Máy bay CASA-212 gặp nạn: “Chúng tôi đang chờ đón cháu về”
“Tới khi rõ mọi thông tin, tôi và gia đình vẫn nuôi niềm hy vọng, cháu Lam cùng đồng đội sẽ về".
Trung uý Lê Đức Lam. Ảnh: TL
Gần 1 tuần nay, thông tin về máy bay CASA -212 cùng 9 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn khi trên đường tìm kiếm phi công máy bay Su 30, khiến cho dư luận trên cả nước đặc biệt quan tâm và thương xót.
Trong số 9 thành viên mất tích đó, mọi người đặc biệt chú ý tới trường hợp gia cảnh trung úy Lê Đức Lam - Cơ trưởng trên không Lữ đoàn 918.
Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, quê ở thôn Đào Lạng (xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), trung úy Lê Đức Lam (SN 1984) là con cả trong gia đình có 4 anh chị em.
Với ước mơ được làm phi công khi còn ngồi trên ghế nhà trường và theo con đường binh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh Lam thi và học tại Học viện Phòng không không quân. Tốt nghiệp ra trường, anh được chuyển về Lữ đoàn 198 Phòng không Không quân (Gia Lâm – Hà Nội) công tác.
Tháng 12/2014, trung úy Lam kết hôn với chị Nga (24 tuổi, cùng quê Hải Dương). Để có điều kiện giúp vợ hoàn thành việc học và vợ chồng có dịp chăm sóc nhau, lấy nhau xong, hai vợ chồng kéo nhau lên Hà Nội thuê nhà trọ sinh sống. Do cuộc sống khó khăn và chưa có việc làm ổn định, vợ chồng chị Nga chưa dám sinh con. Trước khi trung úy Lam mất tích trên chuyến bay CASA-212, chị Nga vừa tốt nghiệp hai trường đại học, chuẩn bị xin đi làm và đang mang thai tháng thứ 7 sắp sinh.
Cô Quyên xót thương khi biết tin cháu Lam gặp nạn. Ảnh: Đ.Tuỳ
Bà Đoàn Thị Quyên (bác họ Trung uý Lam) nói: “Tới khi rõ mọi thông tin từ phía đơn vị báo về, tôi và gia đình vẫn nuôi niềm hy vọng, cháu Lam cùng đồng đội sẽ về".
Ông Lê Văn Miền (40 tuổi, bác họ) kể: Từ hôm biết tin cháu bị nạn trên máy bay đến nay, họ hàng gần xa, hàng xóm đều đến hỏi thăm, động viên gia đình họ mạc chúng tôi. Khổ nhất bây giờ, cả gia đình bố mẹ cháu đều chuyển vào huyện Chư Sê (Gia Lai) lập nghiệp. Kinh tế gia đình còn khó khăn. Vợ lại sắp sinh, công việc thì chưa ổn định. Mọi thông tin về cháu hiện nay đều được gia đình thông tin cho nhau qua điện thoại.
"Cả dòng tộc ai cũng yêu quý cháu Lam, bởi đức tính hiền lành, đức độ. Dù công việc ít có điều kiện về thăm nhà nhưng mỗi khi được nghỉ, cháu lại dành toàn bộ thời gian về quê thăm hỏi họ hàng, chăm vợ sắp sinh. Nếu tin xấu Lam không trở về nữa, gia đình sẽ đón cháu về quê nhà ở Hải Dương an nghỉ", ông Miền cho hay.
Họ tộc trung uý Lê Đức Lam và quê hương đang chờ đón anh về. Ảnh: Đ.Tuỳ
Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Gia đình & Xã hội vào chiều nay (21/6), ông Lê Văn Tiến (chú ruột Trung uý Lam) cho biết, sau khi anh Lam gặp nạn, vợ chồng ông đã lên đơn vị của anh để nắm thông tin. Cùng lúc đó, bố mẹ và các em trung uý Lam ở trong Gia Lai cũng có mặt tại Hà Nội.
"Khổ thân cháu Nga, từ lúc biết tin về chồng gặp nạn đến nay, cháu nó khóc ngất, không ăn uống được gì. Mấy hôm nay phải tiếp nước và có người chăm sóc sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Hiện nay, trong gia đình, dòng tộc ai cũng mong ngóng tin tức về cháu", ông Tiến cho PV biết thêm.