Huyền thoại vua voi Khunjunop
Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng không còn nữa, các vua voi cũng lần lượt về với ông bà. Tuy nhiên, đến nay những hồi ức về vua voi Khunjunop được hậu duệ ông kể lại vẫn ly kỳ.
Vị tù trưởng hùng mạnh
Vào huyện Buôn Đôn, du khách thường đến thăm nghĩa địa của dòng họ vua voi. Cách tỉnh lộ 1 khoảng 500m, men theo con đường bê tông lối vào Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn là đến khu mộ.
Tại đây, ngoài dòng chữ về năm sinh năm mất khắc trên các bia mộ còn có ghi thêm “bản thành tích” săn voi của các gru (dũng sĩ săn voi rừng). Ở trung tâm nghĩa trang là mộ của vua voi Khunjunop và R’Leo K’Nul bề thế.
Tôi may mắn gặp Amí Phương, buôn trưởng Buôn Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk - cháu nội của vua voi R’leo, chắt ngoại vua voi Khunjunop).
Amí Phương bảo: “Mấy năm nay, kẻ xấu hay vào khu mộ trộm cắp các tượng chạm khắc hình chim công, mặt người nên gia đình đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây tường bảo vệ”.
Theo Amí Phương, vua voi Khunjunop tên thật là Y Thu K’Nul, là người đã khai sinh Bản Đôn và có công lớn trong buổi đầu tạo lập nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng với trên 400 con.
Vợ chồng Amí Phương và bức ảnh vua voi
Thời bấy giờ, ông là tù trưởng hùng mạnh nhất trên đất Tây Nguyên, có rất nhiều của cải và tiền bạc.
Ông tập hợp những gru tài giỏi nhất Bản Đôn như R’leo, Y Keo, Ama Kông… Ông đầu tư tiền của cho các gru này vào rừng săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Với tài giao thương giỏi, quan hệ rộng, ông đưa hàng hóa, voi rừng săn được sang Lào, Thái Lan… trao đổi, buôn bán.
Trong đó, Thái Lan là nước ông đặt mối quan hệ làm ăn thân thiết nhất. Ông đã tặng cho vua Thái Lan một con bạch tượng và được phong tặng danh hiệu vua voi Khunjunop.
Tượng vua Khunjunop tại Thác Bảy Nhánh
Vua voi Khunjunop không chỉ giàu mà còn có uy. Ngay cả người Thái, người Pháp khi đến gặp ông đều phải chắp tay cúi chào từ chân cầu thang, lúc về cũng vậy nên ông còn được gọi là “Người tướng chào”.
Ông không cho phép buôn bán nô lệ hay bắt trai tráng đi lính cho Pháp, nếu không xin được thì ông dùng tiền để trao đổi.
Ngay cả việc người Pháp muốn lập đồn ở Bản Đôn, ông cũng không tán thành, tìm nhiều cách để ngăn cản.
Hàng đêm, ông cho thanh niên trong bản nấu nước sôi tưới vào các gốc cây, rau màu, làm cho cây chết khô rồi nói với họ là đất đai ở đây xấu lắm không lập đồn được.
Khunjunop tiền nhiều đến nỗi phải xây một kho riêng để đựng. “Trong thời kỳ chiến tranh chống phát xít Đức, người Pháp đã đến mượn tiền của ông để mua vũ khí, giữa hai bên có ghi giấy mượn tiền hẳn hoi. Các giấy này được ông bỏ ống lồ ô gác trên mái nhà, có lần buôn bị cháy, nhà ông cũng cháy theo nên giấy ghi nợ không còn. Không bị cháy, số tiền đó đến giờ mà đòi người Pháp trả có thể nuôi được người dân tỉnh Đắk Lắk cả năm!” – Amí Phương hóm hỉnh nói.
Nghề truyền thống không thể giữ
Theo lời kể, vua voi Khunjunop có “một mẹ, hai cha” – mẹ gốc Lào, cha ruột người M’Nông, cha nuôi người Lào. Ngay từ lúc mới sinh ra, ông đã được người dân tương truyền về huyền thoại là con thần linh chứ không phải người thường.
“Lúc mang thai vua voi, mẹ ông chuyển dạ 3 ngày 3 đêm nhưng không đẻ được. Đến khi nghe tiếng chuông ngựa reo bay quanh nhà thì vua voi mới được sinh ra. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, gan dạ nhất Bản. Có lần mẹ ông bị người ta bắt cóc đưa sang Campuchia nhốt trong hang đá, ông đã huy động người đi giải cứu về sau đó đưa cả gia đình về khu vực Thác Bảy Nhánh sinh sống (nay là khu du lịch Bản Đôn) lập buôn và đặt tên Bản Đôn. Khi giàu có, ông cấp đất, voi cho người dân làm ăn, phát triển kinh tế”, Amí Phương cho biết.
Hiện, gia đình Amí Phương còn lưu giữ một số kỷ vật về các vua voi. Trong đó có nhiều hình ảnh liên quan đến vua voi và chiếc ô bạc quí giá của vua để lại.
Theo bà, ô bạc là vật dùng để cúng cho voi, cầu thần linh trong các lễ cúng tế quan trọng. Đáng tiếc là nhiều vật quý như huy hiệu bằng vàng do vua Bảo Đại tặng, gậy vàng của vua Thái Lan… đều được chôn cất cùng vua voi Khunjunop.
Trong đời, Khujunop săn và nuôi dưỡng được ba con bạch tượng: một con tặng vua Thái, con Tặng vua Bảo Đại và một con tặng cho người Pháp.
Sau Khujunop, các vị vua kế cận như R’Leo K’Nul (săn và nuôi dưỡng hơn 300 con voi), Ama Kông (săn bắt 298 con)… đều tài năng và tiếng tăm lẫy lừng.