Khi đường cao tốc phải đặt... gờ giảm tốc

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đưa vào sử dụng sau 5 tháng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng trồi lún, ổ trâu, ổ gà… Tuy nhiên, điều này đã phần nào được báo trước khi công trình phải gấp rút chạy tiến độ để kịp thông xe vào ngày 30/6, trong điều kiện chậm mặt bằng.

Cụ thể, vị trí mặt đường bị lún nứt tại vị trí Km256 + 186 – Km256 + 541 thuộc thôn An Lộc Thượng, xã Yên Hồng (huyện Ý Yên, Nam Định) và Km 257 +950 – km258+300 thuộc thôn Hoàng Nê, xã Hoàng Nghi (huyện Ý Yên, Nam Định).

Việc đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình xuống cấp tại các vị trí Km 256 và Km 257 phần nào đã được báo trước.

Bởi, trước đó, hồi đầu tháng 6/2012, khi dẫn đoàn đi kiểm tra dự án, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, hiện toàn tuyến đường cao tốc vẫn còn 700 m phải chờ bù lún sau khi thông xe (30/6).

Khi đường cao tốc phải đặt... gờ giảm tốc - 1

Một đoạn đường chờ bù lún đang xuống cấp nhanh

Còn theo ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc VEC, vị trí mặt đường bị lún, nứt do nằm trong nền đất yếu. Theo thiết kế, những vị trí này cần phải áp dụng biện pháp xử lý nền đất yếu bằng giếng cát, bấc thấm và gia tải chờ lún 4 - 7 tháng.

Ông Nhi cũng cho hay, một phần do giải phóng mặt bằng khó khăn, mãi tháng 3/2012 mới giải phóng mặt bằng xong tại 2 khu vực bị lún nứt này. Nếu vậy, theo đúng yêu cầu kỹ thuật thì phải đến tháng 1/2013 mới có thể đưa dự án vào khai thác.

Tuy nhiên, với mục tiêu giảm tải cho Quốc lộ 1A đang được cải tạo và nâng cấp, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được thông xe vào ngày 30/6/2012. Đồng thời, việc thông xe này cũng tạo nguồn thu cho VEC để giảm gánh nặng về tài chính trong việc huy động vốn hoàn thành dự án, và tránh lãng phí 50 km toàn tuyến đã hoàn thành.

Vì vậy, VEC đã báo cáo Bộ GTVT và được cho phép các vị trí đang xử lý nền đất yếu được dỡ tải sớm để làm mặt đường quá độ (sau khi hết lún nứt sẽ trải thảm bê tông nhựa) đưa vào khai thác. Cũng theo VEC, việc này đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước chấp thuận.

Ông Nhi cho biết, trước mắt VEC sẽ khắc phục tạm các điểm lún nứt, ổ gà, cắm biển báo hạn chế tốc độ...

Tới tháng 3/2013, khi hết thời gian gia tải, chờ lún, đơn vị này mới hoàn thiện, trải thảm bê tông nhựa hai đoạn đường trên.

Khi đường cao tốc phải đặt... gờ giảm tốc - 2

Hình ảnh đoạn đường được gấp rút thi công chạy tiến độ trước khi đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thông xe - (Ảnh chụp hồi đầu tháng 6/2012)

“VEC đã chỉ đạo các bên liên quan thường xuyên kiểm tra, khắc phục và đã sửa chữa những điểm hư hỏng, bong bật mặt đường. Một số điểm mà báo chí nêu, VEC đã có kế hoạch sửa chữa nhưng do thời tiết mưa nên chưa kịp thực hiện. VEC đang khẩn trương tiến hành sửa chữa để đảm bảo an toàn cho xe chạy”, ông Nhi khẳng đinh.

Về chi phí xử lý lún cũng như trải thảm đoạn đường chờ chống lún, ông Nhị cho biết vẫn nằm trong dự toán kinh phí thi công toàn tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Như vậy, việc đưa Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào sử dụng sớm đã dẫn tới một số đoạn chưa đủ thời gian gia tải chờ lún, nền đường bị lún không đều, tốc độ lún còn lớn, ảnh hưởng đến độ bằng phẳng của mặt đường, gây nên hiện tượng trồi sụt, ổ gà.

Khi đường cao tốc phải đặt... gờ giảm tốc - 3

Nhiều đoạn đường của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do có mặt bằng chậm nên sau khi thông đường đưa vào sử dụng được một thời gian đã xuống cấp trầm trọng

Điều đáng nói, đường cao tốc được thiết kế chạy với tốc độ 80 – 100 km/h, nhưng do đường bị lún nứt nên để đảm bảo an toàn giao thông đơn vị quản lý tuyến đường buộc phải làm nhiều gờ giảm tốc độ và cắm hàng loạt biển báo hạn chế tốc độ phương tiện từ 100km/h xuống 40km/h tại một số vị trí.

Điều này đang gây bức xúc cho người dân khi bỏ tiền phí rất cao để được đi đường đẹp, tốc độ nhanh nhưng lại phải chấp nhận đi đường xấu với tốc độ chậm hơn.

Một số lái xe đã yêu cầu đơn vị chủ quản cần phải xem xét lại giá vé (từ 100 nghìn đến 280 nghìn đồng/lượt) mà hệ thống trạm thu phí tuyến đường đang áp dụng.

“Chúng tôi chấp nhận trả phí cao để đi đường đẹp tốc độ nhanh chứ không phải trả phí để đi đường xấu tốc độ chậm và thiếu an toàn. Nếu đơn vị thi công không cho sửa đường sớm chúng tôi thà đi đường QL.1A cũ còn hơn để đỡ tốn phí”, anh Lê Văn Minh, lái xe khách của nhà xe Minh Khánh thường chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hoá cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Văn (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN