Gặp lại các “cảm tử quân” trên biển
Trong lịch sử 60 năm của Quân chủng Hải quân có rất nhiều chiến công hiển hách được ghi nhận. Trong đó, chiến công của các đoàn tàu không số chi viện vũ khí, hàng quân sự từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam mãi mãi ghi vào sổ vàng Quân chủng với những "cảm tử quân" sẵn sàng hy sinh để hàng hóa cập bến an toàn...
Gian khó cập bến Cà Mau
Hải Phòng là điểm xuất phát của đoàn tàu không số. Những ngày này, căn nhà nhỏ tại ngõ 156 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) tấp nập hơn bởi nhiều cựu chiến binh (CCB) thường xuyên lui tới. Đây là căn nhà của ông Trần Văn Hữu -Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển. Hơn 40 năm trôi qua, những chàng trai mười tám đôi mươi lênh đênh trên những con tàu vượt biển ngày nào, giờ người trẻ nhất cũng đã xấp xỉ 70 tuổi, có những người đã ngoài 80 tuổi. Tại căn nhà ấm cúng này, tôi có dịp gặp một số cảm tử quân ngày ấy.
Các CCB của đoàn tàu không số gặp gỡ nhau tại nhà ông Trần Văn Hữu (ông Khảm ngồi ngoài cùng, bên phải). Bảo Linh
CCB Lê Xuân Khảm năm nay 76 tuổi, còn khá khỏe mạnh, tinh tường. Ông cho biết: "Năm 1965, tôi nhập ngũ, được biên chế vào tàu 121 thuộc Đoàn 125, khi đó tôi đang là giáo viên Trường Trung cấp Hàng hải (nay là Đại học Hàng hải Việt Nam). Đầu năm 1966, tôi được điều sang tàu C69, có nhiệm vụ chở vũ khí, hàng quân sự vào tỉnh Cà Mau". Vừa lần giở những tấm hình cũ không còn rõ mặt đồng đội, ông vừa kể rành rọt về những chuyến đi của gần nửa thế kỷ trước. Ông Khảm từng đi nhiều chuyến vào miền Nam nhưng ông nhớ nhất chuyến đi đêm 15.4.1966 từ Đồ Sơn, tàu chở 62 tấn vũ khí vào Cà Mau. Tàu C69 khi đó do ông Nguyễn Hữu Phước (Năm Phước) làm thuyền trưởng, ông Tăng Văn Huyễn là Chính trị viên, ông Hoàng Thanh Loan lái chính, ông Khảm là thợ máy của tàu. "Khi tàu đi được một đoạn, anh em phát hiện bị tàu địch theo dõi nên phải chuyển hướng vài lần. Khi đến vùng biển Cà Mau thấy có khá nhiều tàu đánh cá của ngư dân, thuyền trưởng quyết định cho tàu trà trộn vào khu vực tàu đánh cá nên địch không phát hiện được”. Một khó khăn xảy ra là đêm đó ngọn hải đăng Côn Đảo và hải đăng Hòn Khoai đều tắt, tàu C69 không bắt được mục tiêu trên bờ, vừa chạy vừa dò tìm luồng, bến. Đến gần sáng, nhờ người dân giúp đỡ tàu mới vào được cửa Rạch Hố, huyện Ngọc Hiển. Những người dân tốt bụng nơi đó giúp che giấu tàu mới được an toàn, sau đó tàu được đưa về bến Bồ Đề (cách đó chừng 20km) xuống hàng an toàn.
“Vào được đến bến nhưng chân vịt tàu bị trục trặc phải sửa chữa mất một thời gian. Mất mục tiêu, địch phong tỏa toàn bộ dải bờ biển khu vực cửa Ghềnh Hào đến Cà Mau. Sau khi sửa chữa, tàu C69 đã 4 lần định ra khơi về miền Bắc nhưng không được”- ông Khảm nhớ lại.
Đề nghị lấy dao… cắt chân để tiếp tục chiến đấu
Đêm 8.2.1967 (mùng 1 tết), sau thời gian dài chờ đợi thời cơ, tàu C69 được lệnh rời cửa Vàm Lũng ra khơi trở về miền Bắc tiếp tục làm nhiệm vụ. Đi được chừng 30 hải lý, các thành viên trên tàu phát hiện có đến 4 chiếc tàu địch dàn đội hình bao vây tàu C69. Lúc đó là 21 giờ, chỉ huy tàu nhận định tàu đã bị lộ và quyết định sẵn sàng chiến đấu.
Khi đến gần vị trí chiếc tàu địch đầu tiên, thuyền trưởng quyết định bẻ lái xoay ngang tàu, sẵn sàng đâm vào tàu địch và để anh em trên tàu lấy góc ngắm bắn. Tàu địch bắn như vãi đạn sang tàu C69, được lệnh của thuyền trưởng Năm Phước, anh em trên tàu nổ súng chiến đấu, tàu C69 vừa lượn né tàu địch vừa tìm cách quay mũi vào phía bờ. “Ở loạt đạn chiến đấu đầu tiên, thủy thủ Đoàn Văn Dỹ hy sinh, 4 cán bộ chiến sĩ trên tàu bị thương. Anh Phan Hải Hồ bị thương ở chân, xương đã gãy nhưng phần mềm còn dính lại, rất vướng víu khi nằm và di chuyển ngắm bắn trên boong tàu. Lúc đó anh Hồ đề nghị anh Nguyễn Văn Hấn thuyền phó lấy dao cắt giúp chân cho đỡ vướng nhưng anh Hấn không nỡ. Tôi nhìn cảnh đó thương anh Hồ vô cùng” - ông Khảm nghẹn lời.
Trận chiến vẫn vô cùng ác liệt, tàu ta bị cháy boong sau, các cán bộ chiến sĩ vừa phải dập lửa cứu tàu tránh bị nổ (tàu đã cài sẵn bộc phá) vừa phải cơ động hết lên boong trước chiến đấu. "Trong đêm tối mịt mùng, bị bao vây bởi pháo sáng, tàu bị mất phương hướng, tình thế vô cùng nguy hiểm nhưng nhờ sự điều khiển tài tình của thuyền trưởng cùng lái tàu, cuối cùng con tàu cũng vào được bến Vàm Lũng an toàn với sự hỗ trợ kịp thời của hỏa lực trong bờ, mất mát lớn nhất là ta hy sinh 1, bị thương 8 người" - ông Khảm nhớ lại phút giây sinh tử.
Sau trận chiến không cân sức ấy, tàu C69 bị hỏng khá nặng, phải chờ khắc phục nhưng không được, cuối cùng phải nằm lại trong rừng đước Cà Mau. Ông Khảm được cử làm Trung đội trưởng trung đội săn tàu địch ở bến Cà Mau, cùng nhiều anh em các tàu tiếp tục có những trận chiến giáp lá cà với địch, lập nhiều chiến công.