Hà Nội xuất hiện 5 ổ dịch tay chân miệng

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong nửa tháng đầu năm mới 2015, Hà Nội đã ghi nhận 5 ổ dịch tay chân miệng.

Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, mặc dù bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây nhưng tình hình bệnh trong năm 2015 sẽ diễn biến khó lường, do bệnh còn đang lưu hành rộng rãi, nhiều tuýp virus gây bệnh trong khi chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 5 ổ dịch tay chân miệng tại 10 quận, huyện với 36 trường hợp mắc.

Hà Nội xuất hiện 5 ổ dịch tay chân miệng - 1

Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 5 ổ dịch tay chân miệng (Ảnh minh họa)

Theo khảo sát của phóng viên, tại Hà Nội, một số bệnh viện đã ghi nhận rải rác các ca mắc tay chân miệng ở trẻ.

TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, trong thời gian này, bệnh viện đã có một số ca mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều và mức độ chưa nghiêm trọng.

PGS.TS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, mỗi ngày Khoa tiếp nhận 1-2 ca mắc tay chân miệng đến khám. Tuy nhiên, hầu hết trẻ đều ở mức độ nhẹ và điều trị ngoại trú.

Trước đó, tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, mới đây kết luận về trường hợp một bé gái 21 tháng tuổi ở Hậu Giang tử vong chiều 5/1 là do mắc bệnh tay chân miệng độ 4. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do mắc bệnh tay chân miệng trong năm 2015.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân vệ sinh cá nhân như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đặc biệt, cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần đảm bảo thức ăn cho trẻ đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Các bậc phụ huynh cần lưu ý, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Các hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; cần sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Để phòng bệnh tay chân miệng, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe nhằm kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các nhà trẻ, mẫu giáo và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

“Trường hợp trẻ bị bệnh tay chân miệng phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác”, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch tay chân miệng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN