Kiểm soát Ebola tại TPHCM: 33 người phải khai báo y tế
Sau gần một tuần áp dụng máy đo thân nhiệt và tờ khai Ebola tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất, đã có 33 hành khách phải khai báo y tế. Chủ yếu các hành khách này đến từ Nigeria, quốc gia đang có dịch.
Chiều nay, 17/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc tại Cảng vụ Hàng không miền Nam về công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và theo dõi diễn tập tình huống phát hiện hành khách nghi nhiễm Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm Ebola
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM, tuần qua, tổ kiểm dịch được chia thành 3 ca, bảo đảm có mặt 24/24h tại khu vực cửa khẩu. Mỗi ca trực có đủ thành phần gồm lãnh đạo, y bác sĩ, nhân viên xử lý y tế, lái xe.
Hằng ngày, kíp trực báo cáo tình hình về phòng tổ chức hành chính của trung tâm. Trung tâm báo cáo về Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur và Sở Y tế mỗi tuần và hằng tháng. Đồng thời, thông báo danh sách hành khách đến từ vùng dịch cho Trung tâm Y tế dự phòng thành phố mỗi ngày để phối hợp địa phương theo dõi. Trong trường hợp có ca nghi ngờ, ca trực báo ngay về ban giám đốc trung tâm và thông tin sẽ đến thẳng các cơ quan của bộ và thành phố.
Kết quả áp dụng tờ khai Ebola từ ngày 11 đến 16/8, đã có 33 hành khách phải khai báo y tế. Trong đó, 32 người quốc tịch Nigeria và 1 khách ngoài châu Phi. Không ai có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Ebola và tất cả đều đã cung cấp địa chỉ và số điện thoại liên lạc.
Bên cạnh phối hợp cùng công an cửa khẩu và các hãng máy bay triển khai phòng chống dịch tại sân bay, trung tâm cũng đã thống nhất với Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, kiểm dịch y tế Vũng Tàu về quy trình phối hợp phòng chống dịch Ebola tại Cảng Sài Gòn và tại vị trí phao số 0 (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến theo dõi diễn tập tình huống phát hiện 1 hành khách nghi nhiễm Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất
Lập trạm điều trị dã chiến ở sân bay
Về công tác chuẩn bị điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, nên có thêm các trạm điều trị dã chiến tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo Bộ trưởng, TP.HCM là nơi có số khách từ Tây Phi về nhiều nhất cả nước. Do đó, nếu cần, có thể huy động cả các bệnh viện ở gần sân bay như Bệnh viện Q.Tân Bình, Q.Bình Tân… vào quy trình xử trí Ebola tại cửa khẩu.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, toàn bộ khoa nhiễm D của bệnh viện đã được dự kiến dành trọn cho tình huống có bệnh nhân Ebola. Hiện đã có phòng cách ly áp lực âm để cách ly người bệnh. Các trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế cũng đã đầy đủ. Thuốc men, vật tư y tế cũng đã sẵn sàng. “Không có thuốc đặc trị nên chủ yếu dự phòng máu, dịch truyền, kháng sinh và thiết bị lọc máu cho bệnh nhân”, ông Châu nói.
Về chi phí điều trị cho bệnh nhân Ebola, ông Châu cho biết, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Ebola thuộc nhóm A, là nhóm được nhà nước chi trả. “Tuy nhiên, đối với bệnh nhân người nước ngoài, chúng tôi đang xin đang xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế về chi phí áp dụng như thế nào, có giống bệnh nhân Việt Nam hay không”, ông Châu nói.
Trong chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã theo dõi diễn tập tình huống phát hiện 1 hành khách nghi nhiễm Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất, do lực lượng kiểm dịch y tế cửa khẩu phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM thực hiện.
Hình ảnh buổi diễn tập:
Nhận tin báo "có hành khách nghi nhiễm Ebola", lực lượng kiểm dịch y tế cửa khẩu phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM triển khai đội cơ động chống dịch tại sân bay
Bệnh nhân giả định (mang hành lý) có triệu chứng sốt được kiểm dịch viên đưa vào khu kiểm dịch tại cửa khẩu và làm thủ tục nhập cảnh với trang bị phòng hộ
Bệnh nhân được đưa ra khu vực cách ly, xử lý dịch
Khu vực cách ly, lấy thông tin tại sân bay
Bệnh nhân được thay quần áo màu xanh
Khử khuẩn xe chuyển bệnh
Bệnh nhân được đưa lên xe chuyển bệnh về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để điều trị