“Gỗ máu” đổ về Trung Quốc
Các tổ chức môi trường cho rằng Trung Quốc là đầu nậu thu gom các nguồn gỗ lậu khắp nơi trên thế giới để đưa vào các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu và phục vụ đại gia trong nước.
Theo Tổ chức Điều tra môi trường (EIA), từ các quốc gia châu Phi đến quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương và các nước láng giềng với Trung Quốc như Myanmar, Lào đều đang ồ ạt đốn hạ gỗ quý để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc.
Ở một số nước, EIA phát hiện lái buôn Trung Quốc phá vỡ những thỏa thuận chống đốn và xuất khẩu các loài cây hiếm khi dùng mọi cách từ hối lộ đến tiếp tay cho bọn buôn lậu.
EIA nhấn mạnh rằng Trung Quốc với vai trò là nước buôn bán gỗ lớn nhất thế giới đang nắm giữ số phận của nhiều mảnh rừng tự nhiên và nỗ lực chống phá rừng phụ thuộc vào các biện pháp của nước này. Nhiều nước châu Âu, Mỹ, Úc hay Nhật đã thông qua hoặc đang cân nhắc các luật chống gỗ lậu.
“Tuy nhiên trong lúc các thị trường tiêu thụ lớn khác đã hành động thì Trung Quốc vẫn cương quyết đứng bên lề” - báo cáo viết.
“Xuất khẩu phá rừng”
Nhu cầu nhập gỗ của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong hơn một thập kỷ qua, đạt 180 triệu m3 - tức gấp 60 lần sức chứa của sân vận động Tổ Chim khổng lồ ở Bắc Kinh. Theo các phân tích số liệu thương mại, 1/10 số đó là gỗ lậu. Con số thật có thể còn cao hơn.
EIA cho biết nguồn gỗ hồng/cẩm lai đưa vào Trung Quốc chủ yếu đến từ khu vực sông Mekong. Thái Lan đã chặn hơn 3.000 chuyến xuất khẩu loại gỗ quý này trị giá 3 tỉ USD.
Tại Việt Nam, các thương nhân Trung Quốc cấu kết với một số người để đảm bảo nguồn cung gỗ lậu. Báo Phnom Penh Post cho biết hơn 32.000m3 gỗ quý của Campuchia được bán cho Trung Quốc từ năm 2007-2011 với giá hàng chục triệu USD.
Cơn sốt gỗ quý của Trung Quốc được các nhà hoạt động môi trường mô tả như một sự điên rồ gớm ghiếc. “Một sự điên cuồng, như cơn sốt sừng tê giác và ngà voi. Nó là một sự dị hợm khó giải thích nổi, kiểu như càng độc thì giá càng cao - Marcus Hardtke, một chuyên gia rừng người Đức, giải thích - gỗ quý không có nhiều ở những hồ chứa đập thủy điện nên họ đổ xô lên rừng, những cây gỗ quý giá bị đốn trước tiên”.
Gỗ quý bị khai thác trộm khi chưa đủ tuổi ở tỉnh Koh Kong, Campuchia - Ảnh: Phnom Penh Post
Nhu cầu của những đại gia giàu có khiến giá gỗ hồng tăng lên vào khoảng 720 USD/kg và một bộ ghế, sofa có thể lên đến 320.000 USD. “Đồ gỗ được làm từ những loại gỗ hiếm nhất và có độ hoàn thiện tinh xảo có thể đạt đến hàng triệu USD” - báo cáo của EIA viết. EIA ví hành động của Trung Quốc như “xuất khẩu phá rừng” khi thả lỏng hoạt động ở nước ngoài của các doanh nghiệp gỗ dù siết chặt nạn phá rừng trong nước.
Dễ thấy nhất ở dãy núi biên giới với Myanmar khi sườn núi phía Trung Quốc không bị sứt mẻ gì thì ở sườn phía bên kia rừng rậm bị trọc lủi.
Tiếp tay cho tội phạm và tham nhũng
Cơn sốt gỗ quý của Trung Quốc cũng làm bùng nổ những cuộc xung đột của những băng đảng vũ trang để tranh giành khai thác đến cạn kiệt nguồn gỗ hồng ở các nước vùng Mekong.
Những cuộc xung đột xảy ra giữa lực lượng chính phủ và những kẻ khai thác gỗ lậu hoặc những vụ thanh toán giữa các băng đảng. EIA ước tính gần 50 tay buôn lậu Campuchia bị giết và nhiều tên bị bắt ở Thái Lan.
Những khoản hối lộ cũng làm chùn bước mọi nỗ lực chống phá rừng tại đây bên cạnh những yếu kém trong việc kiểm soát. Thái Lan năm ngoái đã thành lập lực lượng đặc nhiệm Rambo Army hoạt động ở biên giới Campuchia nhưng lực lượng này bị giải tán sau đó ba tháng.
Hình phạt đối với nạn đốn rừng ở Thái Lan cũng nhẹ và hầu hết những tay buôn lậu được hưởng án treo nếu nhận tội. Hồi tháng 4/2012, nhà hoạt động chống đốn gỗ lậu Chut Wutty của Campuchia bị bắn chết khi điều tra hoạt động khai thác trái phép của Công ty Timbergreen.
Vụ việc bị nghi ngờ có sự bắt tay giữa quan chức và các băng đảng. “Đây không chỉ gồm vấn đề môi trường mà nó còn tiếp tay cho tham nhũng và các mạng lưới tội phạm. Rất nhiều máu đã đổ trước khi những cây gỗ hồng đến được phòng khách của một ai đó. Gỗ hồng là một trong những loại gỗ đắt giá nhất thế giới nên đó là lý do nổ ra cuộc chiến”- nhà hoạt động Faith Doherty của EIA nói.
EIA đang nỗ lực thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc soạn thảo luật kiểm soát gỗ nhập lậu vào thị trường trong nước. Trong khi đó, các nhà hoạt động cũng hối thúc các nước trong khu vực đưa gỗ hồng vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo tồn.