Lạ lùng vào ngục…“trộm” bia đá 80kg về hóa trang, giấu trong chùa

Sự kiện: Thời sự

Tấm bia đá xanh khắc lời di nguyện của đại danh y Tuệ Tĩnh có điều gì đặc biệt tới mức có chuyện “ngược đời” như vậy?

Cổ vật bị đánh cắp không còn là chuyện hiếm ở nước ta trong thời gian qua. Ít ai biết rằng, vật báu bị biến mất không chỉ bởi bọn trộm cắp mà còn xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Trong khuôn khổ loạt bài về cổ vật này, chúng tôi mang đến cho bạn đọc những câu chuyện cổ vật mất tích đầy lạ lùng, ly kỳ, nhưng đặc biệt hơn nó đều được trở về chốn cũ.

Trong hậu cung đền Bia ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương có một tấm bia đá xanh nặng 80kg đặt phía sau tượng thiền sư Tuệ Tĩnh.  Cổ vật này có hình hộp đứng, đỉnh bia là búp sen, khắc lời nhắn của đại danh y: “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”, nhưng đã bị đục mờ.

Lạ lùng vào ngục…“trộm” bia đá 80kg về hóa trang, giấu trong chùa - 1

Ông Thành bên tấm bia khắc lời di nguyện của đại danh y Tuệ Tĩnh

Về thăm di tích quốc gia đặc biệt này, chúng tôi được ông Hà Quang Thành, Trưởng ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, chia sẻ những câu chuyện thú vị về số phận “chìm nổi” của tấm bia gắn với lịch sử ngôi đền. “Năm 1846, vua Thiệu Trị đã sai người đục hết chữ trên tấm bia và mang “nhốt” vào trong ngục thất, cho người canh gác cẩn mật. Lý do xảy ra sự việc hy hữu này là có đông người đến đền thắp hương, vái lạy tấm bia cầu mạnh khỏe, phát lộc. Nhà vua cho rằng đây là việc mê tín dị đoan nên hạ chiếu cấm việc cúng bái và xin thuốc ở đền Bia”, ông Thành kể.

Ngỡ tưởng “giam cầm” tấm bia đá trong ngục sẽ khiến người dân bớt phần tín tâm hướng về đền nhưng bất ngờ thay lệnh cấm đó không khiến người dân khiếp sợ mà sẵn sàng tìm cách “trộm” bia. “Vào đêm trời mưa gió, một người làng Văn Thai làm lính canh đã bí mật đào tường ngục, đưa tấm bia về cất giấu ở nhà Tổ chùa Văn Thai, rồi sơn vàng tấm bia, xây kín lại để tránh bị phát hiện. Điều này lý giải vì sao bề măt tấm bia hiện vẫn còn loang lổ lớp sơn son thếp vàng”, ông Thành kể lại câu chuyện được lưu truyền tại địa phương.

Lạ lùng vào ngục…“trộm” bia đá 80kg về hóa trang, giấu trong chùa - 2

 Tấm bia loang lổ sơn son thiếp vàng, đục xóa nham nhở

Một thời gian sau, sự việc vào ngục “trộm” bia đá lắng xuống, tấm bia được rước từ chùa Văn Thai ra đền cho khách thập phương chiêm bái vào dịp lễ hội truyền thống ngày 1/4 âm lịch.

Tấm bia đá xanh hiện là một trong những cổ vật độc đáo nhất của di tích đền Bia, thể hiện tình yêu quê hương sâu sắc của đại danh y Tuệ Tĩnh. “Danh nhân Nguyễn Danh Nho (1638 – 1699, người tổng Văn Thai, đỗ tiến sĩ dưới thời vua Lê Huyền Tông) là người đã thuê thợ chế tác ra nó vào năm 1690, sau khi tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh ở Giang Nam (Trung Quốc) trong chuyến đi sứ sang nhà Thanh”, ông Thành chia sẻ.

Lạ lùng vào ngục…“trộm” bia đá 80kg về hóa trang, giấu trong chùa - 3

Đền Bia được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cuối năm 2017

Ít ai biết rằng, tấm bia từng có thời gian nằm sâu dưới lòng sông Thái Bình do thuyền bị lật khi được chở từ vùng Kinh Môn về làng Nghĩa Phú quê hương của Tuệ Tĩnh. Ít lâu sau nước cạn, nhân dân đã trục vớt được tấm bia và đem lên doi đất hình con dao cầu chuyên thái thuốc nam dựng đền thờ cúng như ngày nay. Điều này lý giải tên gọi đền Bia.

Tương truyền trước đây năm nào cũng vậy, xong ngày lễ hội là ngôi đền lợp tranh tre đơn sơ bỗng dưng bị thiêu rụi, chỉ còn trơ ra tấm bia đá. Những câu chuyện li kỳ về tấm bia càng khiến ngôi đền trở nên nổi tiếng ở xứ Đông. Người dân khắp nơi đổ về cúng bái cầu sức khỏe, quyên góp tiền công đức xây đền, tạc tượng. Hiện trong đền Bia vẫn còn một bệ đá chạm khắc tinh xảo dùng để đặt tượng Tuệ Tĩnh. Theo ông Thành, đây là vật cung tiến năm 1940 của ông Lưu Sinh (chánh tổng Nam Sách) sau khi đến đền xin thuốc về uống và khỏi bệnh tai biến, đi lại được bình thường.

Trả lại sắc phong sau 45 năm

Năm 1968, một người phụ nữ tên Tân ở TP Hải Dương đến viếng đền Bia thấy các cụ dọn dẹp, đốt hương, vàng mã và một tờ giấy màu vàng viết chữ Hán trông rất đẹp. Bà dập tờ giấy bị cháy chỉ còn lại một nửa và xin các cụ mang về nhà. Sau này, bà nhờ Bảo tàng Hải Dương dịch thuật nội dung chữ Hán mới biết đó là tấm sắc phong năm 1924 của vua Khải Định cho đại danh y Tuệ Tĩnh tại đền Bia. Tháng 7/2013, bà Tân trao trả lại tấm sắc phong cho đền. Năm 2017 Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng nhờ Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch thuật và hiệu đính lại những phần chữ bị cháy và sao lại một tấm sắc phong mới hoàn chỉnh. Còn tấm sắc phong gốc đã được bồi giấy dó để chống mục nát.

--------------------------------------

Một pho tượng Phật cổ được đánh giá là một trong 3 tuyệt tác còn lưu giữ được ở nước ta bị đánh cắp 2 lần nhưng đều có hành trình trở về đầy ngoạn mục.

Đón đọc kì tiếp theo "Hai lần bị trộm, tượng Phật cổ được tìm thấy ngoạn mục" vào lúc 0h30 ngày 3/9.

Bí ẩn “vùng tam giác vàng”: Giải mã lời nguyền cổ vật

Dân ở “vùng tam giác vàng“ vẫn truyền tai nhau về hậu vận của những người từng “trúng“ kho báu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Trí ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN