Hãi hùng cúng cô hồn!

Sự kiện: Tháng cô hồn

Gần đây xảy ra rất nhiều vụ đánh nhau, gây thương tích vì tranh nhau đồ cúng cô hồn.

Trong tháng 7 âm lịch có hai tập tục lớn trong dân gian là tục cúng cô hồn và lễ vu lan. Lễ vu lan báo hiếu thì có nguồn gốc từ Phật giáo, còn tục cúng cô hồn thì không liên quan gì đến Phật giáo cả.

Trong cách gọi của dân gian, cô hồn là những linh hồn cô đơn, cô độc lang bạt không nơi nương tựa, không ai thờ cúng. Với cô hồn, người ta chỉ có cúng thôi, không thờ. Cách cúng là người ta bày ra một số vật phẩm để cho những linh hồn cô độc ăn uống để khỏi bị đói khát.

Cúng cô hồn là một tín ngưỡng nhân văn trong văn hóa Việt Nam: Người dân bày tỏ sự thương cảm những linh hồn cô độc bơ vơ, những chiến sĩ tử vong, đồng thời dân gian ngán sợ cô hồn quậy phá nên cúng để chia sẻ với những phận neo đơn.

Cúng cô hồn thường diễn ra ở trước nhà, phẩm vật để cúng thường rẻ bèo như kẹo thèo lèo cứt chuột, cháo trắng phết trên vài chiếc lá, muối gạo, không có mâm bát… Cúng xong, những đứa trẻ con lang thang đường phố xông vào giựt.

Hãi hùng cúng cô hồn! - 1

Hãi hùng cúng cô hồn! - 2

Em S. phải nằm điều trị tại BV Nhi đồng 1 (ảnh trên) sau khi bị một thiếu niên trong nhóm giật cô hồn rút dao bấm đâm và bị người dân bắt giữ (ảnh dưới). Ảnh: PD

Đó là tập tục ngày xưa. Gần đây đã có sự lạm dụng tục cúng cô hồn một cách thiếu hiểu biết. Một số nhà bày ra một số vật phẩm cúng đắt tiền đến cả triệu, có nơi còn rải tiền thật gây nên tính phản cảm, nặng nề về vật chất làm cho người sống giành giật nhau để giành lấy. Có người quan niệm càng nhiều người giành giật vật phẩm cúng thì càng có nhiều cô hồn được hưởng, đó là sự lệch chuẩn văn hóa. Có điều này do người ta đã không hiểu đúng tín ngưỡng Việt Nam. Một văn hóa nhân văn bỗng dưng bị biến thành hiện tượng vô văn hóa, gây rối trật tự xã hội.

Tập tục cúng cô hồn là một tập tục nhân văn nên duy trì. Để làm theo truyền thống thì cần sự hiểu biết tín ngưỡng. Trước tiên người cúng phải hiểu biết đúng ý nghĩa của tập tục này để cúng những vật phẩm không có giá trị vật chất, đơn giản nhất là muối, gạo, cháo trắng… Những vật phẩm này không gây ô nhiễm môi trường và cũng chẳng ai nhào vào đâm chém nhau để tranh giành làm gì.

Về phần người giựt cô hồn, sự tranh giành để giật đồ cúng cô hồn như những ngày vừa qua thể hiện rõ lòng tham mê muội thiếu hiểu biết của một bộ phận nhỏ người Việt. Họ nghĩ rằng vơ được cái gì thì vơ, cái vơ được chắc sẽ mang lại may mắn. Đây là sự thể hiện rõ nhất thói xấu tham vặt của người Việt, sự tham vặt có sự tác động của tâm lý đám đông thiếu hiểu biết, thấy một người cướp là cả đám nhào vô cướp theo.

Mỗi người giựt cô hồn trong mùa này có ai tự hỏi mình được gì hơn sau khi giựt cô hồn không? Tôi cho câu trả lời là chỉ toàn mất mát chứ chẳng được gì cả.

Hành vi giựt cô hồn không phải “thụ lộc”, “hưởng lộc” như trong dân gian hay gọi mà hành vi đó phải gọi đích danh là cướp. Cướp chứ không phải cướp lộc vì người ta cúng cho người đã mất vất vưởng lang thang chứ có cúng cho người sống đâu mà đòi lấy lộc. Cái gì không phải của mình thì đừng nên nhúng tay vào, vì có vào thì nó cũng tự khắc đi ra.

Từ giật cô hồn đến phạm tội không xa

Việc giật cô hồn không hề sai cho đến khi người ta thẳng tay đấm đá, đâm chém nhau để giành lấy chút đồ cỏn con.

Bất chấp nguy hiểm để giật tiền

Ngày 26-8 (16-7 âm lịch), một nhà hàng người Hoa trên đường Nguyễn Biểu, phường 2, quận 5, TP.HCM tổ chức cúng cô hồn rất hoành tráng. Người tham gia đứng tràn cả lòng đường, bất chấp dòng xe đang lưu thông. Khi gia chủ rải tiền thật, cả trăm người già trẻ xông vào xô đẩy, trèo cả lên tường rào có cọc sắt để tìm kiếm tiền rơi. Do tranh giành, đám đông suýt nữa xảy ra xô xát nếu lực lượng công an không kịp thời có mặt.

Đem mã tấu đi giật cô hồn

Trước đó, vụ tranh nhau giật cô hồn dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau trên một con đường ở quận 5, TP.HCM khiến nhiều người sợ hãi. Hai nhóm thanh niên bắt đầu cự cãi, mắng chửi nhau rồi bắt đầu truy đuổi từ vỉa hè ra tận giữa đường, dùng mã tấu chém người bị thương. Khi cảnh sát tới, hai nhóm nhanh chóng lên xe rú ga bỏ chạy, tay vẫn lăm lăm vũ khí.

Phang nhau bằng nón bảo hiểm

Trong một buổi cúng cô hồn khác chưa xác định được địa điểm, giữa đám đông cả chục người đang giành đồ cúng, một thanh niên áo xanh, quần đỏ bị nhiều người vây đánh, chửi bới, dùng nón bảo hiểm đập tới tấp. Gần đó, những người khác vẫn tiếp tục công cuộc… tranh giành trên mảnh bạt lớn bày đồ cúng ven đường.

Ném gạch vào nhà dân

Theo hình ảnh được ghi lại trong một con hẻm, một thanh niên vì không giật được đồ cúng cô hồn của gia chủ nên đã nổi nóng. Người này liên tiếp hai lần cầm viên gạch đỏ lớn, thẳng tay ném vào cánh cửa ngôi nhà kèm theo những lời lẽ cay cú, thiếu văn hóa trước ánh mắt sững sờ của nhiều người.

Rút dao đâm chủ nhà trọng thương

Ngày 28-8, gia đình em THS (14 tuổi) ngụ phường 8, quận 10, TP.HCM tổ chức cúng cô hồn. Khi mâm cúng còn chưa được bưng ra thì một nhóm thanh niên đã chực chờ lao vào giật.

Em S. ngăn cản thì bị nhóm này hất tung cả mâm cúng. Sau đó, một thiếu niên trong nhóm giật cô hồn còn rút con dao bấm thủ sẵn trước đó đâm vào cổ S. khiến em bị thương nặng.

NHÂN CHÍNH

Clip: Cả trăm “cô hồn sống” lao vào giẫm đạp, hứng mưa tiền ở Sài Gòn

Hàng trăm người lao vào giành giật, giẫm đạp lên nhau khi chủ nhà đứng từ ban công ném tiền xuống sau khi làm các nghi thức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo GS-TS PHAN AN ([Tên nguồn])
Tháng cô hồn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN