Lãnh đạo Cty Đường sắt bất ngờ trước quy định “nam thiếu tinh hoàn không được lái tàu”

Sự kiện: Thời sự

“Từ trước tới giờ, nhân viên đường sắt chưa từng phải kiểm tra cơ quan sinh dục, tiết niệu", lãnh đạo Cty Đường sắt Hà Nội nói.

Lãnh đạo Cty Đường sắt bất ngờ trước quy định “nam thiếu tinh hoàn không được lái tàu” - 1

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với nhân viên đường sắt mà ngành y tế đưa ra là quá khắt khe

Một trong những quy định trong Dự thảo Thông tư Quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt do Bộ Y tế đưa ra là: Nhân viên đường sắt phải khám cơ quan sinh dục, tiết niệu.

Ngoài ra, theo dự thảo của Bộ Y tế, ngành đường sắt sẽ không chấp nhận người nứt hậu môn, bị trĩ, rong kinh, thừa cân, giun chỉ, đàn ông thiếu tinh hoàn...

Những quy định này đã gặp phải phản ứng của nhiều người làm trong ngành vận tải.

Chia sẻ với PV, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội tỏ ra khá bất ngờ về dự thảo quy định về sức khỏe của nhân viên đường sắt do Bộ Y tế đưa ra.

Theo bà Hà, mỗi quy định đưa ra nếu không phù hợp sẽ có tác động rất lớn tới lực lượng lao động sản xuất trong ngành.

“Từ trước tới giờ, nhân viên đường sắt chưa từng phải kiểm tra cơ quan sinh dục, tiết niệu. Nếu phải kiểm tra tất cả những gì như Bộ Y tế đưa ra mới được làm trong ngành thì nghiêm ngặt quá. Bởi hiện nay tiêu chuẩn sức khỏe nhân viên ngành đường sắt quan trọng nhất là mắt, mù màu, tai và không khuyết tật”, bà Hà nói.

Đại diện Cục Đường sắt cũng cho biết, đường sắt là ngành đặc thù và là nghề đặc biệt nguy hiểm. Vì vậy, việc quy định các tiêu chuẩn sức khỏe đối với nhân viên trong ngành là hợp lí.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn sức khỏe đều là vấn đề y tế chuyên sâu nên Cục không nắm được để góp ý.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đường sắt cũng kiến nghị, việc quy định tiêu chuẩn sức khỏe phải đảm bảo phù hợp, bởi lương ngành đường sắt rất thấp mà tiêu chuẩn sức khỏe quá cao thì sẽ không tuyển được người vào làm, thậm chí là người đang làm trong ngành cũng bỏ việc.

Trao đổi thêm với PV xung quanh dự thảo này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, tiêu chuẩn khám sức khỏe do Bộ Y tế đưa ra quá khắt khe.

“Việc này là tốt nhưng hãy lùi lại 5 năm, 10 năm nữa. Còn hiện tại nhân viên đường sắt đang quá khó tuyển, thêm quy định này nữa thì lấy đâu ra người làm việc”, ông Liên nói.

Theo ông Liên, hiện tại, người làm trong ngành đường sắt chỉ cần đảm bảo khám sức khỏe định kỳ, không khuyết tật, nâng cao hướng dẫn phòng chống bệnh tật. Vì vậy, các cơ sở y tế nên đầu tư cơ sở vật chất để khám chữa bệnh cho nhân viên đường sắt, đừng nghĩ ra những quy định làm khó cho người lao động, làm khó cho ngành đường sắt trong thời điểm này.

Theo Bộ Y tế, nghề trực tiếp phục vụ chạy tàu được xếp vào danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc nên tiêu chuẩn sức khỏe dành cho nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu cần phải quy định chặt chẽ, để không có các bệnh có thể gây biến chứng bất kỳ ảnh hưởng đến công việc.

Hơn nữa công việc này không nên có các dị tật làm ảnh hưởng đến thao tác chuyên môn liên quan đến việc phục vụ chạy tàu. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu công việc và đảm bảo tính mạng cho chính những nhân viên đường sắt khi làm nhiệm vụ.

Vì vậy, Thông tư này là căn cứ để cơ sở khám chữa bệnh thực hiệc khám sức khỏe cho nhân viên đường sắt và là căn cứu để ngành giao thông vận tải tuyển dụng nhân viên đường sắt phù hợp với các chức danh.

Không chỉ cấm ngực lép lái tàu, đây từng là những đề xuất gây tranh cãi của Bộ Y tế

Cấm người có bệnh sinh dục, ngực lép lái tàu; Ngực lép không được lái; Cấm bán rượu bia sau 22 giờ… là những dự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN