Hạn chế ô tô hay xe máy trước?
Câu hỏi này vẫn chưa được dự thảo Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn của Bộ Giao thông Vận tải giải đáp.
“Phải quản lý được phương tiện cá nhân để giải quyết vấn nạn kẹt xe” là nhiệm vụ trọng tâm của Đề án hạn chế phương tiện cá nhân ở các TP lớn đang được Bộ GTVT tổ chức lấy ý kiến. Nhưng đề án chưa đề cập đến vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là sẽ hạn chế xe máy hay ô tô trước hay Bộ GTVT muốn cùng lúc hạn chế cả hai?
Báo động ô tô con tăng
Theo thống kê của Bộ GTVT, tổng số ô tô tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ hiện hơn 1,1 triệu chiếc, trong đó có khoảng 550.000 ô tô con (từ chín chỗ trở xuống). Lượng ô tô con ở Hà Nội chiếm 56% tổng số ô tô các loại trên địa bàn, ô tô con ở TP.HCM chiếm gần 50%, Đà Nẵng và Hải Phòng chiếm 43%... Dù thời gian qua nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng tỉ lệ tăng trưởng ô tô con ở các TP này vẫn không ngừng tăng cao, dẫn đầu là Đà Nẵng (tăng gần 20%), kế đó là Hà Nội (tăng 17%), Hải Phòng và Cần Thơ (đều trên 15%) và cuối cùng là TP.HCM với 14%.
Theo TDSI, trên 60% ý kiến được hỏi ủng hộ hạn chế xe cá nhân và hơn 51% cho rằng cần hạn chế ô tô con trước để “gỡ” bớt những cảnh hỗn loạn như thế này
Trung bình một ô tô chiếm diện tích mặt đường khoảng 16 m2. Như vậy, TP.HCM cần dành khoảng 9 triệu m2 diện tích mặt đường (chiếm hơn 1/3 tổng diện tích mặt đường của TP) để cho 550.000 ô tô trên địa bàn hoạt động. Do đó, việc lượng ô tô con đăng ký mới liên tục tăng với mức báo động như trên đã khiến các chuyên gia và nhà quản lý thật sự lo ngại.
“Hiện lượng ô tô trên các trục đường chính chỉ bằng 1/10 xe máy nhưng chiếm tới gần 55% tổng diện tích mặt đường và hơn 60% tổng diện tích chỗ đậu xe. Trong đó, ô tô con cá nhân chiếm diện tích mặt đường lớn nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông của một số ít người (khoảng 5% dân số). Nếu lượng ô tô con cá nhân tiếp tục tăng mạnh, giao thông đô thị sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - TS Hùng nhận định.
Đề nghị hạn chế ô tô con trước
Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (TDSI, thuộc Bộ GTVT) cho thấy phương tiện giao thông cá nhân hiện đáp ứng trên 80% nhu cầu đi lại của người dân. TDSI đã tham vấn ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau như nhân viên văn phòng, công nhân, sinh viên, nông dân…, kết quả có trên 60% ý kiến ủng hộ hạn chế xe cá nhân ở năm TP trên. Số người nhất trí cao chiếm đến 19%, còn tỉ lệ phản đối chỉ 15%. Kết quả tham vấn cũng chỉ rõ: Hơn 51% người được hỏi cho rằng nên hạn chế ô tô con trước. Tỉ lệ đề nghị hạn chế xe máy và taxi trước lần lượt là hơn 25% và gần 20%.
Tuy vậy, khi lập đề án, TDSI lại không làm rõ loại phương tiện nào sẽ ưu tiên có biện pháp hạn chế trước. Nhưng “nhìn vào các mục tiêu giảm xe cá nhân mà đề án nêu ra, trong đó đề cập đến tỉ lệ xe máy giảm mạnh, tôi cho rằng các biện pháp hạn chế sẽ “đánh” chủ yếu vào xe máy” - ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP, nhận định. Theo ông Quân, với thực tế hiện nay, việc hạn chế xe máy trước sẽ không phù hợp. Thay vào đó, đầu tiên cần hạn chế số lượng đăng ký mới ô tô cá nhân, chú trọng phát triển giao thông công cộng rồi dần tiến đến hạn chế xe máy.
Tiến sĩ Võ Kim Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch và Phát triển TP.HCM, cũng cho rằng với mật độ đường và cấu trúc đô thị hiện nay (dẫn đến đa số chọn giải pháp giao thông là xe máy) thì không nên đánh đồng ô tô con với xe máy khi thực hiện đề án. “Vấn đề hàng đầu là cần sớm hạn chế ô tô con để kéo giảm kẹt xe. Nếu đề xuất hạn chế xe máy trước rồi mới hạn chế ô tô con là chưa “đánh” trúng nguyên nhân” - ông Cương nói.
Hiện vẫn chưa có sự thống nhất về loại phương tiện gây kẹt xe chính. Người thì nói xe máy là “thủ phạm”, người lại cho là ô tô. Thế nên việc cần làm lúc này không phải đề cập đến các biện pháp cấm hay hạn chế mà phải định lượng cụ thể tác nhân gây ùn tắc (đường sá hẹp, quá nhiều trung tâm thương mại, xe cộ gia tăng quá mức…) để có biện pháp cụ thể. Đặc biệt, phải xác định tỉ lệ gây kẹt xe của từng loại xe cụ thể là bao nhiêu. Sau khi công bố các kết quả cho người dân, chính quyền cũng công bố ưu tiên biện pháp nào thực hiện trước, biện pháp nào sau, có lộ trình cụ thể. Làm được như vậy thì các biện pháp cấm, hạn chế mới thuyết phục và bền vững. GS-TS PHẠM XUÂN MAI - ĐH Bách khoa TP.HCM |