung cho biết, anh mang hơn 1.000 cây mía lên Hà Nội bán trong 2 ngày. Tuy nhiên, chiều cuối năm, lượng hàng bán ra nhiều hơn hẳn so với hôm trước.

Mía tím “đắt khách” chiều cuối năm - 5

Mía cũng được bán rất nhiều tại vỉa hè đường Trần Vĩ (Cầu Giấy).

Mía tím “đắt khách” chiều cuối năm - 6

Người dân có thể thoải mái lựa chọn cho mình những cây mía to, thẳng và đẹp nhất. Đặc biệt, các cây mía phải không bị sâu đục.

Mía tím “đắt khách” chiều cuối năm - 7

Người bán còn chủ động bó thành từng cặp và thắt nơ đỏ cho những cây mía để người mua lựa chọn.

Mía tím “đắt khách” chiều cuối năm - 8

Với những cây mía nhiều lá, người mua phải dùng dao tỉa bớt trước khi mang về nhà.

Mía tím “đắt khách” chiều cuối năm - 9

Bà Nga cho biết, năm nào bà cũng mua 2 cây mía về dựng hai bên bàn thờ của gia đình.

Mía tím “đắt khách” chiều cuối năm - 10

Những cây mía theo chân người dân về đón Tết trong chiều cuối năm ở Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN