Làng 20 người chết trẻ: Đường mòn vết xe tang

Gần 20 thanh niên chết vì tai nạn giao thông tại một thôn chỉ có 70 nóc nhà - thôn Phước Hậu , xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng.

Nhưng mấy ai hiểu rằng: Chính ý thức chưa tốt của người dân và sự quản lý yếu kém của ngành giao thông là lý do dẫn đến những tang thương...

“Chú hỏi gia đình có người chết vì TNGT mô? Chết tháng trước hay chết hồi đầu năm? Chết một người hay chết nhiều người? Chết tại chỗ hay chết tại viện?...” – Khi hỏi thăm về một gia đình có người chết vì TNGT tại thôn Phước Hậu, chúng tôi được người dân hỏi ngược lại như thế.

Vài năm gần đây, số thanh niên ở thôn này tử vong vì TNGT ở mức cao khủng khiếp nên mới có câu hỏi ngược lại như vậy. Chốt lại cuộc hỏi thăm, một đề nghị làm chúng tôi thấy hợp lý hơn cả: “Thôn này, chỗ nào chẳng có gia đình nạn nhân của TNGT, thôi các chú đến nhà ông Nhiên - Trưởng Công an thôn cho gần”. Thì ra ông Nhiên cũng có một cậu con trai chết vì tai nạn...

Làng 20 người chết trẻ: Đường mòn vết xe tang - 1

Ông Lê Văn Nhiên bên bàn thờ con

Uống rượu, “kẹp ba” vẫn đổ lỗi cho ma

Vào ngày 3/3/2012, cả huyện Hoà Vang xôn xao trước cái chết của 3 anh em trong một họ ở thôn Phước Hậu vì tai nạn giao thông. Đó là Lê Văn Mai (21 tuổi), Lê Công Hoàng (19 tuổi) và Lê Văn Công (31 tuổi). Chúng tôi đã tìm vào nhà ông Lê Văn Nhiên (bố của nạn nhận Lê Văn Mai). Ông Nhiên cho hay: Hôm đó khoảng 19 giờ, thằng Mai xin đi cùng 2 người anh trong họ đi chơi.

Nghĩ cũng như ngày thường nên tôi cho nó đi. Đâu có ngờ lúc 19 giờ 30, mấy người trong xóm chạy về báo tin thằng con tôi bị tai nạn chết ngay đầu đường rồi. Lúc chạy ra tôi thấy trên xe có một bọc thịt nướng còn nguyên. Sau đó, công an kết luận con tôi cùng 2 nạn nhân uống rượu nên dẫn đến gây TNGT, nhưng điều đó là không chính xác vì bình thường thằng Mai không uống rượu. Mà hôm đó 3 anh em nó chỉ có trong túi 40.000 đồng, mua bọc thịt nướng 30.000 rồi làm sao uống cho say?

Người dân Phước Hậu cho biết một sự trùng hợp lạ kỳ về các vụ tai nạn ở đây: Tất cả đều diễn ra lúc cuối buổi chiều khi màn đêm vừa ập xuống, nạn nhân toàn là đàn ông trai trẻ. Tuy nhiên, có một giải thích ngắn gọn như sau: Thói quen của đàn ông Đà Nẵng là sau khi làm việc buổi chiều về thường tụ tập làm “dăm ly sương sương” rồi chập tối mới về nhà ăn cơm. Nếu đúng như vậy, chuyện trùng hợp này không có gì khó hiểu.

Ông Nhiên có hỏi chủ quán mà mấy đứa ngồi, bà ta bảo 3 thằng uống hết 10.000 đồng rượu, nhưng mồi còn nguyên nên mang mồi về uống với rượu ở nhà. Hơn nữa trong 30 phút làm sao uống để say đây (!?). Chỉ có ma xui quỷ khiến mới làm cho chúng ra nông nỗi như thế này.

Ở ngay đầu đường vào thôn có một cái đình làng, các cụ bô lão trong làng quả quyết rằng ngôi đình này đã bị động và gây ra tất cả sự việc trên - ông Nhiên cho biết.

Ngàn vạn lần tạ lỗi những oan hồn đã khuất trong TNGT thảm khốc này, nhưng các nạn nhân đã phạm phải 2 lỗi rất lớn của giao thông đường bộ: Chở quá người quy định và tham gia giao thông khi đã uống rượu. Hai lỗi này rất lớn bởi mức xử phạt trong quy định ở khung cao nhất nhưng lỗi này còn lớn hơn và kinh khủng hơn khi nó gây ra hậu quả cướp đi sinh mạng của 3 thanh niên.

Xáo trộn đời sống

Bà ngoại của nạn nhân Lê Công Hoàng đã tử vong bất thường sau cái chết của cháu trai duy nhất có 1 tháng. Bà Trần Thị Liên- mẹ nạn nhân Hoàng sợ hãi kể: “Sau khi thằng Hoàng mất được 1 tháng thì bà ngoại nó không hiểu sao đi đâu cả đêm làm cả nhà chạy toán loạn hết cả lên. Đêm đó cả làng đi tìm thì khoảng 3 giờ sáng thấy bà đang ôm ngôi mộ không có tên khóc ấm ức.

Gia đình tôi đã đưa bà về nhà, từ đó bà không nói năng gì hết trong 1 ngày. Sáng ngày hôm sau cả gia đình quá đau xót khi kêu bà dậy ăn sáng mà gọi mãi không được. Bà ngoại thằng Hoàng ra đi mà không nói được câu nào. Cái chết của đứa con trai duy nhất trong 7 anh em đã làm gia đình tôi suy sụp, đến lượt bà ngoại nó mất mà không hiểu vì lý do đã làm cho gia đình tôi tan nát. Trời xui quỷ khiến thế nào mà cái làng này lại bị ma ám như vậy”.

Có một sự thực mà tất cả mọi người đều biết là theo biên bản khám nghiệm hiện trường của CSGT Hòa Vang thì trong các vụ tai nạn diễn ra tại đây thì các nạn nhân hầu hết không sử dụng mũ bảo hiểm nhưng lại có sử dụng rượu, bia.

Ông Lê Sự- Trưởng thôn Phước Hậu đau lòng cho biết: “Cả thôn này chỉ có gần 70 hộ với gần 300 nhân khẩu. Nhưng vài năm trở lại đây đã có gần 20 thanh niên chết do TNGT và chết trong độ tuổi rất trẻ...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Hải - Đình Thiên (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN