Ký ức Tết về một Hà Nội “sống chậm”
Những ngày giáp Tết Bính Thân này, thật khó để có thể miêu tả từ “chậm” cho nhịp sống ở Hà Nội. Ai ai cũng vội vã và thầm hiểu rằng, cái sự vội vã ấy sẽ còn đeo bám mình cho tới cả những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết. Nhưng với những ai đã từng sống ở đây, trên những con phố của Hà Thành, chỉ dăm chục năm về trước, thì “chậm” có thể sẽ là một cảm giác quen thuộc của những ngày Tết.
Tôi sinh ra vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Thế hệ của chúng tôi vẫn quen được gọi vui là “8x đời đầu”. Đó là những năm tháng, đất nước đi đến tận cùng của khó khăn và chuẩn bị chuyển mình đón nhận một sự thay đổi lớn lao. Cũng vì được sinh ra vào giai đoạn đó, tôi may mắn được cảm nhận những ngày tháng bao cấp cuối cùng hay ấn tượng hơn cả là những cái Tết mậu dịch cuối cùng ở Hà Nội. Nhưng đó thực sự là những cái Tết không có nhiều để miêu tả ngoài sự vun vén, thu xếp, “giật gấu vá vai” từ những thứ “kiếm” được ở các cửa hàng mậu dịch hay “đồ tiếp tế” từ vườn quê nghèo gửi lên của bố mẹ tôi để có một cái Tết “tạm khác bình thường”.
Chỉ khi làn sóng kinh tế mới bùng nổ tử đầu những năm 1990, chúng tôi, những người Hà Nội mới thật sự có cảm nhận về một cái Tết cho ra Tết. Những năm ấy, kỳ Tết hay được báo hiệu bởi những giai điệu của ABBA hay Modern Talking với những “Happy New Year”, “Cheri Cheri Lady”… vang lên liên tục ở một góc phố nào đó, qua cái đài casette Sharp thời thượng hay những chiếc máy quay đĩa cũ kỹ gắn qua một “con” loa thùng “hàng bãi”. Cái thứ nhạc ấy như bật công tắc cho guồng quay chuẩn bị Tết của những gia đình Hà Nội. Nào là dọn dẹp nhà cửa, lôi những bộ quần áo đẹp của cả nhà được cất kỹ trong cái thùng sắt tây được cất kỹ ở một góc nào đó ra giặt giũ, phơi nắng, những thứ quần áo có khi cả năm mới được mặc một lần, thay cho những bộ sờn cũ đã trưng trên mình sà sã cả năm.
Đường phố Hà Nội ngày Tết những năm 1990
Việc của các ông bố nếu có điều kiện là quét vôi ve lại nhà cửa. Thời đó đây là việc đơn giản vì nhà cửa nhỏ tí hin, cũng chẳng có mấy chỗ mà quét. Nhà không có điều kiện thì quét vôi trắng; nhà khá hơn thì mua ít bột ve pha vào cho lên màu. Thường thì cũng chỉ có 2 màu xanh và vàng nên chẳng lo không tiệp màu như muôn ngàn thể loại sắc màu sơn như bây giờ. Xong rồi là kiếm cành cây cảnh trưng Tết. Đào, quất thì nhiều ở chợ hoa Hàng Lược, nhưng chơi cầu kỳ thì lại lên Hàng Đường kiếm một củ thủy tiên về chăm và ủ sao cho hoa nở đúng mùng 1.
Nhưng việc của các bà mẹ thì lặt vặt và tất bật hơn thế khá nhiều dù nhiệm vụ chỉ tóm lại là chuẩn bị cỗ Tết. Thời bao cấp đã qua, hàng hóa mua bán đã dễ dàng hơn nhưng với đồng lương eo hẹp của một gia đình công chức thì mua gì, mua như thế nào cũng phải chi li tính toán. Bóng, miến, nấm, đỗ xanh… phải tìm hàng vừa ngon, vừa rẻ ở chợ Đồng Xuân; gạo nếp ngon đong trước từ hàng quen ở Long Biên, Chợ Gạo; thịt đặt trước hàng quen sao cho vừa ngon vừa rẻ…
Cả nhà cùng chụp ảnh kỷ niệm trong ngày Tết
Cứ sau ngày ông Công ông Táo là đến ngày gói bánh chưng. Cái mâm đồng được bày ra giữa nhà, cả gia đình xúm lại người rửa lá dong, người vo gạo, thái thịt, người gói… Củi mua bó ở đầu chợ Hòe Nhai, bổ sung thêm gỗ chẻ ra từ mấy món đồ gỗ cũ là đủ luộc bánh. Sau bữa tối, cái nồi to được đặt lên ông đầu rau, bánh được xếp chặt ngay ngắn, nước sạch đổ vào từng xô cho vừa ngập bánh là bắt đầu nổi lửa. Khi ấy, như những lũ trẻ hàng phố khác, tôi và ông anh trai được cắt cử thức trông nồi bánh. Vào những ngày này, có khi gần như cả khu phố cùng luộc bánh vào một ngày, chen giữa không gian chật hẹp của những ngôi nhà trên phố cổ. Cũng vì thế mà không khí và tiếng trò chuyện hết sức rôm rả nhưng cũng nhanh chóng tắt dần về khuya. Cái tiết trời giá lạnh chuyển đang chuyển đông sang xuân, ngồi kế bếp lửa, nghe tiếng ùng ục của nồi bánh, tiếng lép bép của lửa và mùi khen khét của củi cháy là những trải nghiệm khó quên giữa cái tĩnh lặng của không gian phố. Thực ra, trông nồi bánh cũng chẳng có nhiều việc để làm. Cơ bản chỉ là theo dõi để nồi không trào làm tắt lửa hay củi hết mà tàn bếp vì thế 2 anh em thay nhau mà ngủ gật. Vừa tới sáng, hết củi là bánh chín. Bố vớt bánh lên, đem ép cho ra nước là biết Tết đã sắp đến.
Ngày Tất niên, nhà cửa được dọn dẹp một lần nữa thật sạch, thật ngăn nắp, tinh tươm. Nồi nước mùi già được đun sôi, tỏa mùi hương khắp phòng, sẵn sàng cho cả nhà tắm tất niên. Còn mẹ thì chuẩn bị mâm cỗ cúng. Mẹ tôi vốn con nhà tư sản Hà Nội nên hay kể mâm cỗ ngày xưa nhà bà phải có 4 bát, 6 đĩa. 4 bát ấy là: Măng, Bóng, Long tu (hoặc chim hầm hạt sen), Bào ngư (hoặc mực nấu rối); 6 đĩa là: Gà luộc, Nộm, Giò chả, Xôi, Thịt quay (hoặc nem), Xào. Thời buổi khó khăn, cũng chẳng thể cầu kỳ nhưng kiểu gì cũng phải có đĩa xôi, con gà, đĩa nộm, bát bóng, bát măng. Những thứ quen thuộc nhưng cũng cần chế biến tinh tế, cầu kỳ.
Hà Nội thời đó, chiều Ba Mươi đã vắng lặng như tờ. Nhà nào nhà đó thu mình, quây quần chuẩn bị bên mâm cỗ tất niên. Cơm nước, dọn dẹp xong lại chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Giao thừa. Lũ trẻ con chúng tôi, có tranh thủ cũng chỉ dám đi lên đầu Bờ Hồ xem không khí rồi phải về nhà ngay trước 10 giờ. Những con phố lúc ấy vắng lặng, hầu như chẳng thấy bóng một cửa hàng, cửa hiệu; đầu Hồ Gươm tối Ba Mươi cũng chỉ lác đác bóng người qua lại cùng một hai hàng bóng bay cố bán nốt dụ lũ trẻ con hay ai đó mua về để treo trang trí nhà cửa.
Tết đối với trẻ nhỏ chỉ đơn giản là những quả bóng bay
Thời khắc sắp giao thừa, bầu không khí như được nén chặt lại, cực kỳ yên tĩnh. Nhìn lên đồng hồ nhà mình mới thấy cái kim phút đang từ từ nhập vào kim giờ ở số 12. Thế là bánh pháo Bình Đà được treo đã trên đầu cây tre, liền tho ra cửa và châm lửa. Tiếng pháo rộn vang và lời chúc mừng năm mới vang lên khắp nơi. Trên TV, bài hát “Happy New Year” của ABBA lại được bật như một biểu tượng cho sự mở cửa, giao thoa 2 nền văn hóa Đông Tây.
Thời khắc ấy, mùi hương trầm, lời chúc “ngoan ngoãn, học giỏi” của bố mẹ như quyện làm một thành ký ức khó phai về Tết. Dăm chục phút sau, mâm cỗ cúng Giao thừa được hạ xuống, cả nhà hồi hộp chờ đợi vị khách đặc biệt đã được hẹn trước tới xông đất. Để chọn được nhân vật này, các gia đình ở Hà Nội thường tìm trong số những người thân, quen của mình có tuổi hợp với con Giáp năm ấy, hợp với gia chủ nhưng cũng phải có phong thái đường hoàng, tính cách ôn hòa, mẫu mực để gửi gắm mong ước về vận số cả gia đình trong một năm mới sắp tới. Lũ trẻ khi ấy chỉ có thể ngoan ngoãn chờ khách vào nhà, chào hỏi lễ phép, nghe lời chúc, cảm ơn và chúc lại rồi ngồi yên chờ ăn cỗ. Rõ là những thời khắc đầu tiên của năm mới, chẳng ai muốn giông cả năm “không vâng lời”. Mâm cỗ Giao thừa được dọn ra, bữa ăn đầu tiên của năm mới cũng có vị đặc biệt.
Phải tới sáng Mùng 1, khi cả nhà chuẩn bị xuất hành thì lũ trẻ con mới có thể lẩn ra phố. Đường phố Hà Nội lúc ấy là một quang cảnh vô cùng đặc biệt. Đường phố vắng lặng, thi thoảng nghe thấy những tiếng pháo đì đùng và trên khắp các vỉa hè thì ngập tràn sắc đỏ của xác pháo. Lũ trẻ hàng phố gặp nhau. Mấy đứa hàng ngày quen nhìn lem luốc, bỗng đứa nào đứa đấy đều nhìn đứng đắn, sạch sẽ, xúng xính quần áo mới. Vậy mà, chẳng cần ai bảo, đứa nào đứa nấy đều đua nhau lao vào đống xác pháo mà mót pháo xịt, pháo lép, pháo rụng. Thứ pháo ấy tập hợp lại đập ra làm pháo chuột, hay lấy que hương mà châm ném hù đứa khác.
Rồi cũng đến lúc xuất hành, lũ trẻ lại giải tán theo từng gia đình với những cái nhấm nháy thầm hẹn tối gặp lại. Đích đầu tiên của mọi chuyến xuất hành đều là nhà ông bà. Thời đó, mọi người thường đi bộ. Chầm chậm, lững thững qua những con phố Hà Nội yên ả, vẫn phảng phất mùi thuốc pháo mà tận hưởng một cảm giác thật Tết. Họ hàng hội tủ đông đủ với những lời chúc mừng, trao đổi đầy kỳ vọng vào một năm sắp tới. Lũ trẻ con thì “giả ngoan” để hóng tiền mừng tuổi rồi lại lao ngay ra phố với những trò nghịch ngợm muôn thuở.
Những ngày Tết khi đó khiến bố mẹ như quên đi cái khó nhọc quanh năm, trẻ con được mặc sạch sẽ, chơi vui vẻ; họ hàng, làng xóm quấn quít nhau. Ở đó, có một thứ gì đó như cảm giác yên bình, trong trẻo, thực chất, ít âu lo mà cuộc sống bây giờ khó tìm lại được. Có lẽ cũng bởi Hà Nội bây giờ đã quên mất cách “sống chậm”.