Mất tiền môi giới tìm thầy học... tu

Mất tiền môi giới tìm thầy học tu hành, 24 năm đi theo con đường tu hành, 16 năm sống trên núi giếng Chén là một phần đời của "dị sư" Nguyễn Duy Cương.

Tình cờ tôi gặp ông tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, tôi coi đó là nhân duyên: Cả hai cùng bị bệnh. Trên giường bệnh, tôi đã được nghe ông kể về hành trình giũ bỏ cuộc sống trần tục để đến với đức Phật.

Chê 30 cô gái xinh xắn

Nguyễn Duy Cương (sinh năm 1963, Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) là con út trong một gia đình gốc 3 đời Hà Nội. Đến tuổi lấy vợ: "Mẹ tôi đi hỏi 30 đám, toàn những cô gái xinh đẹp gia đình gia giáo để cho tôi lấy làm vợ. Có đám mẹ đã dắt tay tôi sang gia đình cô gái đó để dạm ngõ, định ngày cưới xin rồi, nhưng sau đó tôi đều khước từ".

Ngọn núi nơi sư Cương sinh sống có một cái giếng nhỏ rất sâu, nước trong xanh quanh năm, lại giống cái miệng chén uống nước. Vì vậy, người dân địa phương nơi đây gọi là núi giếng Chén.

"Đến bây giờ đi theo con đường tu hành tôi mới nghiệm thấy kiếp trước mình đã là người tu hành, không dính líu vợ con gia đình. Kiếp trước tu vẫn còn dở dang, kiếp này tôi phải tu tiếp", "dị sư" tâm sự.

Sau khi khước từ gái đẹp, nhà yên cửa ấm theo lẽ thường tình, năm 1989, khi đó Cương 26 tuổi đã bán sạch gia sản được 25 cây vàng và 1,5 triệu đồng (tiền cũ trước đây) để tìm đường đến với Phật. Nguyễn Duy Cương xuống tóc đi tu với pháp danh là Chính Trực.

Mất tiền môi giới đi tu

Những năm 90 của thập kỷ trước, “dị sư” đã tới hàng trăm ngôi chùa ở miền Nam, với mong muốn tìm được một thầy giỏi, dạy cho mình kiến thức chính pháp của đức Phật. Thế nhưng, ở mỗi chùa ông cũng chỉ lưu lại nhiều lắm là 3 tháng. Thầy nào ông cũng học, chùa nào ông cũng đến nhưng ông thấy đều không phù hợp với mình.

Mất tiền môi giới tìm thầy học... tu - 1

Ngôi nhà sàn trên núi của “dị sư” Nguyễn Duy Cương

Năm 1996 "dị sư" quyết định về núi Giếng Chén (Hội Xá, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) để ở và tu luyện. "Cả thế giới này có mình tôi mất tiền môi giới đi tu. Tôi phải bỏ ra 5,4 triệu đồng cho người môi giới tìm thầy học tu hành. Nhưng cuối cùng cũng không học theo bất cứ thầy nào. Vì những thầy tôi gặp đều còn ham hố cái lợi cho riêng mình. Tôi đành lên núi tự mình tu luyện", "dị sư" tâm sự.

"Dị sư" Cương cho biết: "Tôi quyết định lên núi giếng Chén để sinh sống, tu hành. Tôi muốn tu luyện như đức Phật Thích Ca và vua Trần Nhân Tông. Như thế mới có thể tránh xa cuộc sống nhiều cám dỗ về vật chất. Tôi muốn cho mọi người biết rằng thời nay mọi người cũng có thể tu luyện như các vị thiền sư trước đây".

24 năm đi theo con đường tu hành, 16 năm sống trên núi giếng Chén, tuy không sống cố định ở một chùa nào, nhưng những điều "dị sư" làm luôn thấm nhuần những điều đức Phật căn dặn.

Ôm kinh sách lên núi tu luyện

Những ngày đầu tiên bước chân lên núi là những tháng ngày cùng cực, khó khăn nhất đối với ông. Để có thể lên đỉnh núi, ông phải đi mất gần nửa ngày, vượt qua 8km đường rừng. Nhìn những rừng cây rậm rạp nhiều người không dám đi, chưa nói đến việc sinh sống nơi đây.

Mất tiền môi giới tìm thầy học... tu - 2

Suốt 24 năm qua “dị sư” Cương chỉ ăn rau

Trước khi lên đó sinh sống "dị sư" xin phép ban quản lý rừng nơi đây và cam kết nghiêm túc thực hiện những quy định về bảo vệ rừng. "Khi lên núi, tôi chỉ mang theo một ít lương thực, còn chủ yếu là kinh sách để tu luyện. Quyết tâm là vậy nhưng cuộc sống khắc nghiệt khiến tôi không ít lần muốn xuống núi", "dị sư" nhớ lại.

Để thuận lợi cho việc tu hành, "dị sư" Cương cuốc đất rừng để làm bãi trồng rau và trồng cây lá gai. "Tôi không nhớ mình đã bốc bao nhiêu tảng đá, cắt bao nhiêu cây dại, làm mặt bằng để trồng rau ăn. Tôi làm suốt ngày đêm, khi nào cây xà beng và cuốc cũng cầm trên tay. Cứ làm đến khi nào mệt thì nghỉ".

Rồi đất cũng không phụ công sức của ông, vài tháng sau khi ông lên núi, nhiều loại rau đã mọc lên mơn mởn. Đến nỗi ăn không hết ông phải mang xuống núi bán bớt cho dân lấy tiền mua gạo.

Trong suốt 24 năm đi tu dù ông không ở chùa nào nhất định nhưng ông chưa bao giờ phá giới ăn thịt hay bất kỳ đồ tanh nào. Đi đâu ông cũng phải mang theo nồi niêu xoong chảo đi để nấu ăn. Bữa cơm của ông chỉ cần mớ rau luộc lên chấm với xì dầu là xong. Ông ăn rau một cách ngon lành, đến nỗi người ngồi đối diện cũng phải thèm. Chính vì thế đi đến đâu ông cũng trồng rau để ăn.

"Nếu như tôi không vì nghiệp tu hành, không bán hết gia sản đi thì giờ tôi đã có tiền tỷ trong tay. Nhưng tôi vui vì mình là người tu hành, đang đi theo đúng con đường chính đạo, dù biết là khổ hạnh", sư Cương tâm sự.

"Năm 1989 chú Cương sinh sống với anh em trong gia đình rất hòa thuận, tự dưng thấy chú ấy về thông báo với mọi người là sẽ bán nhà đi tu. Mọi người trong gia đình khuyên can cũng không được", cô Nguyễn Bích Liên, chị dâu của ông Cương cho biết.

Thầy Cương bảo: "Đã đi tu thì phải khổ hạnh, phải có lòng từ bi, không màng gì đến danh lợi. Trong quá trình tìm thầy học đạo tu hành, tôi thấy nhiều thầy trụ trì thờ ơ với người ngoài chỉ vun vén cho anh em trong gia đình. Họ chỉ vụ lợi cho mình và người thân, vì thế tôi không thể học. Nếu học theo cách sống như vậy còn gì là người xuất gia nữa. Tôi đã xuống tóc đi tu thì xem ai cũng là anh em ruột thịt, ai cũng là bố mẹ của mình và coi vật chất là tầm thường".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Lợi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN