Lãnh đạo ngành văn hóa lên tiếng chuyện nam công chức mang áo dài ngũ thân đến công sở

Sự kiện: Tin nóng

Người đứng đầu Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế lý giải việc mặc áo dài truyền thống nhằm góp phần giữ lại nét văn hóa riêng của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh đó sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch.

Hôm 7-9, trong buổi lễ chào cờ hằng tháng của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên – Huế, các cán bộ, nhân viên của đơn vị này đã mặc trang phục áo dài truyền thống tham dự. Bên cạnh nữ giới thì tất cả nam giới, từ nhân viên đến lãnh đạo tham gia buổi lễ đều mang áo dài ngũ thân, khăn đóng và đi giày Tây.

Nam cán bộ, công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế ra mắt áo dài ngũ thân (ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Nam cán bộ, công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế ra mắt áo dài ngũ thân (ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Cách đây chừng một tháng, các cán bộ Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cùng đăng ký đặt may đồng bộ áo dài truyền thống. Trong đó, nữ chọn áo dài màu tím đặc trưng, có họa tiết hoa sen phía dưới, trên có chữ làm nổi bật nét duyên dáng, nhẹ nhàng; các cán bộ nam thì đặt may áo dài ngũ thân truyền thống nền áo màu xanh đậm, quần trắng rất trang nhã, lịch thiệp. Họ còn mang tấm thẻ bài mô phỏng theo kiểu xưa với 4 chữ Nho là "Nguyên Phong Chấp Sự", tức là giữ gìn phong tục xưa.

Bộ áo dài truyền thống công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế (ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Bộ áo dài truyền thống công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế (ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Trên trang thông tin điện tử của sở này đăng tải các hình ảnh kèm khẳng định rằng "đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ "quốc phục" từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam, góp phần khẳng định "Huế - Kinh đô áo dài" của Việt Nam". Để góp phần xây dựng, tuyên truyền nét đẹp văn hóa, trang phục truyền thống chiếc áo dài, được xem là "quốc phục", sở sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng, đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị và tặng hoa chúc mừng sinh nhật các thành viên có sinh nhật trong tháng.

Lãnh đạo cùng nhân viên Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài buổi chào cờ ngày 7-9 ( ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Lãnh đạo cùng nhân viên Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài buổi chào cờ ngày 7-9 ( ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Hình ảnh nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội thu hút khá nhiều người quan tâm. Nhiều ý kiến tán dương nhưng cũng không ít người chê rằng "các công chức đi làm mặc áo ngũ thân giống như những liền anh đi hát quan họ", "mặc áo dài mà đi giày Tây, sao không đi guốc mộc"; hay như lời bình "rảnh quá, công sở chứ đâu phải chỗ hát chèo, hát bội, cải lương", "như họp họ tộc". "Trang phục công sở nhà nước đã có quy định rõ ràng, Huế không thể làm như vậy được. Mặc như vậy thì ảnh hưởng đến công việc" – một số ý kiến nhận xét.

Áo dài ngũ thân mang giày Tây đã xuất hiện từ thời vua Khải Định

Áo dài ngũ thân mang giày Tây đã xuất hiện từ thời vua Khải Định

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế, nói rằng việc cán bộ ngành văn hóa của Thừa Thiên - Huế tiên phong mặc áo dài vào ngày thứ hai mỗi đầu tháng và các ngày lễ truyền thống của ngành, các lễ hội... là cần thiết nhằm khuyến khích cộng đồng phục hồi di sản này. "Dĩ nhiên, ban đầu sẽ gặp khó khăn như khi phụ nữ mặc lại áo dài cách đây vài chục năm, nhưng tôi tin rằng dần dần cộng đồng sẽ chấp nhận" - ông Hải đánh giá.

Ông phân tích tiếp: "Việc mặc áo dài truyền thống của nữ giới đã có từ lâu. Đối với nam giới thì chuyện chọn chiếc áo dài ngũ thân làm trang phục truyền thống là phù hợp. Trang phục này ra đời tại Huế từ năm 1744, thời Nguyễn đã đưa lên làm quốc phục, nghĩa là nó đã hoàn chỉnh và có hàng trăm năm lịch sử. Nó là một di sản của người Việt Nam".

Bộ áo dài nam Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế ( ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Bộ áo dài nam Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế ( ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Theo ông Hải, áo dài ngũ thân hiện nay một số nhà may ở Huế còn có thể may được, giá cả không cao. Áo này có năm thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và một thân con (nhỏ nhất, nằm trong) tượng trưng cho người mặc. Áo luôn có 5 cúc cài thể hiện đạo lý của người đàn ông Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, nên có ý nghĩa phải tự răn mình cần giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý của người quân tử. Người mặc áo dài ngũ thân luôn quấn khăn hoặc vận chiếc khăn đóng kiểu chữ "Nhân", hay chữ "Nhất" nên rất trang trọng, lịch sự.

Áo dài nữ ( ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Áo dài nữ ( ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Về giày Tây thì ông Hải nói rằng từ thời vua Khải Định với hơn 100 năm trước đã có sự kết hợp mang loại giày Tây màu đen với áo ngũ thân nên cũng khá phù hợp.

"Chúng tôi là cơ quan được tỉnh giao cho nhiệm vụ nghiên cứu, thực hiện đề án Huế - Kinh đô áo dài. Việc mặc áo dài truyền thống nhằm góp phần giữ lại nét văn hóa riêng của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch, tạo công việc cho những người làm nghề may mặc" – ông Hải nói thêm.

Quang cảnh buổi lễ chào cờ Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế ( ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Quang cảnh buổi lễ chào cờ Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế ( ảnh: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Ngày 8-7, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công hội thảo khoa học "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam", thu hút của các nhân sĩ, trí thức, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nhà thiết kế - may mặc trong và ngoài tỉnh. Hiện, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến tổ chức Ngày hội áo dài sau khi Việt Nam khống chế thành công đại dịch Covid-19.

Nguồn: [Link nguồn]

Tỉnh Hà Tĩnh nói gì về hình ảnh 10 cô gái mặc áo dài trắng gây tranh cãi?

Sau lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc diễn ra tại Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) vào tối 21/7...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Nhật ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN