Hướng dẫn viên bị khách trả: Hậu quả từ việc “chiến đấu” độc lập!
Theo Chủ tịch CLB Hướng dẫn viên (HDV) du lịch Đà Nẵng thì HDV “chiến đấu” độc lập. Một mình ở trên xe, họ có thể làm tất cả mọi thứ, kể cả trường hợp họ làm theo bản năng, theo cá tính, cá nhân!
Một mình HDV trên xe có thể làm mọi thứ!
Sau khi báo Infonet đăng bài “Khách đến Đà Nẵng đòi thay ngay hướng dẫn viên vì... hôi”, nhiều bạn đọc đã bày tỏ bức xúc trước việc một số hướng dẫn viên (HDV) du lịch thay vì làm tốt vai trò “đại sứ” thì lại làm xấu hình ảnh du lịch Đà Nẵng nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương trong vấn đề này như thế nào?
Theo ông Trần Trà, Chủ tịch CLB HDV du lịch Đà Nẵng, một mình ở trên xe với khách, HDV có thể làm mọi thứ và không loại trừ những trường hợp làm theo bản năng, cá tính, cá nhân! (Ảnh: HC, ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Ông Trần Trà, Chủ tịch Câu lạc bộ HDV du lịch Đà Nẵng bày tỏ, ông rất buồn khi thấy hai du khách Tây Ban Nha chụp ảnh người HDV mà họ đòi phải thay ngay rồi đưa lên mạng “cho cả thế giới biết”. “Trách nhiệm về vấn đề này liên quan đến tất cả chúng ta!” – ông Trần Trà nói.
Nơi liên quan đầu tiên, theo ông, là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Cần phải có biện pháp quản lý, giám sát để các HDV khi thực thi nhiệm vụ thì tác phong nghiêm túc, chuyên môn tập trung chu đáo, đúng tiêu chuẩn HDV du lịch quốc tế. Không thể như người HDV vừa nêu, vừa đi hướng dẫn, vừa đi shopping, thậm chí không phải dắt khách đi shopping mà tự mình đi shopping cho mình!
Tuy nhiên, ông Trần Trà cũng nêu rõ thực tế, các công ty lữ hành đang rất cố gắng thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam nhưng họ không thể quản lý được mọi góc cạnh, nhất là đối với công tác HDV. Do lẽ, người HDV “chiến đấu” độc lập, một mình trên xe với khách họ có thể làm tất cả mọi thứ. Tất nhiên là theo quy định song cũng không loại trừ những trường hợp họ làm theo bản năng, theo cá tính, cá nhân của mình.
Không ai quản lý, chẳng có chế tài!
“Để đảm bảo chắc chắn du khách nhận được những dịch vụ tốt nhất, những thông tin tốt nhất về đất nước, con người Việt Nam thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải tăng cường công tác quản lý” – ông Trần Trà nhấn mạnh. Nhưng tăng cường như thế nào lại là vấn đề không đơn giản.
Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Cao Trí Dũng, các HDV khi đã được cấp thẻ thì coi như không ai giám sát, chẳng có chế tài. Họ đi cho công ty này mà kém, thiếu trách nhiệm, làm mất hình ảnh điểm đến, quá lắm chỉ bị công ty đó cắt, không gọi nữa. Thế thì họ lại đi cho công ty khác. Với việc quản lý HDV như hiện nay, theo ông Cao Trí Dũng, sẽ khiến các điểm đến nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung bị ảnh hưởng rất nhiều!.
Do vậy, ông đề nghị Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đề xuất chính thức với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam về Quy chế quản lý tập trung HDV cũng như quản lý đối với các đơn vị sử dụng HDV. Hiện lực lượng HDV không có ai là đơn vị chủ quản, trừ một số HDV thuộc biên chế các công ty lữ hành. Tuy nhiên số này rất ít vì các hãng lữ hành cũng cân nhắc về hiệu quả sử dụng HDV biên chế nên chủ yếu họ sử dụng cộng tác viên.
Trước mắt, ông Trần Trà cho rằng cần có sự kết hợp giữa các công ty lữ hành, CLB HDV, Hiệp hội Du lịch với du khách. Sau mỗi chuyến tham quan du lịch, tổ chức cho du khách nhận xét về chất lượng dịch vụ nói chung, trong đó có chất lượng dịch vụ HDV. Qua đó các đơn vị, tổ chức liên quan có thể chắc lọc, đánh giá lại chất lượng dịch vụ du lịch, trong đó có chất lượng về HDV du lịch để có sự điều chỉnh, uốn nắn kịp thời.
Bồi dưỡng kiến thức chỉ để hợp thức hóa!
Bên cạnh đó, ông Trần Trà kiến nghị Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cần tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho HDV. Theo báo cáo của Sở này, từ năm 2012 đến nay đã tổ chức 10 lớp bồi dưỡng kiến thức cho 462 HDV với các nội dung theo khung chương trình quy định của Tổng cục Du lịch. Đồng thời phối hợp với CLB HDV du lịch tổ chức các chương trình ngoại khóa giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa HDV có kinh nghiệm với HDV trẻ...
Tuy nhiên ông Trần Trà cho rằng: “Việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho HDV lâu nay chẳng qua để hợp thức hóa, để đủ, đúng quy định của nhà nước chứ chưa thực sự “gãi đúng chỗ cần gãi”, chưa đi vào cái HDV cần. Đồng ý là mỗi năm có ít nhất vài ba lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho HDV nhưng chưa thỏa mãn nhu cầu thực tế của HDV!”.
Theo ông, nhiều khi giảng viên dạy nhưng HDV không quan tâm vì thấy không phù hợp. Giảng viên nói không đúng, không thực tế, không sát với công việc của HDV. Cho nên nhiều HDV chỉ ráng tới lớp ngồi đủ 3 ngày để lấy giấy chứng nhận phục vụ việc đổi thẻ HDV về sau. Do dạy và học như vậy nên không thể áp dụng vào thực tế là điều dễ hiểu!
Trong khi đó, HDV lão làng Hồ Văn Thường (trú tại 242/16 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, năm nay 65 tuổi, làm nghề HDV du lịch tiếng Tây Ban Nha đã 21 năm) cho hay, không chỉ HDV tiếng Tây Ban Nha mà kể cả HDV tiếng Anh, tiếng Pháp hiện nay đều gặp khó khăn lớn nhất là thiếu tài liệu phù hợp về các điểm tham quan, du lịch.
“Đơn cử như Bảo tàng điêu khắc Chăm, điểm tham quan nổi bật ở miền Trung. Có khá nhiều tác giả viết về điểm đến này nhưng quá tỉ mỉ. Tây cần gì biết tên này, tên khác của các vị thần. Họ chỉ cần mình hệ thống lại, nói thế nào để họ có thể hiểu người Chăm từ đâu ra, văn hóa của người Chăm là gì, lịch sử của người Chăm ra sao... Không ai viết hết. Nên các HDV đi hướng dẫn mà kiến thức rất ít, nhất là các HDV trẻ!” – ông Thường nói.