“Mây mưa” nơi công cộng: Nhận thức nửa vời về thời đại mở
Trong cuộc phỏng vấn về vấn đề giáo dục văn hóa ứng xử cho giới trẻ nhìn từ việc quan hệ tình dục của đôi bạn trẻ trong rạp phim, quán trà sữa đang gây xôn xao dư luận, nữ tiến sĩ đã kể lại 2 buổi xem phim “ám ảnh” bởi những cảnh tượng phản cảm chị tận mắt trông thấy.
Hình ảnh đôi bạn trẻ “mây mưa” ở quán trà sữa, rạp phim gây xôn xao dư luận
“Lạc lõng giữa rạp phim”
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia) là người có thói quen đi xem phim rạp vào cuối tuần. Tuy nhiên, chị đã phải ngừng thói quen này suốt hơn chục năm qua khi bị “sốc” trong 2 lần đến rạp xem phim ở TP Hồ Chí Minh vào năm 2004.
“Tôi nhớ vào rạp phim ở gần công viên Hoàng Văn Thụ. Người xem phim thực sự thì rất ít mà người tình tứ thì nhiều. Họ ngồi trong rạp ôm hôn, sờ soạng nhau, không cần quan tâm xung quanh có ai nhìn hay không. Trong rạp không chỉ có các bạn trẻ mà còn có cả người lớn tuổi nghi là bồ bịch. Họ ngang nhiên thể hiện hành động không phù hợp để người khác nhìn thấy mà không biết ngượng”, chị Thúy kể lại và cho biết, 2 vợ chồng chị ngồi như lạc lõng giữa rạp phim. Không ngờ văn hóa xem phim tệ đến như vậy
Theo nữ tiến sĩ, nhiều người chọn rạp phim là nơi làm một công đôi ba việc, vừa hẹn hò, tình tứ nhau mà không phải mất thêm chi phí nào ngoài vé xem phim. Nếu nói là suy đồi về mặt đạo đức thì hơi quá nhưng đó là vấn đề đáng báo động về đạo đức con người khi thể hiện tình cảm riêng tư giữa chốn công cộng mà không quan tâm đến cảm nhận của người khác.
“Giờ chiếu phim là để thưởng thức nghệ thuật chứ không phải để làm chuyện tình tứ ấy. Vì vậy, không thể chấp nhận được những cảnh “nóng” trong rạp. Các rạp phim cần tăng cường người kiểm soát, nếu phát hiện thấy tình trạng này thì nên lịch sự nhắc nhở và mời ra ngoài”, chị Thúy bày tỏ.
Quyền riêng tư phải được thể hiện ở chốn riêng tư
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Trung tâm Chăm sóc và đào tạo tinh thần Ý tưởng Việt, TP.HCM) cho biết một vài lần đi đường đã từng chứng kiến cảnh những đôi bạn trẻ ngồi trên xe có hành động cần riêng tư thì lại thể hiện vô tư và hồn nhiên, trông rất phản cảm, không phù hợp với văn hóa Á Đông.
“Mổ xẻ” vấn đề này, anh Quân cho rằng quyền riêng tư của mỗi cá nhân cần được tôn trọng nhưng nó phải được thể hiện ở chốn riêng tư mới phù hợp. Hiện các bạn trẻ nghĩ thời đại mở cửa, giao lưu văn hóa phương Tây nên đề cao cái tôi cá nhân, tự do thể hiện bản thân, thích thì làm mà không cần quan tâm đến người khác, bối cảnh đang ở đâu và mình có nên làm hay không.
“Tuy nhiên, văn hóa phương Tây không phải như vậy. Ở những nước chấu Âu văn minh, người ta không có những hành động riêng tư ở chốn công cộng. Nhiều bạn trẻ đang tiếp nhận cái mới đó chưa tới, hiểu nửa vời nên thể hiện không phù hợp. Thành ra nhận thức không đúng, lệch lạc", anh Quân bày tỏ.
Cùng quan điểm với anh Quân, Tiến sĩ Thúy cho rằng người nước ngoài gặp nhau vẫn ôm, hôn bình thường, nhìn rất lịch sự. Những hành vi liên quan đến tình dục, đụng chạm vùng riêng tư của nhau thì tuyệt đối không làm nơi công cộng. “Giải pháp căn cơ cho vấn đề này đó là cần phải tăng cường giáo dục văn hóa ứng xử, giao tiếp trong nhà trường và gia đình. Người lớn phải làm gương trước”, chị Thúy cho hay.
Tiến sĩ Quân cũng cho rằng, việc giáo dục hành vi, ứng xử của giới trẻ hiện nay gần như không được quan tâm nhiều trong gia đình, còn nhà trường chủ yếu dạy kiến thức học thuật nên không các em được giáo dục đầy đủ. Thêm vào đó là ảnh hưởng của yếu tố truyền thông, phim ảnh và công nghệ internet.
Theo tiến sĩ Quân, bên cạnh việc các bạn trẻ cần phải trau dồi kiến thức về chuẩn mực văn hóa ứng xử thì phải đề cập tới vai trò của bậc cha mẹ trong việc giáo dục con. Phụ huynh cần có cách nhìn mở hơn, trao đổi thẳng thắn nhưng cho con hiểu rằng tự do, thoải mái đều có chuẩn mực và chừng mực chứ không thể tự do là làm bất cứ điều gì ở bất cứ nơi đâu trong bất cứ lúc nào mình thích.
Nam thanh niên đăng trên Facebook cá nhân lời xin lỗi người bị đính tên kèm theo clip cặp đôi “mây mưa“ ở quán trà sữa.