HN sẽ không dùng máy bay chữa cháy?

“Nên dùng máy bay trực thăng để cứu hộ, cứu nạn thì hiệu quả hơn”, đại tá Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc sở cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, tại phiên chất vấn sáng 5/7.

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC nhận được nhiều câu hỏi từ các vị đại biểu về vấn đề phòng cháy chữa cháy.

Sau vụ cháy, đóng cửa 10 cây xăng

Các đại biểu Vũ Cao Minh, Nguyễn Thị Thùy... tỏ ra lo ngại về những địa điểm kinh doanh xăng dầu, nhất là sau vụ cháy tại cây xăng quân đội trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) hồi đầu tháng 6.

Ông Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề, báo cáo của Sở có nêu, kiểm tra 52 địa điểm kinh doanh xăng dầu, có 34 địa điểm không bảo đảm an toàn. Theo quy định của Luật PCCC, phải đình chỉ ngay.

“Tôi hỏi các đồng chỉ đã đình chỉ chưa? Phải thể hiện trách nhiệm chiến đấu, không chỉ kiểm tra như liên ngành Công Thương, hay Thanh tra... Các ông là người cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh các nguy cơ cao liên quan xăng dầu, ga... các ông cấp thế nào, kiểm tra thu hồi ra làm sao? ”, ông Nam chất vấn.

HN sẽ không dùng máy bay chữa cháy? - 1

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, sau vụ cháy tại đường Trần Hưng Đạo, Sở đã kiểm tra, yêu cầu 8 cửa hàng phải phá dỡ, 2 cửa hàng ngừng kinh doanh. Hiện Sở đang tiếp tục tiến hành kiểm tra đợt 2, đến hết tháng này mới kết thúc và sẽ có nhận xét, đánh giá với từng cửa hàng.

Theo Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, những đơn vị kinh doanh xăng dầu nào không thể khắc phục được đẻ đảm bảo các quy định an toàn về cháy nổ bằng các biện pháp công nghệ sẽ buộc phải di dời.

Không sử dụng máy bay

Các đại biểu Nguyễn Minh Quân, Đặng Đình An, Bùi Đức Hiếu, Nguyễn Thị Quỳnh Anh quan tâm đến phòng chống cháy nổ tại các chung cư cao tầng. Các đại biểu đề nghị cho biết trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng, khả năng cứu hộ hiệu quả của Thành phố...

Trả lời câu hỏi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Nguyễn Văn Sơn cho biết, Hà Nội có 5 xe thang cao 52m, nếu tính theo độ cao thì chỉ lên được tới tầng 15.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi thiết kế xây dựng, các nhà cao tầng đều phải đảm bảo và được cơ quan chức năng thẩm định các yếu tố về kỹ thuật và trang thiết bị PCCC. Theo ông Sơn, ở các nhà cao tầng, cửa thoát nạn bằng thang bộ là quan trọng nhất.

Ngoài ra còn phải đảm bảo cả khối lượng nước chữa cháy, có hệ thống báo cháy tự động để phát hiện cháy sớm...

HN sẽ không dùng máy bay chữa cháy? - 2

Trực thăng chữa cháy đang dập lửa một vụ cháy rừng (Ảnh minh hoạ: Picture Social)

Phó Giám đốc Sở cho biết, nếu đầu tư máy bay trực thăng chữa cháy, Thành phố sẽ đồng ý cho mua. Nhưng dùng máy bay trong trường hợp xảy cháy ở các nhà cao tầng trong các khu đô thị... ngay cả ở nước Mỹ cũng không làm. Bởi vì cháy trong nhà cao tầng, khói và nhiệt lên mạnh, máy bay khi đi vào rất nguy hiểm, có thể rơi máy bay ngay.

“Chúng tôi làm việc với các đơn vị nước ngoài, các chuyên gia Mỹ cũng khuyên, không nên dùng máy bay để chữa cháy. Do vậy, theo tôi, nên dùng máy bay vào cứu hộ, cứu nạn thì hiệu quả”, ông Sơn nói.

Chốt lại phần trả lời chất vấn, ông Sơn cho biết, sẽ từng bước nghiên cứu thêm vấn đề này, báo cáo UBND Thành phố Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN