Gặp sao Thái Bạch, dân vẫn “tậu” được ô tô
Người xưa quan niệm, người gặp phải sao Thái Bạch, trong năm đó sẽ gặp nhiều tai ương, con đường kinh doanh bị quấy phá. Thế nhưng, nhiều người gặp phải sao này, không đi dâng lễ giải hạn đầu năm vẫn gặp may mắn trong công việc, thậm chí “tậu” được cả ô tô.
Sao hạn được dùng khá phổ biến để phối với ngày hoặc định cát hung. Theo quan niệm, có 9 ngôi sao chiếu bản mệnh con người, trong đó có 5 vì sao xấu gồm sao La Hầu, Thổ Tú, Kế Đô, Thái Bạch, Vân Hán, 4 sao tốt Thuỷ Diệu, Thái Dương, Thái Âm và Mộc Đức.
Mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người, tùy theo tuổi sẽ có sao chiếu tương ứng tốt hay xấu. Nếu bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật…gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng.
Vận hạn, việc làm ăn vẫn phất
Đầu năm, người dân tấp nập đến các đến chùa ở Hà Nội dâng sao giải hạn, cầu bình an cho gia đình. Tại chùa Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) luôn đông nghẹt người dân đến dâng lễ cầu may mắn cho gia đình. Nhiều người chắp tay vái lạy trước cửa Phật với ước mong cái dữ sẽ tan biến, điều tốt sẽ đến bên trong năm mới.
Rất nhiều người dân đến chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa dâng sao giải hạn
Anh Phạm Văn Tâm (32 tuổi ở đường Kim Giang, Hà Nội) cùng em gái đến chùa Quán Sứ cầu an, cầu lộc cho gia đình. Anh Tâm cho biết, năm 2013, anh gặp phải sao Thái Bạch. Mọi người trong gia đình anh cho rằng anh gặp sao này công việc làm ăn trong năm sẽ gặp nhiều phiền phức, rủi ro. Do vậy, họ sốt sắng giục anh lên chùa Phúc Khánh (Đống Đa) làm lễ dâng sao giải hạn. Thế nhưng anh Tâm nhất quyết không đi làm lễ dâng giải hạn sao vì cho rằng đó là việc không đâu, không đáng tin cậy.
“Trong năm ấy, tôi không đi làm lễ dâng sao giải hạn nhưng cuối cùng công việc buôn bán của tôi vẫn thuận lợi, suôn sẻ. Thậm chí, trong năm 2013, tiền bạc thu về từ cửa hàng ăn của gia đình tôi còn “rủng rỉnh” hơn các năm trước. Tôi còn dành ra được tiền mua ô tô 4 chỗ”, anh Tâm kể.
Anh Tâm cho biết thêm, năm nay anh cùng với em gái đi chùa chỉ với mong muốn cầu an, cầu lộc cho gia đình trong năm mới. Khi vào chùa, anh chỉ dâng nén hương kèm tiền vàng, xin lộc lấy may.
“Cái quan trọng nhất khi đi lễ chùa là bản thân mình phải luôn trong sáng. Còn công việc làm ăn trong năm gặp may mắn hay không đều do bản thân mình tạo ra. Tôi nghĩ, thần thánh cũng không thể linh nghiệm đến mức đem tiền bạc đến đưa cho mình được” anh Tâm nói.
Đầu năm có rất nhiều người lên chùa dâng sao giải hạn. Tuy nhiên, cũng có những người gặp sao xấu, không đi lễ chùa vẫn gặp may mắn trong công việc, thậm chí mua được cả ô tô.
Chị Nguyễn Thị Trang (36 tuổi, ở phố Khâm Thiên) cũng cùng gia đình đến chùa Quán Sứ cầu bình an, cầu lộc cho gia đình nhân dịp đầu năm. Năm 2013, chị Trang cũng gặp phải sao Thái Bạch. Thấy bạn bè nói sao này xấu, chị Trang phải lên chùa dâng sao giải hạn mới giảm bớt được tai ương, rủi ro. Tuy nhiên vì không quá “mê tín” nên chị Trang không đến chùa làm lễ dâng sao giải hạn.
“Lúc đầu nghe bạn bè nói tôi cũng thấy lo lắng, nhưng rồi tôi thấy công việc làm ăn trong năm ấy còn tốt hơn các năm trước đó. Cuối năm, tôi còn dành ra được số gần 80 triệu đồng mua xe ga. Người trong nhà tôi còn nói vui gặp sao xấu mà toàn thấy điều may”, chị Trang chia sẻ.
Chị Trang đang làm quản lý ở một siêu thị. Hằng năm, chị Trang cùng gia đình đi đến chùa nhưng chỉ khấn vái, cầu may cho gia đình trong năm mới.
“Phật giáo không có lễ cúng sao giải hạn”
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Quán Sứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, lễ cúng sao giải hạn xuất phát từ phong tục tập quán từ xa xưa của người dân Việt Nam. Vào đầu năm mới, tại các đền, chùa, miếu, phủ người dân thường đến dâng lễ cúng sao giải hạn. Lễ thường có bông hoa, trái cây, tiền vàng, sớ…
Tuy nhiên, trong các nghi lễ Phật giáo quy định, không có lễ cúng sao giải hạn, chỉ có lễ cầu an cho gia đình trong năm mới. Người dân có sao xấu hay tốt, khi đến cửa phật chỉ làm lễ cầu an. Người dân có thể tụng niệm, cùng với đó là tâm hướng vào cái thiện, cái hay, tốt.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì Chùa Quán Sứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
“Về giáo lý, đức Phật hoàn toàn không nói về những ngôi sao chiếu mạng, người chỉ dạy chúng ta về luật nhân quả: Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Người dân gieo quả ngọt thì ắt gặt quả ngọt, gieo quả chua thì gặt phải quả chua. Thành công hay thất bại trong đời không phải do thánh thần ban mà do bản thân người dân tạo nên, gây dựng nên từ trước”, hòa thượng Nhiễu chia sẻ.
Đặc biệt, vào mỗi dịp đầu năm, có nhiều người dân kéo đến các chùa, đền, phủ cúng sao giải hại. Tại chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa có hàng trăm người dân đến chen nhau làm lễ. Lễ cúng giải hạn cũng có đủ loại hình thức, thủ tục và...giá cả khác nhau. Có nơi vài trăm nghìn đồng/gia đình, có nơi tiền triệu.
Trụ trì chùa Quán Sứ cho rằng, người dân quan niệm chi ra số tiền hàng chục triệu đồng để đi này nơi khác nhờ thầy làm lễ dâng sao giải hạn là hết sức sai lầm. Bởi điều tốt hay xấu của người đều do bản thân người dân tạo nên. Không phải người dân cứ chăm đi lễ, làm lễ to là thần thánh sẽ “giải hạn” mà quan trọng là phải tu tại tâm của mình.
“Có nhiều thầy cúng “rởm” lợi dụng sự yếu lòng của người dân bắt phải làm lễ này lễ khác, điều đó là mê tín, không đáng tin. Người dân muốn tốt thì phải làm nhiều điều tốt ngay tại cuộc sống thực tại rồi may mắn sẽ đến bên. Đầu năm, đến chùa người dân cũng chỉ nên có hương hoa cầu ăn cho gia đình là đủ”, Trụ trì chùa Quán Sứ nói.
Theo quan niệm dân gian, sao Thái Bạch là sao xấu, chủ thiệt hại tiền của, gặp nhiều tai ương. Xấu đối với cả nam và nữ, nhưng đối với nam thì đỡ hơn. Để giảm nhẹ vận hạn người dân thường làm lễ cúng dâng sao, giải hạn vào đầu năm tại chùa với mục đích cầu xin thần Sao phù hộ cho bản thân con cháu trong gia đình đều được khỏe mạnh, bình an, thành đạt, công việc thuận lợi. Lễ cúng dâng sao Thái Bạch vào ngày 15/1 (âm lịch). Lễ cúng sao giải hạn gồm có hương hoa, tiền vàng, bài vị màu trắng, phẩm oản, 36 đồng tiền. |