EVN chịu trách nhiệm chính về TĐ Sông Tranh 2

Khó xử lý trách nhiệm các đơn vị có chức năng kiểm tra, quản lý chất lượng công trình xây dựng liên quan. Kịch bản di dời dân: Tiếp tục chờ.

“Vì sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại quyết định đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2 tại vị trí tiềm ẩn quá nhiều rủi ro như huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. Nếu có sự cố xảy ra, ai sẽ phải chịu trách nhiệm”. Đó là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra sau khi khu vực thủy điện Sông Tranh 2 liên tiếp xảy ra động đất.

Đập Sông Tranh 2 chưa được nghiệm thu

Theo Nghị định 72/2007, an toàn đập là vấn đề được ưu tiên cao nhất trong quá trình xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ hồ chứa. “Nay động đất liên tiếp xảy ra thì Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) phải có trách nhiệm đánh giá về chất lượng. Câu hỏi cần được trả lời là thủy điện Sông Tranh 2 sẽ tiếp tục tích nước hay cần có một cuộc tái kiểm tra, sửa chữa nghiêm túc hơn?” - TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM, chỉ rõ.

Chiều 10/9, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết hiện đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa được nghiệm thu. Kế hoạch nghiệm thu đập thủy điện này dự kiến được thực hiện vào tháng 5 vừa qua nhưng nay đã bị lùi lại.

“Việc nghiệm thu công trình chỉ được thực hiện sau khi đánh giá chất lượng tổng thể của đập. Trong đó, việc đánh giá sẽ thông qua xử lý các kết quả quan trắc đập, hồ sơ nghiệm thu đối chiếu với yêu cầu thiết kế. Nhưng trong mọi trường hợp, yêu cầu đầu tiên là đập phải đảm bảo khả năng chịu lực và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hạ du” - ông Hùng khẳng định.

EVN chịu trách nhiệm chính về TĐ Sông Tranh 2 - 1

Nỗi bất an về động đất gần đây luôn thường trực trên từng nét mặt của người dân huyện Bắc Trà My, Quảng Nam

Có sự cố, chủ đầu tư “gánh” hết

Nghị định 72/2007 còn nêu đập thủy điện chỉ đưa vào khai thác sau khi được kiểm tra và chứng nhận bảo đảm an toàn về chất lượng. Nghị định 209/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng yêu cầu các công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam phải áp dụng các tiêu chuẩn về bảo môi trường, điều kiện địa chất thủy văn, phân vùng động đất… Trong đó, công trình thủy lợi trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm tra, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng.

PGS-TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết: Đối với các đập thủy điện, để đưa vào phát điện phải trải qua các giai đoạn quan trọng như ngăn sông, tích nước, phát điện. Tương ứng các giai đoạn này là các khâu kiểm tra về sự an toàn của đập.

“Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng đập. Các cơ quan quản lý chất lượng về công trình xây dựng có kiểm tra chất lượng nhưng nếu có sự cố xảy ra thì cơ chế hiện nay lại khó “xử” được các cơ quan quản lý nhà nước” - PGS-TS Chủng nói.

Ông Phúc nhận xét thêm, như vậy có thể hiểu rằng nếu đập Sông Tranh 2 bị sự cố gì về chất lượng thì đó cũng là việc của chủ đầu tư (EVN) và các công ty xây dựng đập. Nghiêm trọng hơn, nếu đập Sông Tranh 2 bị vỡ thì rất khó xử lý trách nhiệm của các đơn vị có chức năng kiểm tra, quản lý chất lượng công trình xây dựng. “Sẽ là điều vô lý nếu các cơ quan quản lý về chất lượng công trình xây dựng vô can” - ông Phúc bức xúc.

Kịch bản di dời dân: Tiếp tục chờ

Ngày 10/9, ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, thông tin: “Đến thời điểm này tỉnh vẫn chưa có kịch bản di dời dân. Ban Quản lý Dự án thủy điện 3 đã gửi cho tỉnh phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa này nhưng tỉnh không phê duyệt. Nguyên nhân do họ chưa có những đánh giá cụ thể về tác động của động đất đến đập cũng như kế hoạch ứng phó với tình huống vỡ đập”. Cũng theo ông Truyền, phải chờ đến khi có kết luận cuối cùng của đoàn khoa học (ngày 12/9), tỉnh mới tính đến các phương án có di dân hay không. Trước mắt, tỉnh đang tích cực phổ biến cho người dân các kiến thức về phòng tránh và giảm thiệt hại do động đất gây ra.

Trong khi đó, UBND huyện Bắc Trà My cho hay thời gian qua đã khảo sát các điểm cao để có thể chỉ dẫn cho dân nếu đập Sông Tranh 2 bị vỡ. “Hiện địa phương cũng chưa có phương án để di dân. Ngoài ra, rất khó tìm khu tái định cư ở hạ lưu cao hơn cao trình của đập thủy điện. Cao trình cao nhất ở phần hạ lưu của huyện chỉ là 105 m, trong khi cao trình đập lên tới 175 m” - ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, lo lắng.

Lê Phi

Công việc cần kíp hiện nay là phải đánh giá, đưa ra phương pháp sửa chữa hiện tượng nước rò rỉ ở đập thủy điện Sông Tranh 2 cho phù hợp chứ không phải chỉ bịt các miệng phun như thời gian qua.

TS NGUYỄN BÁCH PHÚC, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM

Cơ chế vận hành Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 tuân thủ theo thiết kế. Mức độ an toàn chịu đựng của đập thủy điện này vượt trên mức động đất cấp 7/8, trong khi các rung chấn vừa qua chưa tới mức cấp 5.

Theo đánh giá tại cuộc họp Hội đồng nghiệm thu nhà nước ngày 4/9, hiện mức độ thấm nước trên thân đập đã giảm hơn dự kiến, có những điểm giảm gần 99%. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo EVN thuê Công ty Tư vấn Hoa Đông (Trung Quốc) và tư vấn độc lập AF-COLENCO (Thụy Sỹ) để giám sát độc lập quy trình xử lý. Chính phủ cũng đã chỉ đạo EVN lắp đặt các trạm quan trắc động đất để theo dõi những biến động địa chất ở đây.

Năm nay, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương đã tổ chức hai đợt kiểm tra mức độ an toàn các đập thủy điện trên cả nước trong mùa mưa bão. Kết quả sẽ có trước ngày 15/9.

Sau ngày 12/9, khi có kết quả của đoàn khảo sát Viện Vật lý Địa cầu, Bộ Công Thương và Xây dựng sẽ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chọn thời điểm tích nước lòng hồ.

Ông NGUYỄN VĂN THANH,  Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường, Bộ Công Thương

TRÀ PHƯƠNG (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Phong (Pháp luật TP.HCM)
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN