Họp khẩn ứng phó việc vỡ đập thủy điện ở Lào, mưa lũ dồn dập

Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chiều nay (25-7), đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp ứng phó trước việc Lào bị vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy và diễn biến mưa lũ đang rất nguy hiểm.

Bộ trưởng, Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường yêu cầu rà soát hồ thủy lợi, thủy điện. Video: Văn Duẩn

Chiều nay 25-7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Can Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, đã triệu tập cuộc họp khẩn với các thành viên ban chỉ đạo để bàn biện pháp ứng phó trước việc Lào bị vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy và diễn biến mưa lũ đang diễn ra rất nguy hiểm.

Họp khẩn ứng phó việc vỡ đập thủy điện ở Lào, mưa lũ dồn dập - 1

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp chiều 25-7. Ảnh: Văn Duẩn

Đánh giá về thiên tai năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thiên tai hiện nay đang rất cực đoan, thường sau các đợt nắng nóng là mưa lớn. Có thể khẳng định mưa lớn trên toàn vùng thời gian qua đã khiến 110 người chết, tổng thiệt hại kinh tế gần 3.600 tỉ đồng.

Nguy hiểm hơn, tất cả rừng và đất rừng ở nước ta đã no nước, bất kỳ chỗ nào có mưa từ 100-150 mm đều gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây ra tổn thương nghiêm trọng. Nhiều thiết chế hạ tầng quá tải, nhất là hơn 1.000 hồ chứa thuỷ lợi xuống cấp nghiêm trọng, chưa được sửa chữa.

"Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một loạt đê cấp 1, 2, 3 tổn thương ghê gớm như vậy, ẩn họa khôn lường"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quan ngại.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi cử ngay các đoàn công tác tiếp tục rà soát các hồ có nguy cơ cao bị sự cố. "Hồ nào không có khả năng an toàn khi tích nước thì kiên quyết không cho tích, chứ nếu không bị sự cố giống thủy điện của Lào là rất nguy hiểm". 

Đối với các hồ thủy điện, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Bộ Công Thương tổng kiểm tra lại ngay 285 hồ chứa, trong đó phải đặc biệt lưu ý các hồ thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các địa phương cấp tỉnh. "Nếu xảy ra hậu quả, nguy cơ cao chính là ở các hồ thủy điện nhỏ. Còn các thủy điện lớn thì đã có quy trình vận hành, rồi cả Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung vào, nên nguy cơ rủi ro rất ít"- ông Cường nói.

Trước đó, trả lời Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cho biết đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy đang trong quá trình thi công, đã bắt đầu tích nước. 

Họp khẩn ứng phó việc vỡ đập thủy điện ở Lào, mưa lũ dồn dập - 2

Nước đã rút dần nhưng giao thông vẫn bị chia cắt tại khu vực hạ du vỡ đập ở Lào. Ảnh: Nam Phong

Dung tích thiết kế là 1,034 tỉ m3. Lượng nước tích được hiện nay chưa ai xác định được nên chưa thể có thông số chính xác lượng nước tràn ra khi vỡ đập. Tuy nhiên, ước đoán khi nước vỡ đập ở Lào về đến Tân Châu, Châu Đốc (An Giang), có thể mực nước ở khu vực này sẽ dâng lên khoảng 5 cm so với hiện nay.

Với khoảng cách 650 km, theo tính toán, thời gian nước từ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ về đến Việt Nam khoảng 5-6 ngày.

Quân đội Việt Nam sang giúp Lào cứu hộ, cứu nạn

Thông tin về sự cố vỡ đập thuỷ điện ở Lào, đại tá Lê Hồng Quang, đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết chiều 24-7, Thủ tướng đã họp về vỡ đập thuỷ điện ở Lào, đồng thời sắp xếp huy động lực lượng để hỗ trợ các bạn Lào trong vấn đề cứu nạn, cứu hộ. "Ngay sáng 25-7, chúng tôi đã phối hợp với quân khu 5 để sang Lào tổ chức cứu hộ cứu nạn, đưa cả trang thiết bị sang hỗ trợ, sau đó sẽ bàn giao các thiết bị máy móc cứu nạn này cho Lào tiếp nhận"- đại tá Quang cho biết. 

Người Việt nơi vỡ đập thuỷ điện Lào sống ra sao?

Chiều 24/7, PV Báo Giao thông đã liên lạc được với người Việt vùng rốn lũ vụ vỡ đập thuỷ điện ở Lào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Thảm họa vỡ đập thủy điện ở Lào Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN