Giới trẻ tự tử vì lí do lãng xẹt: Báo động

Nhiều người trẻ tuổi tìm đến cái chết vì những lý do lãng xẹt đến khó tin như: hỏng điện thoại, chia tay bạn gái, bị bố mẹ, thầy cô mắng...

Xung đột gia đình... nỗi tuyệt vọng ở trẻ

Trong mấy năm trở lại đây, tỷ lệ thanh thiếu niên có xu hướng chán sống gia tăng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tự tử ở thanh thiếu niên chủ yếu là do xung đột từ gia đình. Có tới 87,7% trong số trẻ tự tử đang sống với cha mẹ và hầu hết các em tìm đến cái chết ngay tại nhà. Chỉ 14,6% trẻ tự tử có thái độ xa lánh mọi người. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi thất thường của trẻ mà chỉ những người tinh ý, hiểu trẻ mới nhận ra.

Trong cuộc sống, nhiều người trẻ thấy bị bắt buộc làm theo ý nguyện của cha mẹ. Họ thầm oán trách cha mẹ không bao giờ chịu hiểu con cái nên có phản ứng tiêu cực. Chỉ vì bố mẹ không đồng ý cho yêu người này, lấy người kia hay việc bố mẹ mắng chửi, đánh đập vì không biết nghe lời..., nhiều bạn trẻ có suy nghĩ tiêu cực "cha mẹ không yêu, không thương mình, mình sống làm gì" rồi tìm đến cái chết.

Giới trẻ tự tử vì lí do lãng xẹt: Báo động - 1

Người cha có con gái tự tử vì đánh mất sổ đầu bài

Trường hợp "quyên sinh" để chứng tỏ sự trong sạch của mình với bố mẹ của một người hàng xóm, đó là N.V.T (sinh năm 1987, Kim Động, Hưng Yên) gây nhiều ám ảnh. Trước đó, T là một cậu bé khá ngoan ngoãn, chăm chỉ và biết vâng lời cha mẹ. Nhưng một lần đi chơi T, sơ ý làm mất chiếc xe đạp. Về nhà, T bị người bố khó tính của mình chửi bới "không thương tiếc" và nghi ngờ cậu ăn chơi lêu lổng, hút chích khiến T rất buồn.

T giam mình trong nhà để chứng tỏ sự trong sạch của mình, nhưng vì tiếc của và cũng là dạy dỗ con, bố T chửi bới cậu cả trong bữa ăn. Ba ngày sau, T. có thái độ lạ, cậu dặn dò các em, quan tâm hơn đến bà và mẹ rồi xin phép đến nhà bà ngoại chơi. Tuy nhiên, T đã không đến nhà bà ngoại như đã nói mà tìm đến cái chết. Khi gia đình tìm thấy thi thể của T, cha cậu đã vô cùng ân hận.

Theo nghiên cứu của bà Nguyễn Vân Anh, người sáng lập Trung tâm Phòng chống Khủng hoảng Tâm lý (PCP), đại đa số người có ý định tự tử cố gắng bày tỏ ý định tự tử của mình với người khác. Hầu hết những người tìm đến cái chết đều trải qua một thời gian buồn, chán, thất vọng âm ỉ nhiều năm và phần lớn là người bình thường, ít người là bệnh nhân tâm thần.

Với những người này, khi khát vọng, ước muốn bị dập tắt phũ phàng, bị dồn đến đường cùng, cái tất yếu họ chọn chính là cái chết. Trong lúc khủng hoảng họ nghĩ chỉ có cái chết mới giúp thoát khỏi "bể khổ" mà họ đang bị gia đình nhấn chìm trong đó.

Chia sẻ về hội chứng tự tử trong giới trẻ hiện nay, anh Nguyễn Xuân Thành (Phú Xuyên, Hà Nội) còn nhớ như in cái chết đầy thương tâm của người em trai họ tên Tiến. Tiến là con một trong một trong một gia đình có bố mẹ đều là giáo viên.

Tốt nghiệp đại học, Tiến xin được một công việc khá ổn định ở thành phố với mức lương cao. Tại đây, Tiến quen với Lan, cô nhân viên gội đầu tại một quán mát-xa, tẩm quất ở cùng xóm trọ với anh. Khi đưa Lan về nhà ra mắt, bố mẹ anh phản đối kịch liệt. Hai người yêu nhau quyết định "ăn cơm trước kẻng" để "ép" cha mẹ.

Tiến nghĩ, không có ai vứt bỏ máu mủ của mình và cha mẹ cũng mong có cháu nội. Nhưng bố mẹ vẫn kiên quyết phản đối, Tiến bị giằng xé bởi bên tình, bên hiếu. Quá bế tắc, sau một đêm quỳ ngoài sân để thuyết phục cha mẹ không được, Tiến tìm đến cái chết để giải thoát.

Nhìn nhận thực tế, giới trẻ không gặp khó khăn, vướng mắc không tự tìm được lối ra mà tìm đến cái chết, một chuyên gia tâm lý cho rằng: "Con người gặp bế tắc, không dám đối diện tìm giải pháp mà nghĩ ngay đến cái chết là hèn nhát. Cái chết có thể giải thoát cho một người nhưng sẽ gây đau khổ cho nhiều người".

Thiếu hệ thống phòng chống tự tử

"Việt Nam chưa có hệ thống phòng chống tự tử một cách chuyên nghiệp, cũng như chưa có nhiều tổ chức, chương trình hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tự tử và chưa có nhiều cá nhân là những nhà tham vấn, người làm công tác xã hội có kinh nghiệm làm việc với người có ý định tự tử", đây là nhận định của bà Nguyễn Vân Anh, người sáng lập Trung tâm Phòng chống Khủng hoảng Tâm lý (PCP) tại hội thảo về truyền thông với vấn đề tự tử do Trung tâm Phòng chống Khủng hoảng Tâm lý (PCP) tổ chức tại Hà Nội.

Theo bà Vân Anh, cần tăng cường khả năng đương đầu với khó khăn cho thanh thiếu niên, xây dựng các mối quan hệ gia đình, thầy trò, bạn bè trên tinh thần cởi mở, giao tiếp tốt và bình đẳng.

Bà Vân Anh nói, phần lớn người tự tử là người trẻ và số đông họ là những người bình thường, chỉ có một số ít được chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần. Tự tử là vấn đề có thể phòng tránh được nhưng những người xung quanh lại chưa có đủ kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn ý định này.

Nhiều người cố gắng bày tỏ ý định tự tử của mình với người khác nhưng chỉ số rất ít bày tỏ bằng cách nói chuyện. Một nghiên cứu cho thấy, có 13/19 người tự tử đã cố gắng bày tỏ ý định tự tử của mình với người khác, nhưng chỉ có 3 trường hợp bày tỏ bằng cách nói chuyện.

Mặc dù tỷ lệ tự tử của Việt Nam thấp hơn các nước, nhưng xu hướng đã tăng lên. TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nhận định, chúng ta chưa hề có nghiên cứu cụ thể về tỷ lệ trẻ có ý định và hành vi tự tử.

Khi có nghiên cứu, chúng ta sẽ phát hiện được trong số các em học sinh đó, nhóm đối tượng nào có nguy cơ cao, có những hành vi tiêu cực để hỗ trợ. Vị thành niên và thanh niên Việt Nam hiện nay đang rất cần sự hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cũng như tạo môi trường tâm lý thuận lợi để phát triển những biểu hiện tình cảm tích cực và hoài bão.

Những cái chết lãng xẹt nơi lũy tre làng

Nhảy sông tự sát vì bị đình chỉ thi?

Nam sinh mất tích trước ngày thi tốt nghiệp

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vân Thanh- Dương Dương (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN