Hơn 5.000 người nhập viện vì ẩu đả: Từ chiếu rượu đến võ đài
Trong 5.121 người nhập viện vì đánh nhau trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, có 13 người đã tử vong do chấn thương quá nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 (từ 28 tháng Chạp đến mùng 7 Tết), trên cả nước đã có tổng cộng 5.121 người nhập viện vì đánh nhau. Trong đó, số người bị nạn đã được xác định danh tính là 1.437 người, và có 13 trường hợp tử vong do chấn thương quá nghiêm trọng.
Ở các năm trước đó, Tết 2012 có gần 4.000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, dịp Tết 2013 cả nước có hơn 4.700 trường hợp, và Tết 2015 cả nước có 6.200 trường hợp.
Một số bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện trong kỳ nghỉ Tết. (Ảnh: Hằng Đỗ)
Trước con số “khủng” về số người nhập viện vì đánh nhau và dẫn tới nhiều cái chết… lãng xẹt, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) về những vấn đề xoay quanh văn hóa, lối sống dẫn tới hệ lụy trên.
Nhìn vào các con số trên, cảm nhận và suy nghĩ đầu tiên của ông là gì, thưa ông?
Mời rượu không uống, lời qua tiếng lại đánh nhau; đứng chen lấn mua vé, va chạm không nói lời xin lỗi đánh nhau; nhìn đểu, nói lớn tiếng hay nặng lời cũng có thể xảy ra đánh nhau,…
Sâu thẳm của vấn đề chính là hung tính của con người đã bị đẩy lên đỉnh điểm của sự thiếu kiểm soát. Đó là điều tôi và nhiều người đều trăn trở và quan ngại.
Cái đau nhất mà tôi thấy chính là nhiều người trong cùng gia đình, dòng tộc hay bạn bè thân thiết tham gia các trận thư hùng sau sự giận hờn không đáng đó. Rõ ràng, đó là biểu hiện tiêu cực trong ứng xử cũng như sự chông chênh trong hành vi của con người. Ở một góc độ khác, chúng ta dễ nhận thấy nhân cách nhiều người dường như khác hoàn toàn so với những nét đẹp lung linh bên ngoài.
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới những vụ việc như vậy?
Sự hung hãn, dã man của hành vi bạo lực minh chứng cho sự bế tắc trong văn hóa ứng xử và tính nhân văn của con người. Theo tôi, việc không nghĩ đến nỗi đau của người khác (cũng như của chính mình), chủ quan trong hành xử, thiếu tình người, thiếu sự cân nhắc,… là những nguyên nhân dẫn tới hành vi đánh nhau. Nó cho thấy một thực tế rất đau lòng trong văn hóa sống rất thô của một số người Việt.
Tất nhiên, không thể không nhắc tới vai trò của men bia, men rượu trong việc góp phần kích thích con người có hành động thiếu kiểm soát.
Ông có lời khuyên nào dành cho mọi người để hành xử có văn hóa hơn cũng như tránh gây ra các vụ ẩu đả?
Kỹ năng quản lý cảm xúc là khả năng con người tự nhận biết và tự điều khiển, điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Theo những quy luật tâm lý, khi một người để cảm xúc vượt mức kiểm soát, họ thường chuyển cảm xúc của mình sang những đối tượng liên quan hoặc không liên quan đến nguyên nhân gây ra cảm xúc đó.
Lúc này, họ chỉ có mong muốn duy nhất là làm sao để giải tỏa. Và họ thường có suy nghĩ sẽ dùng lời nói hoặc hành động để gây tổn thương cho những đối tượng thậm chí không liên quan đến cảm xúc của bản thân.
Vì vậy, mỗi người cần ý thức hậu quả, kiềm chế cảm xúc, dùng phản ứng tự vệ tâm lý, dùng kỹ năng khống chế tạm thời cảm xúc để không đẩy mình vào trạng thái nóng giận, hung hăng và bạo lực. Ngoài ra, cũng cần sống lành mạnh, giữ tinh thần vui vẻ, yêu đời, hạn chế lạm dụng bia, rượu.
Hình ảnh đẹp đẽ của Tết Nguyên đán liệu có bị ảnh hưởng sau hàng loạt vụ việc ẩu đả, đánh nhau như vậy, thưa ông?
Cần nhìn nhận rằng không phải chỉ có dịp Tết Nguyên đán mới xảy ra vấn đề này. Vì thế, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ chứ không phải không thực hiện được hay không quản lý được thì cấm hay bỏ. Điều đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng, của những cá nhân và tổ chức có trách nhiệm.
Riêng tôi, tôi nghĩ còn đó rất nhiều nét đẹp của lễ, tết mà nhiều người chúng ta vẫn nhìn thấy. Cần công bằng nhìn nhận và có thái độ rõ ràng, dứt khoát để tiếp tục tôn vinh cái đẹp, phê phán cái xấu nhằm trả lại những giá trị tuyệt vời của ngày xuân, ngày Tết cho cộng đồng, con người trong cuộc sống.