Loay hoay kiểm soát hộp đen ô tô

Việc cấm các xe khách thiếu hộp đen lưu hành trên các tuyến đường đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Lúng túng trong quản lý

Hiện, các văn bản luật, thông tư hướng dẫn vẫn chưa có chế tài nào xử phạt doanh nghiệp sản xuất, lắp đặt thiết bị hộp đen nếu không đạt chuẩn. Trên cả nước, vẫn còn không ít Sở GTVT chưa có hệ thống máy chủ để kiểm tra, theo dõi hoạt động của các loại xe thông qua hộp đen. Do đó, thủ tục kiểm tra, giám sát chất lượng hộp đen chủ yếu căn cứ vào... báo cáo của doanh nghiệp vận tải.

Bên cạnh đó, trên các quốc lộ, tuyến đường trọng yếu chưa có một trạm hoặc trung tâm kiểm soát hoạt động của ôtô thông qua hộp đen. Lực lượng công an, thanh tra vẫn chưa được trang bị đầy đủ máy móc để kiểm tra, xử lý các loại xe lắp đặt hộp đen.

Trước tình hình trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị bộ GTVT chỉ đạo cục Đăng kiểm Việt Nam khi xét xe theo chu kỳ cần kiểm định các tính năng kỹ thuật của hộp đen theo tiêu chuẩn quy định. Và mới đây, cục Đăng kiểm đã chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm không kiểm định cho ôtô đã tới thời hạn kiểm định nhưng chưa lắp đặt hộp đen. Điều đó đồng nghĩa với việc, xe lưu thông trên đường không bị phạt vì chưa lắp hộp đen thì cũng sẽ bị phạt vì không đủ tiêu chuẩn lưu hành.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN, trên cả nước chỉ có khoảng 15% tổng số phương tiện, thuộc các đơn vị vận tải quản lý tập trung, quan tâm đến khai thác thiết bị phục vụ cho quản lý và đảm bảo an toàn giao thông. Số còn lại phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã quản lý theo mô hình dịch vụ - hỗ trợ mặc dù có lắp đặt nhưng chủ yếu chỉ để được kiểm định và cấp phù hiệu kinh doanh vận tải chứ không phải vì mục đích quản lý.

Loay hoay kiểm soát hộp đen ô tô - 1

Nhiều nhà xe lắp hộp đen để đối phó (Ảnh minh họa)

Lý giải cho việc các doanh nghiệp vận tải chậm trễ lắp thiết bị này, ông Đỗ Xuân Hoa, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Pháp chế cho rằng, xuất phát từ việc bộ GTVT ban hành các Thông tư, Nghị định cho lùi thời hạn lắp đặt; hoãn xử phạt (đến 1/7/2013); doanh nghiệp phân vân lựa chọn thiết bị, lúng túng trong khai thác, quản lý hộp đen.

Nhưng ông Hoa khẳng định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và bộ GTVT sẽ kiên quyết gắn hộp đen đúng theo lộ trình. Những đơn vị vận tải, xe ô tô không thực hiện sẽ bị xử lí theo biện pháp của bên đăng kiểm và cảnh sát giao thông.

Ông Trịnh Ngọc Giao, cục trưởng cục Đăng kiểm cũng cho biết: Dù thời hạn xử phạt được lùi tới 1/7/2013, nhưng các loại ôtô thuộc diện phải lắp hộp đen đều phải lắp đặt theo lộ trình mới đủ tiêu chuẩn kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng tỏ ra quyết tâm và nghiêm khắc thì phía các nhà xe lại tỏ ra thờ ơ, thậm chí đối phó trong việc thực thi quy định. “Hầu hết các hợp tác xã, đơn vị vận tải tiến hành lắp đặt thiết bị hộp đen chỉ để đối phó. Ngoài ra, động tác này chủ yếu để qua mắt và hoàn thành các thủ tục đăng kiểm, đăng kí một cách nhanh nhất. Rất ít trong số họ quan tâm đến chất lượng và tận dụng tối đa khả năng khai thác”, ông Đỗ Xuân Hoa cho biết.

Tràn lan hộp đen kém chất lượng

Một vấn đề khác đang gây nhiều tranh cãi, đó là việc có quá nhiều loại hộp đen kém chất lượng đang được bày bán trên thị trường. Nhưng các cơ quan chức năng lại chưa có biện pháp để kiểm soát và xử lí trong tình huống gặp phải hộp đen giả.

Nguyên nhân của hiện tượng này được nhiều người lí giải: Việc lắp đặt hộp đen không đảm bảo chất lượng mang đến lợi nhuận cao cho cả đơn vị vận tải và đơn vị cung cấp thiết bị. Theo đó, các công ty kinh doanh hộp đen sẽ bán được nhiều hàng hơn, các đơn vị vận tải thì có giấy thông hành để tiếp tục được cấp phép vận tải mà không phải mất nhiều chi phí.

Việc “xài” các loại hàng rởm trôi nổi, hoặc đã bị cắt xén một số tính năng đã khiến không ít lái xe gặp phải những tình huống dở khóc, dở mếu. Trên thực tế, có một số đơn vị vận tải, khi lắp hộp đen đã cắt xén các chi tiết về quản lý như: cảnh báo vượt tốc độ, thiếu cổng cắm USB để quản lý thông tin về lái xe...

Chính vì thế, lái xe không biết được tính năng cảnh báo khi vượt quá tốc độ. Hộp đen phát cảnh báo thì lái xe lại yêu cầu đơn vị lắp đặt cắt tiếng kêu vì gây điếc tai, khó chịu.

Theo ông Nguyễn Văn Ích, Vụ phó vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) thì các hộp đen tối thiểu phải đạt được quy chuẩn quy định trong bộ Quy chuẩn quốc gia. Để thử nghiệm, các đơn vị sản xuất phải tới các cơ quan đăng kiểm được Bộ Khoa học và Công nghệ để kiểm tra và cấp phép.

Hiện nay, tính trên cả nước, chỉ có 34 đơn vị sản xuất kinh doanh thiết bị hộp đen được Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận hợp theo quy chuẩn. Tuy vậy, vẫn còn có quá nhiều loại thiết bị được sản xuất với giá rẻ, chất lượng kém hoặc bị thay đổi theo yêu cầu của đơn vị khai thác.

Thậm chí, một số đơn vị được cấp phép lại không làm mà tự ý ủy quyền cho doanh nghiệp khác sản xuất, lắp ráp. Vụ việc này đã được phát hiện tại các địa phương như Lâm Đồng, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong các văn bản, thông tư, luật lại đang thiếu chế tài xử phạt.

Ngoài ra, cũng theo ông Ích giữa đơn vị sản xuất và nhà mạng theo dõi giữa có sự kết nối chặt chẽ. Hầu hết, các doanh nghiệp đều tính đến việc thuê đơn vị sản xuất hộp đen hệ thống theo dõi, giám sát phương tiện do không có đủ vốn để đầu tư máy chủ và bản đồ số. Đểí hạn chế mức rủi ro về thông tin sai lệch, khả năng lưu giữ, cần có sự bắt tay của doanh nghiệp và nhà mạng để hình thành một trung tâm dữ liệu chung.

Chính vì vậy, trong văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến việc lắp đặt thiết bị GPS, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp vận tải cả nước đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để lắp đặt hộp đen cho 35.000 xe và ký hợp đồng với các doanh nghiệp lắp đặt GPS được Bộ cấp Giấy chứng nhận thiết bị hợp chuẩn. Tuy nhiên, đại đa số doanh nghiệp vận tải không biết Quy định kỹ thuật được quy định tại Thông tư 08 của Bộ GTVT nên khi nghiệm thu không giám sát được chất lượng của hộp đen. “Nếu kiểm tra phát hiện hộp đen có sự cắt xén, phải bổ sung, nếu không sẽ rút giấy chứng nhận đơn vị lắp đặt”- ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT

Trong khi Bộ GTVT còn loay hoay với các chế tài xử phạt, các đơn vị vận tải chưa biết sử dụng và khai thác đúng các thiết bị mới trên thì xem ra câu chuyện kiểm soát hộp đen vẫn đang là bài toán hết sức nan giải hiện nay.

Hộp đen là điều kiện để kinh doanh

Theo quy định, từ ngày 1/7/2011, nhóm đối tượng 1: Gồm xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container phải gắn thiết bị hộp đen để giám sát hành trình.

Với nhóm đối tượng 2 gồm: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng thì thời hạn gắn thiết bị giám sát hành trình phải được thực hiện trước đó (kết thúc ngày 1/1/2012).

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định hộp đen là điều kiện để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, mặc dù thời điểm xử phạt bắt đầu từ ngày 1/7/2013, nhưng đến trước ngày 1/7/2012, các xe trong diện phải lắp đặt đều phải tuân thủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Đào – Lạc Thành (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN