“Liều lĩnh” sống trong căn nhà dựng từ… vỏ chai thuốc sâu

Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà sàn của ông Sáu vốn nhỏ lại cái ọp ẹp. Kiến trúc và kết cấu trên không xa lạ gì với cuộc sống của những người dân vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng ngôi nhà này đặc biệt, bởi vật liệu xây dựng ngoài gỗ chủ yếu là các chai thuốc bảo vệ thực vật.

“Liều lĩnh” sống trong căn nhà dựng từ… vỏ chai thuốc sâu - 1

Bức vách “di động” được làm bằng vỏ chai

Hơn 4 năm nay, người dân ấp Bắc Trang 1, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) quen gọi cụ ông Sáu Ẩn bằng cái tên trìu mến là “ông Sáu ve chai”. Người đàn ông này đã đi nhặt nhạnh những vỏ chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật để xây nhà và sáng tạo nó thành những vật dụng sinh hoạt hàng ngày.

Ngôi nhà… vỏ chai

Những câu chuyện về ông cụ nhặt vỏ chai nhựa bảo vệ thực vật để làm nhà đã khiến cho chúng tôi không tránh khỏi sự tò mò. Đó chính là lý do, chúng tôi vượt hàng trăm km về huyện biên giới Tân Hồng, nơi người ta thường bảo nhau “thừa nắng oi ả, tất tả chớp nguồn”, để gặp ông cụ có ý tưởng khác thường này.

Đặt chân tới mảnh đất nơi đây, hỏi tên ông Sáu Ẩn thì ai nấy đều lắc đầu chào thua, song vừa nói đến “ông Sáu ve chai” thì ai ai cũng biết. Men theo con đường ấp Bắc Trang 1, chúng tôi không khó tìm đến nơi gia đình cụ ông này sinh sống, cũng nhờ cách nhận dạng từ ngôi nhà bằng… “chai”.

Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà sàn của ông Sáu vốn nhỏ lại cái ọp ẹp. Kiến trúc và kết cấu trên không xa lạ gì với cuộc sống của những người dân vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng ngôi nhà này đặc biệt, bởi vật liệu xây dựng ngoài gỗ chủ yếu là các chai thuốc bảo vệ thực vật. Trước cửa lại có thêm hai cây bông nhân tạo sặc sỡ sắc màu từ các nắp chai.

Thông thường, tường một ngôi nhà sẽ được xây dựng bằng gạch, miếng ván gỗ, tôn, đất hay như lá dừa nước thường thấy ở miền sông nước. Tuy nhiên, vật liệu xây dựng tường nhà của ông Sáu lại chính là những vỏ chai nhựa. Từng hàng dài chai nhựa được dựng thẳng tắp tạo thành các bức tường. Chân khung, cột, kèo thì được dùng bằng gỗ. Ông Sáu cũng dùng những chai nhựa, trang trí nhiều hình thù kỳ lạ xung quanh cột, kèo nhà.

Tiếp chuyện với chúng tôi một lúc, trời bỗng mưa lâm thâm, cô năm Hiền, con gái ông Sáu lui cui đi ra phía ngoài “đóng lại cái vách cho nó đừng tạt mưa”. “Vách” ở đây chính là những bức tường nhà bằng dãy chai nhựa được ông Sáu thiết kế “kéo ra, đóng vô”. Nhờ thời tiết đỏng đảnh, chúng tôi mới biết và hiểu hết ý nghĩa câu nói: “nó lợi đơn lợi kép đó cháu” của ông Sáu về công dụng của những chai nhựa.

Nghe thì ngưỡng mộ cho cái tài sáng chế của ông, nhưng thật ra thì nghe ông chia sẻ mới hiểu hết căn nguyên sự thể công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. “Lúc mới làm xong, nó cũng chắc chắn lắm, chẳng khác gì nhà lá, nhà tôn đâu. Thời gian lâu ngày, giờ tường hỏng hết rồi, các mấu nối giữa các chai nhựa bị rời ra”, ông cho biết.

Cũng theo ông Sáu, ông đã có kế hoạch sửa lại nhà. Đó đầu mùa lúa tới, khi ấy người dân phun thuốc phòng bệnh, trừ sâu cho lúa thì cụ ông này mới có vật liệu xây dựng. Nhớ lại quá trình xây dựng căn “nhà chai” đặc biệt trên, ông Sáu cho biết, ban đầu ông lội theo đường nước người ta sạ lúa, vớt ba cái chai đem về làm hàng rào bao quanh vườn nhà.

“Nhà nghèo quá không có tiền xây nhà tường, nhìn thấy bức tường rào được làm từ vỏ chai, mình nảy ra cái ý xây nhà cũng bằng những vật liệu này luôn”, ông Sáu cho biết. Khi ấy, cụ ông này phải đi lượm chai người ta bỏ. Có khi nửa bao, khi thì được hơn, thông thường nửa bao trở lại. “Đem về mình mới cái đầu cắt đít rồi ráp nó lại với nhau. Xong xuôi lấy mũi dùi hơ lửa đem vô trong lửa để dính lại, sau đó lấy dây dù luồn lại để thành hàng. Cái này nhìn cũng không có gì khó nhưng đòi hỏi phải công phu dữ lắm, không biết ráp nó rớt tới rớt lui”, ông Sáu nói.

Vỏ chai thuốc trừ sâu độc hại khôn lường, ai cũng khiếp đảm ngại tiếp xúc, còn ông thì hàng ngày phải súc, rửa, cắt, cưa. Thấy vậy, chúng tôi đặt vấn đề về việc làm nhà bằng các loại chai nhựa khác, ông tỉnh bơ bảo rằng: “Ai bỏ mà lượm, chỉ có thứ này người ta bán không được mới bỏ thôi. Còn mua mấy thứ khác thì sao đủ tiền. Tiền lương trợ cấp thương binh mỗi tháng có gần tám trăm ngàn thì tiền đâu mà mua. Mà không làm vầy, mấy đứa sao tới nhà ông”, ông cười móm mém.

Đến công cụ mưu sinh cũng bằng vỏ chai

“Liều lĩnh” sống trong căn nhà dựng từ… vỏ chai thuốc sâu - 2

“Liều lĩnh” sống trong căn nhà dựng từ… vỏ chai thuốc sâu - 3

Vật dụng sinh hoạt được cụ ông tự làm từ vỏ chai

Đối với ông, nhặt nhạnh những chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật, thứ người ta vứt bỏ ngay sau khi dùng không chỉ là niềm vui, không chỉ là thứ để che mưa che nắng, mà ngoài ra đây còn là thứ để hai nhân khẩu một già, một bệnh như ông và cô Năm mưu sinh qua ngày.

Ở cái miệt sông nước này, nghề câu - lưới - đăng - đó vốn quen thuộc. Nhưng theo anh Trương Văn Dũng (hàng xóm sát nhà ông Sáu), bà con cũng “mắt tròn mắt dẹt” khi thấy mấy cái sáng chế “made in ông Sáu”. Cũng bởi, người ta làm chủ yếu bằng tre, nứa, riêng ông Sáu ve chai lại lấy mấy cái ve làm tất tần tật từ cái thân đến cái hom.

“Từ hồi đó đến giờ, tui sinh ra ở đây cả ba mươi mấy năm, đó giờ cả nhà tui cũng hay làm dớn, làm lợp để đặt ở mấy đường nước kiếm mấy con cá mà tui mới thấy mấy cái của ông Sáu thì là lần đầu tiên, duy nhất luôn”, anh Dũng cười nói.

Lúc chúng tôi đến cũng là lúc ông đang dở tay làm một cái ống trúm đặt lươn. Đôi mắt của ông lão nhíu lại. Đôi tay ông thoăn thoắt với cái cưa để cắt mấy cái chai, rồi tỉ mỉ cắt tỉa mấy cái hom rồi điệu nghệ ghép chúng lại thuần thục như ông đã đánh dấu sẵn từng khâu. Đoạn ông nhìn lên cười, nụ cười gằn lên những vết hằn năm tháng, nếp hằn của sự khắc khổ bươn chải nắng mưa, nhưng bình thản đến lạ thường.

“Không biết ai nghĩ sao, chứ hơn 4 năm qua mấy cái chai nhựa này như là bạn của già bây ơi. Nhờ nó mà mấy con sâu, mấy con rầy chết ráo trọi, bà con mình còn lúa còn gạo để có cái ăn. Ấy rồi, người ta bỏ nó, thì già đi lụm nó để trên ruộng bớt đi. Nó về với già, tạo cho già cái gọi là niềm vui trong cuộc sống, che sương che gió cho hai cha con, đem về cho già mấy con cá, con lươn chứ giỡn à”.

Nói rồi ông dẫn chúng tôi đến cái bầu dớn mà ông mới kéo lên vài ngày trước đây. Lưới đã sờn, có vài chỗ vá nhưng “Cái này khác những cái dớn thông thường là ở chỗ có nhiều hom, tại chai nhỏ mình phải làm hom nhỏ thôi con. Ít được cá bự nhưng nhiều hom, nhiều phía mình bắt được nhiều cá hơn. Với lại nó bền hơn tre nhiều lắm. Xài hoài mà không mục, khỏi cần thay như tre. Cái này già đã làm bốn năm trước đó”, ông vừa nói vừa chỉ.

Thấy cái lạ của ông cụ, nhưng điều mà chúng tôi trăn trở, băn khoăn là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn lưu lại trong số vỏ chai kia có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chính ông không? Sự băn khoăn của chúng tôi cũng là nỗi lo lắng của người thân ông Sáu ve chai.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Lợ, người con trai ruột hiện đang sống cạnh nhà ông Sáu, than thở: “Tôi cũng dựng tạm căn nhà lá cho cụ ở, nhưng cha tôi không chịu. Nói cách nào cũng không được. Ổng nói “tao còn làm được để tao làm”. Có bữa sợ ổng lụm cụm đi nhặt rồi quảy bao chai nhựa mà thấy không yên tâm phải kêu thằng cháu chạy theo coi chừng ông nội”.

“Già thấy bình thường hà bây ơi. Bữa nào thấy trong mình thấy không khoẻ thì mình đi gần, đi lượm cho bớt cái chai nào hay cái đó, chứ ở không trông chờ vào Nhà nước, con cái sao đặng bây”, ông bảo. Dường như cái chất cần lao quen cực, quen khổ và cái chất sáng tạo của người lính cụ Hồ năm nào đã thấm vào ông cho đến tận bây giờ. “Ai cũng nói già mần tào lao, đi lượm mấy cái thứ không đáng một xu, nhưng già nghĩ: “Đồ bỏ đi của người này biết đâu là thứ bảo vật của người khác”, cụ ông chiêm nghiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chương Đài (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN