Lập ban chỉ đạo cấp tỉnh để chống tham nhũng hiệu quả

Sự kiện: Thời sự

Việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tạo sự thống nhất từ trung ương đến địa phương

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính trung ương chủ trì, nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (ban chỉ đạo cấp tỉnh).

Khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh"

Ban Nội chính trung ương đã tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC); gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên ban chỉ đạo cấp trung ương để tiếp thu, hoàn thiện đề án. Qua góp ý xây dựng đề án, đã có 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Hiện ban chỉ đạo cấp trung ương đã làm quyết liệt trong công tác này, nên địa phương có thêm ban chỉ đạo sẽ khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh", tạo sự thống nhất từ trung ương đến địa phương. "Công tác PCTNTC ở một số địa phương thời gian qua chưa có sự chuyển biến rõ nét, việc tự phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực là rất ít, chủ yếu do cơ quan trung ương phát hiện, yêu cầu xử lý. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác này tại địa phương, cơ chế chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác PCTNTC ở địa phương chưa được tập trung" - ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua một số lãnh đạo địa phương có vi phạm đã bị khởi tố, bắt giam, xét xử. Trong ảnh: Ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tại phiên tòa. Ảnh: NAM ANH

Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua một số lãnh đạo địa phương có vi phạm đã bị khởi tố, bắt giam, xét xử. Trong ảnh: Ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tại phiên tòa. Ảnh: NAM ANH

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh tình trạng "trên nóng dưới lạnh" khiến công tác PCTNTC ít nhiều bị ảnh hưởng. Đặc biệt ở cấp địa phương, nhiều trường hợp là cán bộ chủ chốt bị xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự do vi phạm, đơn cử như hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Từ thực tiễn đó, nếu người đứng đầu các địa phương thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong PCTNTC thì công tác này sẽ đi vào thực chất, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết dư luận còn băn khoăn khi ở cấp trung ương đã đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt, còn ở cấp cơ sở thì chưa thể hiện được tinh thần này. Theo ông Dĩnh, nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực đất đai, y tế… thời gian qua đều được đưa vào diện ban chỉ đạo trung ương theo dõi, chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung lực lượng mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm; không có vùng cấm hay ngoại lệ. Do đó, khi ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập, cũng sẽ lan tỏa tinh thần ở từng địa phương.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cũng cho rằng đã đến lúc cần thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh. Từ các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, điều tra, xử lý ở nhiều địa phương thời gian qua cho thấy các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn. Để bám sát với thực tế ở từng địa phương, ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ là "cánh tay nối dài" của ban chỉ đạo trung ương, để không còn xảy ra tình trạng bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm, tiêu cực.

Người đứng đầu phải quyết liệt

Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương, với mô hình ban chỉ đạo cấp tỉnh, dự kiến do bí thư tỉnh ủy/thành ủy làm trưởng ban và sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền, trước nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo PCTNTC. Ông Nguyễn Thái Học cho biết nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Về cơ cấu tổ chức của ban chỉ đạo cấp tỉnh, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng bí thư tỉnh ủy, thành ủy làm trưởng ban là phù hợp, mang tính kế thừa từ ban chỉ đạo trung ương. Theo ông Hòa, vẫn còn có những băn khoăn khi thời gian qua một số người đứng đầu có vi phạm nghiêm trọng như trường hợp ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. "Trưởng ban chỉ đạo, các phó trưởng ban, ủy viên ban chỉ đạo phải là những người gương mẫu, trách nhiệm, phải nhận thức được trọng trách của mình là PCTNTC. Vai trò của người đứng đầu ban chỉ đạo cấp tỉnh là rất quan trọng, phải quyết liệt, công tâm, trung thực để không xảy ra tình trạng bao che, nể nang, xử lý "nương tay" các vi phạm tại địa phương mình" - ông Hòa nói.

Vị ĐBQH này cho rằng cần đề ra quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên ban chỉ đạo cấp tỉnh để nâng cao hiệu quả của mô hình này. "Khi đề án được thông qua và thành lập các ban chỉ đạo cấp tỉnh, sau một năm hoạt động, cần tổng kết để đánh giá tính hiệu quả của từng địa phương, khắc phục những điểm chưa phù hợp trong cơ cấu tổ chức của ban chỉ đạo cấp tỉnh" - ông Hòa đề xuất.

Về phía địa phương, ông Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng, cho biết khi ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập, quy chế hoạt động sẽ do trung ương ban hành, bảo đảm tính chặt chẽ, đồng bộ khi hoạt động ở tất cả các tỉnh, thành phố. Theo ông Cường, việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh cùng quy chế hoạt động sẽ tạo điều kiện cho sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nội chính các tỉnh, thành phố với các cơ quan tư pháp một cách khoa học và hiệu quả hơn.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng trên cơ sở cơ cấu tổ chức của ban chỉ đạo trung ương, thành phần ban chỉ đạo cấp tỉnh cần có lãnh đạo các cơ quan nội chính, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử để kiểm tra, giám sát công tác PCTNTC trong địa bàn. Bên cạnh đó, ông Phúc lưu ý thành phần ban chỉ đạo cấp tỉnh cần bảo đảm sự độc lập cần thiết với cơ quan quản lý nhà nước, để thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan PCTNTC. Ngoài ra, trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh phải thể hiện được vai trò tổng chỉ huy trong công tác này.

Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!

Hội nghị Trung ương 5 khai mạc ngày 4-5, dự kiến bế mạc ngày 10-5, sẽ xem xét việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC. Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị trung ương nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và quyết định về chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương công tác PCTNTC của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo tinh thần "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!".

Nguồn: [Link nguồn]

Infographic: Những vụ án tham nhũng, quan chức ”nhúng chàm” năm 2021

Trong năm 2021, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được đưa ra xét xử, không ít bị cáo trong các vụ án này là những quan chức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN