Indonesia: Cảnh sát đối đầu cơ quan chống tham nhũng
Cuộc đối đầu giữa lực lượng cảnh sát và cơ quan chống tham nhũng Indonesia là một phép thử đầy khó khăn đối với tân Tổng thống Joko Widodo.
Ngày 23/1, cảnh sát Indonesia tuyên bố bắt giữ ông Bambang Widjojanto, Phó Chủ tịch Ủy ban Loại trừ Tham nhũng (KPK) của nước này với tội danh xúi giục nhân chứng cung cấp lời khai giả trong một vụ điều tra năm 2010, làm dấy lên căng thẳng giữa hai cơ quan hành pháp vốn đã có nhiều mâu thuẫn từ trước.
Vụ bắt giữ này được thực hiện chỉ một tuần sau khi KPK đưa tướng cảnh sát Budi Gunawan vào danh sách nghi phạm nhận hối lộ, một động thái buộc Tổng thống Indonesia Joko Widodo phải tạm ngừng quyết định bổ nhiệm ông Gunawan làm Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Indonesia.
Ông Bambang Widjojanto, Phó Chủ tịch Ủy ban Loại trừ Tham nhũng Indonesia
Trước đó, ông Widodo đã đề cử tướng Guanwan vào vị trí đứng đầu lực lượng cảnh sát theo kiến nghị của Ủy ban Cảnh sát Quốc gia, và đề cử này đã được quốc hội Indonesia thông qua. Tuy nhiên, việc KPK đưa tướng Gunawan vào danh sách nghi phạm nhận hối lộ đã buộc ông Widodo phải đình chỉ quyết định bổ nhiệm.
Tướng Gunawan hiện đang là người đứng đầu cơ quan đào tạo cảnh sát và là một nhân vật chính trị nổi tiếng, có quan hệ thân cận với cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri, lãnh đạo đảng chính trị của ông Widodo.
Động thái nhuốm màu sắc trả đũa này cũng đã làm bùng lên cuộc đối đầu giữa lực lượng cảnh sát vốn đầy điều tiếng tham nhũng của Indonesia với KPK, một cơ quan độc lập nổi tiếng là vũ khí chống tham nhũng sắc bén của nước này.
Việc giải quyết cuộc đối đầu giữa cảnh sát và KPK là một phép thử đầy khó khăn đối với Tổng thống Widodo, người vừa mới nhậm chức hồi tháng Mười và đã cam kết sẽ quét sạch nạn tham nhũng ra khỏi chính phủ.
Cảnh sát Indonesia phát lệnh bắt ông Widjojanto vì nghi ngờ ông này đã xúi giục một nhân chứng cung cấp lời khai giả trước Tòa án Hiến pháp khi ông này còn là một luật sư vào năm 2010.
Người phát ngôn cảnh sát Indonesia Ronny Sompie tuyên bố: “Điều này dựa trên cuộc điều tra, trong đó chúng tôi phát hiện 3 bằng chứng chống lại ông Widjojanto gồm các nhân chứng, tài liệu và lời khai của chuyên gia”.
Ngay lập tức, người dân Indonesia đã phản đối lệnh bắt của cảnh sát Indonesia và thể hiện sự ủng hộ đối với KPK trên mạng xã hội. Nhiều người dân cũng đã tập trung bên ngoài trụ sở của KPK ở Jakarta để ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng và hô vang khẩu hiệu: “Hãy cứu lấy KPK”.
Theo thông tin từ KPK, hiện cảnh sát Indonesia đã đồng ý thả tự do cho ông Widjojanto, và các quan chức KPK sẽ gặp gỡ Tổng thống Indonesia để thảo luận về vụ bắt giữ này.
Năm 2012, cảnh sát Indonesia cũng đã tìm cách bắt giữ một điều tra viên hàng đầu của KPK ngay sau khi cơ quan này thẩm vấn một chánh thanh tra cảnh sát vì tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, khi hàng trăm người ủng hộ KPK tuần hành, ngăn chặn cảnh sát thực hiện vụ bắt giữ, cảnh sát đã phải nhượng bộ và hủy lệnh bắt.