Gần 800 trụ sở dôi dư sau sáp nhập

Sự kiện: Thời sự

Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hoá có 789 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước bị dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính.

Ông Lê Duy Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý công sản - giá (Sở Tài chính Thanh Hoá) cho biết, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính của 27 huyện, thị xã và thành phố là 789 cơ sở (tài sản công).

Trụ sở cảng cá ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) bỏ không nhiều năm

Trụ sở cảng cá ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) bỏ không nhiều năm

Qua rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, toàn bộ 789 cơ sở nhà đất trên phần lớn còn nguyên giá trị lớn, giá trị khấu hao tài sản còn nhiều và đang còn khả năng sửa chữa cải tạo để sử dụng. Thậm chí, ở nhiều địa phương các công trình đang còn mới, chưa kịp đưa vào sử dụng.

Cụ thể như, năm 2018, tại xã Quảng Phúc, được đầu tư trụ sở UBND xã gồm nhà làm việc 2 tầng diện tích sàn khoảng 585m2 trên tổng diện tích đất hơn 3.000m2 với số tiền đầu tư khoảng 5,6 tỷ đồng. Thế nhưng, năm 2019, huyện Quảng Xương có 7 xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp thành 3 xã, thị trấn. Trong đó, sáp nhập xã Quảng Phúc và Quảng Vọng để thành lập xã Quảng Phúc. Kể từ khi sáp nhập, công sở cũ của xã Quảng Phúc và công trình nhà làm việc 2 tầng, khu hội trường xã Quảng Phúc mới vừa xây dựng phải bỏ hoang cho đến nay.

Tại thị xã Nghi Sơn, năm 2019, UBND xã Hải Nhân khởi công xây dựng công trình Trường Mầm non xã Hải Nhân khu B (cơ sở 2) với số vốn gần 6,5 tỷ đồng, công trình gồm nhà hiệu bộ, 6 phòng học, nhà bếp, nhà vệ sinh nhằm làm bớt áp lực quá tải học sinh cho cơ sở 1. Đến tháng 11/2020, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuy nhiên do thiết bị dạy học không đầy đủ, nhiều cha mẹ học sinh không chấp nhận cho con học tại cơ sở 2. Sau đó, trường được sử dụng làm nơi cách ly, điều trị COVID-19, sau khi dịch bệnh kết thúc, cơ sở 2 của trường bị bỏ hoang, nhiều hạng mục xuống cấp, gây lãng phí vốn đầu tư công.

Tính từ thời điểm năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hoá có 1.200 cơ sở nhà đất dôi dư, đến nay đã sắp xếp xử lý được 411 cơ sở, còn lại 789 cơ sở. Việc tham mưu, xử lý các tài sản này còn lúng túng, bất cập do vướng giữa quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật đất đai năm 2013. Ngoài ra, các nghị định, thông tư có liên quan và các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp bộ chuyên ngành (Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT) còn chưa thống nhất. Một số tài sản công như nhà văn hoá nằm trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương hằng năm như xây dựng khu dân cư, khu đô thị và các dự án thương mại nên khó có thể xử lý theo quy định...

Hiện nay, Sở Tài chính cũng đã có đề nghị UBND xã các huyện, thị xã, thành phố rà soát, sắp xếp đưa tài sản công vào sử dụng, hạn chế việc đề xuất bán, thu hồi để thực hiện dự án khác tránh gây lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước.

Nguồn: [Link nguồn]

Xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sáp nhập huyện, xã ra sao?

Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ với định mức 20 tỉ đồng/huyện và 500 triệu đồng/xã giảm sau khi thực hiện sáp nhập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Lam ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN