Khánh Hòa: Công bố bia chủ quyền quần đảo Trường Sa

Sáng 17/7, Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết và địa điểm lưu niệm tàu C235 (Đường Hồ Chí Minh trên biển).

Nằm trên địa bàn xã đảo Ninh Vân, Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), địa điểm lưu niệm tàu C235 (thuộc đoàn tàu không số huyền thoại gắn với đường Hồ Chí Minh trên biển) hiện đang lưu giữ xác một phần con tàu C235- một trong những con tàu không số huyền thoại trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đêm 29/2/1968, tàu C235 và 21 cán bộ chiến sĩ trên tàu đã vận chuyển vũ khí tiếp tế cho chiến trường khu V, đến vùng biển Hòn Hèo thì bị máy bay địch phát hiện.

Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã vượt qua vòng vây, cập bến Hòn Hèo để chuyển vũ khí đến nơi an toàn, sau đó thủy thủ đoàn đã cho tàu C 235 chạy xuống Nam Đầm Vân (nay là xã Ninh Vân) nhằm giữ bí mật không lộ vị trí thả hàng.

Tàu chiến và máy bay địch vây hãm, bắn hỏng máy chính tàu C235 và nhiều chiến sĩ bị thương, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã lệnh cho các cán bộ, chiến sĩ rút và cho nổ tàu để xóa dấu vết. 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 đã hi sinh tại Hòn Hèo.

Khánh Hòa: Công bố bia chủ quyền quần đảo Trường Sa - 1

Cột mốc chủ quyền tại đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa.

Năm 1993, Lữ đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Hải quân) cùng chính quyền địa phương đã xây dựng bia tưởng niệm 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 ngay núi Bà Nam trên khu vực Hòn Hèo tại nơi một phần của vỏ tàu C235 nổ tung rớt xuống.

Ngày 26/4/2014, Bộ VHTT&DL đã xếp hạng địa điểm này là di tích lịch sử quốc gia.

Được xây dựng từ tháng 8/1956, bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây (vĩ độ 110 25’55’’ và kinh độ 114018’00’’ đông, thuộc xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa) và tại đảo Nam Yết (vĩ độ 10010’45’’ bắc và kinh độ 114022’00’’ đông, thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa) do phái bộ quân sự của Việt Nam cộng hòa thiết lập.

Trên thân các bia vẫn còn lưu giữ những dòng chữ khắc “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22 tháng 8 năm 1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam” khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Khánh Hòa: Công bố bia chủ quyền quần đảo Trường Sa - 2

Xác tàu C235 tại xã Ninh Vân, Thị xã Ninh Hòa.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đã ngày đêm bảo vệ, tôn tạo, xây dựng bia chủ quyền quốc gia trên quần đảo.

Ngày 13/6/2014, Bộ VHTT&DL đã quyết định xếp hạng Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa ở đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là di tích lịch sử quốc gia nhằm khẳng định giá trị lịch sử và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.

“Chúng ta cũng luôn nhận thức đầy đủ về ý nghĩa thiêng liêng của những di tích là cột mốc xác định chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, rất nhiều tư liệu văn tự và các bằng chứng vật chất khác hiện đang được gìn giữ, chính là những bằng chứng xác thực giúp chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở lịch sử để tiếp tục theo bước cha ông trong cuộc bảo vệ non sông. Hai tấm bia chủ quyền được xây dựng trên đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết thực sự là những bằng chứng lịch sử quan trọng vì ở đó đã khắc ghi cụ thể việc quản lý liên tục và toàn diện của Việt nam đối với quần đảo Trường Sa”- Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ông Hoàng Tuấn Anh khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Văn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN