Khát khao sống của người có "H”

Chỉ một phút nông nổi, một lần chủ quan, họ đã dính HIV để rồi cả cuộc đời họ và những người thân phải sống trong buồn đau, tủi nhục. Nhưng từ tận cùng nỗi đau, họ vẫn vượt lên để sống, để yêu thương và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, cảnh tỉnh mọi người đừng sa bước như họ.

Những lầm lỡ chết người

Chúng tôi gặp N.V.D (SN 1979, trú ở Thanh Trì, Hà Nội) trong một lần anh đi lấy thuốc ARV định kỳ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người nhiễm HIV ở quận Tây Hồ. Ngồi trong một góc phòng kín, D. đã trải lòng câu chuyện về một thời tuổi trẻ nông nổi.

D. bị nghiện ma túy trong một lần bỏ nhà đi bụi cùng bạn bè, khi mới 20 tuổi. “Mình bị nghiện nhưng không ai biết, vì mình chạy xe ôm để lấy tiền nướng vào ma túy. Lúc không có tiền, mình bán xe rồi đi phụ vữa lấy tiền chơi ma túy. Hút được khoảng hơn một năm thì mình chuyển sang tiêm chích”. D. kể.

Năm 23 tuổi, D. lấy vợ - một cô gái đẹp người đẹp nết vốn là con của người bạn đồng ngũ với bố anh. Có vợ hiền, con ngoan, D. đã có ý định từ bỏ “nàng tiên nâu”, nhưng không đủ quyết tâm khi đám bạn nghiện ngập vẫn rủ rê, lôi kéo. Một lần đi kiểm tra sức khỏe để lấy xác nhận xin việc, D. mới bàng hoàng nhận kết quả nhiễm HIV. “Lúc ấy, vợ mình khóc nức nở, bỏ ăn mấy ngày, còn mình định nhảy lầu chết quách cho xong. Chắc mình bị dính HIV trong một lần dùng chung bơm kim tiêm với bạn”, D. nghẹn lời.

Còn anh T.V.N (34 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) lại bị nhiễm HIV trong một lần quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm cách đây hơn 8 năm. Điều đáng nói là N. vốn là một dược sỹ, làm việc tại một phòng mạch tư nhân, thừa kiến thức y học để nhận biết các con đường lây nhiễm HIV mà vẫn chủ quan để rồi tự rước căn bệnh thế kỷ vào mình. “Ngày ấy, mình kiếm được nhiều tiền nên thường hay tụ tập bạn bè nhậu nhẹt rồi rủ nhau đi “đổi gió”. Một lần duy nhất mình quyết định không dùng bao cao su vì chủ nhà nghỉ giới thiệu là “hàng sạch”. Vậy mà mình lại dính HIV chính lần ấy”, N. cay đắng chia sẻ.

Phải đi cấp cứu trong một lần bị ốm, N. bàng hoàng khi nhận kết quả xét nghiệm máu dương tính với HIV. Biết tin ác, bố mẹ anh ngất lịm, ốm liệt giường gần một tháng trời, còn cô người yêu cũng dứt tình ngay. Ra viện để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, N. mất việc ở phòng mạch. Một lần dại dột đủ khiến cuộc đời N. mất trắng, rơi vào tăm tối.

Khát khao sống của người có "H” - 1

Anh N.V.D từng định nhảy lầu tự tử khi biết mình bị nhiễm HIV

Khát khao sống tích cực!

Sau khi biết chồng bị HIV, vợ D. cũng đi xét nghiệm và nhận được kết quả đã mắc HIV. Những ngày tháng vật vã để chấp nhận “án tử” cũng qua, vợ chồng D. vẫn phải sống, nuôi con. Hai vợ chồng buôn lẵng cắm hoa cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận. D. nhẩm tính: “Mỗi tháng trừ chi phí, vợ chồng mình cũng để ra được khoảng chục triệu đồng. Số tiền này mình muốn tích cóp lại để sửa sang căn nhà và làm vốn cho cậu con trai chuẩn bị bước vào lớp Một”. Con trai D. phải đi học nhờ ở xã khác để tránh sự kỳ thị. Sức khỏe yếu, thời tiết nóng nực, lại phải làm việc vất vả nên vợ D. xanh như tàu lá. D. cho biết: “Mình hối hận lắm. Vợ mình chưa phải điều trị bằng thuốc ARV nhưng dạo này yếu lắm. Giờ vợ chồng như này, phải dựa vào nhau mà sống thôi. Mình tàn nhưng không phế. Lao động vất vả giúp mình quên đi nỗi lo âu, buồn chán. Còn sức ngày nào thì vợ chồng mình cố tích cóp để còn có vốn cho con sau này...”.

Về phía T.V.N, nghe tin một vài người bạn có mặt cùng trong những chuyến “đổi gió” đã mất vì căn bệnh thế kỷ, anh càng muốn được cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời. Đầu năm 2008, anh bắt đầu công việc chăm sóc sức khỏe cho gần 70 người nhiễm HIV khác được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm tại quận Tây Hồ. Mỗi ngày anh đi gặp 4 người đồng cảnh thăm khám, tư vấn cách dùng thuốc và cả thay đồ cho những người bị ốm liệt giường. Gặp mỗi người là một câu chuyện buồn khác nhau khiến anh ám ảnh mãi không nguôi. “Mình không thể nào quên một cậu bạn ở Đông Anh, thuộc diện con nhà khá giả. Những ngày cuối đời, cậu này phải ở nhờ nhà bác. Mình đến thăm khám định kỳ đúng lúc cậu ấy vừa mất. Thấy vậy, mình cõng cậu ấy từ tầng 4 xuống bắt taxi vào nhà xác bệnh viện mà chỉ dám nói là bị ngất, phải đưa đi cấp cứu vì sợ mang tiếng”. Theo N., tham gia giúp đỡ những người đồng cảnh là một cách để anh tìm niềm vui sống, để tự thân hòa nhập với cộng đồng.

D. từng là thành viên của nhóm Sắc màu nhân ái – nơi có hơn 20 người đang điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ở quận Tây Hồ cùng tham gia. Ngoài nhóm của D., hơn 40 người có HIV khác cũng sinh hoạt ở nhóm Sóng Tây Hồ và Hoa đồng nội. Tuy nhiên, cả 3 nhóm này đã phải ngừng hoạt động hơn một năm nay vì số tiền tự đóng góp đã hết trong khi không có nguồn hỗ trợ. “Trước ai trong nhóm bị ốm thì mọi người gọi nhau đi thăm hỏi, rồi người mất còn được thắp nén hương. Giờ chẳng còn có những buổi chia sẻ với nhau cách dùng thuốc ARV, cách hòa nhập cộng đồng...”, D. tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Khánh (Báo Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN