Hội nghị Trung ương 7 bàn nhiều vấn đề hệ trọng

Sự kiện: Thời sự

Hội nghị Trung ương 7 sẽ tập trung bàn, cho ý kiến đối với 3 đề án quan trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách BHXH.

Hôm nay (7-5), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII (Hội nghị Trung ương 7) chính thức khai mạc.

Xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm

Tại hội nghị lần này, trung ương sẽ tập trung thảo luận về các đề án: "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; "Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" và "Cải cách chính sách BHXH".

Trong đó, đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" do ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức trung ương - làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng. Gần 2 năm qua, hàng loạt công việc đã được tiến hành từ trung ương tới địa phương để có đề án cuối cùng trình Hội nghị Trung ương 7. Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này nhằm ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" (tháng 6-1997).

Hội nghị Trung ương 7 bàn nhiều vấn đề hệ trọng - 1

Hội nghị Trung ương 7 sẽ bàn về cải cách chính sách BHXH. Trong ảnh: Người lao động làm thủ tục BHXH tại cơ quan BHXH TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đề án được xây dựng trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII và những đề xuất, kiến nghị của 128 cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương.

Ngoài ra, dự kiến Hội nghị Trung ương 7 cũng sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017; công tác cán bộ.

Dự kiến, Hội nghị Trung ương 7 sẽ làm việc 1 tuần, bế mạc vào ngày 12-5.

Chuẩn bị 600 cán bộ cấp cao

Đáng chú ý, Vụ trưởng Vụ 4 (theo dõi các cơ quan trung ương) của Ban Tổ chức trung ương, ông Phạm Quang Hưng, cho biết đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ" trình Hội nghị Trung ương 7 sẽ bàn về tiêu chuẩn, điều kiện của 600 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 600 cán bộ cấp chiến lược gồm các cán bộ trong Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ trưởng, trưởng các ngành, thứ trưởng, phó trưởng các ngành, bí thư và phó bí tỉnh ủy, chủ tịch UBND và HĐND tỉnh.

Theo ông Phạm Quang Hưng, yêu cầu đối với cán bộ cấp chiến lược là cán bộ lãnh đạo quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng; có lý tưởng, đạo đức nhân sinh quan cách mạng; có ý chí và nghị lực, có khát vọng đưa đất nước phát triển; sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân; có tư duy đổi mới, có tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt nhanh xu thế của thời đại, có khả năng hoạch định chính sách; có trình độ năng lực để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; có khả năng dùng người, biết xây dựng và bảo vệ uy tín của Đảng cũng như hình ảnh của cá nhân; không để các mối quan hệ cá nhân, lợi ích nhóm chi phối trong quá trình công tác.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức trung ương cũng xây dựng bộ tiêu chuẩn cho cán bộ cấp chiến lược và khung tiêu chuẩn chức danh cho từng cán bộ lãnh đạo quản lý. Trên cơ sở đó, các cấp ủy tùy theo từng nhiệm vụ chính trị thì cụ thể hóa. Đề án này cũng ban hành khung yêu cầu nhiệm vụ đối với từng đối tượng cụ thể. Từ đó có thể lựa chọn được cán bộ ưu tú nhất, xuất sắc nhất.

"Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cũng có 3 độ tuổi. Vừa qua bổ nhiệm một số thứ trưởng trẻ, có người dưới 40 tuổi. Đây là nguồn tốt cho việc quy hoạch cán bộ cấp cao hơn trong tương lai" - ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Hưng, đề án lần này đề xuất các quan điểm mới, đồng bộ, toàn diện hơn nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với những mục tiêu cho từng giai đoạn, cho từng đối tượng cụ thể và có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để thực hiện. Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, sát hạch, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ của mình. Xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và học tập ngoại ngữ.

"Thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND" - ông Hưng cho biết.

Không phân biệt người trong hay ngoài Đảng

Ông Phạm Quang Hưng cho biết điểm mới nổi bật là đề án mạnh dạn xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam hay người nước ngoài. Đề án đưa ra cơ chế phát hiện quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để chủ trương "có lên, có xuống", "có vào, có ra".

Tổng Bí thư lần đầu tiên tham gia Đảng ủy Công an Trung ương

Sáng 21/9, Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị Khóa XII về việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN