Hành trình giành lại sự sống ở "lằn ranh sinh tử" cho bệnh nhân COVID-19
Trước “lằn ranh sinh tử” của bệnh nhân mắc COVID-19, những người ở tuyến đầu chống dịch luôn cố gắng níu giữ từng cơ hội sống cho người bệnh, ở nơi được xem là “lá chắn” cuối cùng - Bệnh viện Hồi sức COVID-19 lớn nhất TPHCM.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chuyển đổi công năng từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP.HCM) từ ngày 13-7, với quy mô 1000 giường bệnh. Hơn 10 ngày qua, tại đây, nhân viên y tế của thành phố cũng như từ nhiều địa phương trong cả nước, đang ngày đêm giành lại sự sống cho rất nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch từ tay tử thần.
"Trong dự kiến, có khoảng 100 giường bệnh giành cho bệnh nhân nguy kịch, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, bệnh viện thu dung từ các nơi đã lên đến 120 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trên các lầu trại chúng tôi đã triển khai gần như đã kín hết." - Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết.
"Tình hình này khá tốt, chiều nay có thể rút máy thở, cho thở oxy dòng cao, bệnh nhân này còn trẻ, mới 28 tuổi..." - Bác sĩ Trần Thanh Linh dặn dò đồng nghiệp. Hằng ngày, bác sĩ Linh phải liên tục di chuyển giữa các phòng bệnh, kiểm tra tình trạng bệnh nhân, yêu cầu y bác sĩ bổ sung, thay đổi phương thức điều trị linh hoạt.
"Đây là sản phụ mang song thai 25 tuần, bệnh nhân mới 30 tuổi, 4 ngày trước được báo động đỏ từ bệnh viện Trưng Vương, song thai vẫn còn sống. Sau khi chạy ECMO, sản phụ bước đầu ổn định, nhưng vẫn còn đang trong tình trạng nặng. Lo lắng nhất lớn nhất của chúng tôi đối với bệnh nhân này là phải dùng thuốc trong quá trình điều trị, điều này có thể ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng chúng tôi cũng phải đau đớn chấp nhận để có thể cứu được mẹ lẫn con" - Bác sĩ Linh nói.
Bệnh viện đang có tổng 4 ca chạy ECMO. Đối lập với khung cảnh bình yên bên ngoài, ở bên trong, những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang hằng ngày chống chọi để được sống.
Ca nhẹ chuyển ra, ca nặng tiếp tục chuyển vào. Tiếng máy thở, tiếng máy monitor kêu từng hồi khắp các buồng bệnh.
Các y bác sĩ đặt nội khí quản cho bệnh nhân mới đến, thủ thuật giúp duy trì đường thở thông thoáng và thông khí nhân tạo xâm nhập. Đây là công việc hết sức nguy hiểm vì bệnh nhân dễ sặc, ho dẫn đến phát tán virus.
Bệnh viện tiếp nhận người bệnh nguy kịch đa phần đều không có thông tin người thân. Hành trang đi theo từ khi họ đi cách ly điều trị đến khi bệnh chuyển biến trở nặng và chuyển đến đây chỉ vỏn vẹn vài bộ đồ, nhiều hơn thì được cái gối, cái mền.
Nồng độ virus trong môi trường điều trị này rất cao, y bác sĩ phải liên tục mặc đồ bảo hộ, che chắn cẩn thận.
"Do đặc thù công việc và nguồn nhân lực có hạn. Hiện các bác sĩ làm cả công việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm cả công việc của hộ lý, tất cả không có khái niệm người nào nhiệm vụ nào, người nào rảnh tay, có thể phụ công việc của người khác", điều dưỡng Thư (Bệnh viện chợ Rẫy) chia sẻ.
Làm việc với cường độ cao, nhiều bác sĩ chỉ ngủ chưa đến 4 tiếng mỗi ngày. Họ không có khái niệm ngày tháng hay cuối tuần.
Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của một điều dưỡng. Hằng ngày, lịch làm việc của nhân viên y tế tại đây chia làm 3 ca, 4 kíp. Ca sáng từ 7h tới 14h, ca chiều từ 14h đến 21h, và ca đêm từ 21h tới 7h sáng hôm sau.
Bữa ăn vội của bác sĩ Trần Hữu Chinh (Bệnh viện Chợ Rẫy), anh cho biết đã liên tục 4 ngày nay anh chưa được ngủ. "Những lúc bệnh nhân giãn ra, tôi được về phòng để nghỉ ngơi, khi đặt lưng xuống chợp mắt, trong mơ mơ màng màng tôi vẫn còn nghe thấy tiếng thở máy của bệnh nhân" - Bác sĩ Chinh chia sẻ.
Bên ngoài, xe cấp cứu vẫn ra vào liên tục, tiếng còi báo động vãng dần từ xa, để khi xe về tới cổng tiếp nhận là âm thanh im ắng, như thể nơi này đã quá quen với việc hằng ngày tiếp nhận họ.
Đến nay, bệnh viện nhận gần 400 bệnh nhân, trong đó có khá nhiều bệnh nhân chuyển từ nguy kịch sang mức độ nhẹ và chuyển về các cơ sở là gần 80 bệnh nhân. Tới đây, bệnh viện sẽ chuyển thêm từ 30-40 bệnh nhân về cơ sở.
Đến ngày 26-7 đã có 17 bệnh nhân được điều trị bình phục và nhận thông báo xuất viện.
Trước khi xuất viện họ phải thực hiện xét nghiệm và có kế quả âm tính, hoặc nếu dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp (CT ≥ 30) thì mới đủ điều kiện rời Bệnh viện Hồi sức COVID-19, về cách ly tại nhà.
Hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Tiếng (huyện Củ Chi) vui mừng trong ngày nhận thông báo được xuất viện. "Từ nơi 'thập tử nhất sinh', nay vợ chồng tôi sắp được về nhà, nghĩ lại tôi không tin nổi. Tôi vô cùng biết ơn những y bác sĩ đã tận tình chăm sóc, giúp chúng tôi vượt qua cơn bạo bệnh" - Bà Tiếng nói.
Ông Piers (London) gửi lời cảm ơn đến những y bác sĩ của Việt Nam trong thời gian qua đã tận tình chăm sóc, giúp đỡ ông. Ông cùng những bệnh nhân đã hồi phục hô to "Happy! Happy!", bày tỏ niềm vui khi được khỏi bệnh và xuất viện.
Trong buổi lễ xuất viện, các y bác sĩ ở bệnh viện hồi sức gửi lời chúc mừng đến những bệnh nhân đã vượt qua cơn bạo bệnh. Đồng thời, động viên mọi người quên đi những ngày đau đớn đã trải qua, về nhà ráng ăn uống bồi bổ, cùng chung tay với cộng đồng chống dịch... Cuộc chiến giành lại sự sống từ 'lằn ranh sinh tử' cho các bệnh nhân COVID-19 của các bác sĩ thì vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ.
Nguồn: [Link nguồn]
9 giờ sáng, các y - bác sĩ Bệnh viện Da liễu đồng loạt nhận thông báo: "Do tính khẩn cấp, chiều nay 13 giờ, chúng ta...